Năm 2018, có 1.141 trẻ em bị xâm hại tình dục
- Phạm Toàn
- •
Thống kê, số vụ xâm hại tình dục trẻ em năm 2018 là 1.269 vụ, trong đó có 1.141 em bị xâm hại.
Bộ Công an cho biết theo thống kê, năm 2018, cả nước phát hiện 1.547 vụ xâm hại trẻ em, giảm 2,8% so với năm 2017 (1.547/1.592) với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em.
Phân tích theo tội danh, Bộ cho hay đã xảy ra 425 vụ hiếp dâm trẻ em, 606 vụ giao cấu với trẻ em, 232 vụ dâm ô với trẻ em,… Cụ thể:
- Giết trẻ em: 43 vụ, 39 đối tượng, xâm hại 48 em
- Hiếp dâm trẻ em: 425 vụ, 411 đối tượng, xâm hại 391 em hiếp dâm
- Cưỡng dâm trẻ em: 6 vụ, 6 đối tượng, xâm hại 6 em;
- Giao cấu với trẻ em: 606 vụ, 591 đối tượng, xâm hại 531 em;
- Dâm ô với trẻ em: 232 vụ, 225 đối tượng, xâm hại 213 em;
- Cố ý gây thương tích với trẻ em: 103 vụ, 182 đối tượng, xâm hại 114 em;
- Mua bán, chiếm đoạt trẻ em: 22 vụ, 44 đối tượng, xâm hại 24 em;
- Tội phạm khác: 97 vụ, 125 đối tượng, xâm hại 133 em.
Về kết quả xử lý:
- Xử lý hình sự: 1.255 vụ (chiếm 81%) với 1.360 đối tượng (chiếm 81%);
- Xử lý hành chính: 112 vụ (chiếm 7,2%) với 162 đối tượng (chiếm 9,7%);
- Đang điều tra xác minh: 62 vụ (chiếm 4%) với 58 đối tượng (chiếm 3,5%), còn lại các vụ tạm đình chỉ, không khởi tố…
Cũng theo thống kê, các địa phương xảy ra nhiều vụ án xâm hại trẻ em gồm: Hà Nội 88 vụ, TP. HCM 77 vụ, Đắk Lắk 52 vụ, Tây Ninh 51 vụ, Đồng Nai 46 vụ,…
“Các đối tượng có hành vi bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau, trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật và xã hội còn rất hạn chế. Phân tích cho thấy số đông là người có trách nhiệm nuôi dưỡng, bảo mẫu, quản lý trẻ em như giáo viên, bảo mẫu, cha mẹ ruột, cha dượng, mẹ kế; nạn nhân thường là trẻ em nhỏ tuổi được cha mẹ gửi quản lý, chăm sóc hoặc sống trong gia đình không hoàn thiện, cha mẹ ly thân, ly hôn phải sống với cha dượng, mẹ kế…
Các trường hợp khác nằm ngoài sự quản lý của cha mẹ, người thân nên bị các đối tượng xâm hại. Một số vụ việc do hoàn cảnh khó khăn, người mẹ sinh con ngoài ý muốn lo sợ ảnh hưởng đến bản thân, danh dự gia đình đã vứt bỏ con khi mới sinh hoặc cố ý bỏ con tại các nơi công cộng, nơi hoang vắng, các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà chùa, nhà thờ…“ – Bộ Công an cho hay.
Cũng theo Bộ Công an, về tội phạm mua bán người, năm 2018, cả nước phát hiện 211 vụ với 276 đối tượng, lừa bán 386 nạn nhân, so với năm 2017 giảm 43,88% số vụ, giảm 43,8% số đối tượng, trong đó đã điều tra, khởi tố 200 vụ/261 đối tượng.
Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 109 vụ/194 bị can. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 130 vụ/233 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 116 vụ/213 bị cáo; các cơ quan chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.500 trường hợp, trong đó có hơn 490 trường hợp được xác định là nạn nhân bị mua bán, còn lại là những người nhập cảnh, di cư trái phép.
Năm 2018, một loại hình tội phạm mới được các đối tượng thực hiện nhưng rất khó khăn trong xử lý khi áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015, đó là tình trạng các đối tượng đưa những phụ nữ có thai ra nước ngoài dưỡng thai sau đó đẻ và bán con. Với hành vi này hiện chưa thể áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 để xử lý các đối tượng về hành vi mua bán người. Điển hình là vụ 5 phụ nữ ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đang có thai được Mông Thị Oanh đưa sang Trung Quốc đẻ sau đó bán con tại Trung Quốc.
Phạm Toàn
Xem thêm:
Từ khóa Bộ Công an xâm hại tình dục trẻ em