Năm 2021: Các nhà máy điện than thải ra 16 triệu tấn tro xỉ; còn tồn kho 48 triệu tấn
- Minh Long
- •
Bộ Xây dựng cho biết năm 2021, có 29 nhà máy điện than đang hoạt động đã thải ra môi trường 16 triệu tấn tro xỉ; lượng tro xỉ đang tồn kho tương đối lớn, lên tới 48,4 triệu tấn.
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về việc xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao do các nhà máy nhiệt điện than thải ra môi trường.
Bộ này cho biết theo số liệu tổng hợp từ các Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các nhà máy nhiệt điện khác, hiện cả nước có 29 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động.
Trong năm 2021, tổng lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước khoảng hơn 16 triệu tấn. Lượng phát thải tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc (chiếm 64%), miền Trung (chiếm 25%) và miền Nam (chiếm 11%) tổng lượng thải.
Cụ thể, 14 nhà máy điện than của EVN thải ra 6,88 triệu tấn tro xỉ, 6 nhà máy của TKV thải ra 2,46 triệu tấn, 2 nhà máy của PVN thải ra 1,55 triệu tấn, 7 nhà máy nhiệt điện BOT thải ra khoảng 5 triệu tấn tro xỉ.
Nhà máy điện than ghi nhận có lượng phát thải tro xỉ lớn nhất cả nước là Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương, mỗi năm thải ra môi trường 2,2 triệu tấn.
Địa phương ghi nhận có lượng phát thải tro xỉ nhiệt điện lớn nhất cả nước là Quảng Ninh, mỗi năm thải ra khoảng 6,7 triệu tấn.
Đáng chú ý, theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2021, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm trên cả nước tương đối lớn, khoảng 48,4 triệu tấn, chiếm khoảng 48% tổng lượng phát thải từ trước tới nay (tăng hơn 7% so với thời điểm cuối năm 2020).
Trong đó, các nhà máy điện than thuộc EVN tồn kho hơn 19,7 triệu tấn, các nhà máy của TKV tồn kho 13 triệu tấn, các nhà máy của PVN tồn kho gần 2 triệu tấn, các nhà máy điện BOT tồn kho 13,3 triệu tấn.
Cũng theo Bộ Xây dựng, không chỉ có các nhà máy điện than thải tro xỉ ra môi trường, trong năm 2021 các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất đang thải ra môi trường khoảng 1,3 triệu tấn thạch cao PG.
Lượng bã Phosphogypsum độc hại (GYPS) thải ra gần như chưa tiêu thụ được, phải lưu trữ toàn bộ tại bãi chứa, khoảng 12,35 triệu tấn.
Bộ Xây dựng cho hay Vụ Vật liệu xây dựng trong đợt rà soát vừa qua đã chỉ ra các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tro, xỉ tiêu thụ còn chậm như: Một số nhà máy có bãi chứa tro, xỉ nằm cách xa nơi tiêu thụ (các nhà máy sản xuất xi măng và các loại vật liệu xây dựng khác, các công trình xây dựng lớn) nên chi phí vận chuyển cao; việc sử dụng tro xỉ chưa hấp dẫn về kinh tế – kỹ thuật nên khó tiêu thụ (như tại Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 4).
Bên cạnh đó, còn các nhà máy nhiệt điện chưa thực hiện phân loại riêng biệt tro và xỉ gây khó khăn cho việc xử lý và sử dụng tro, xỉ. Mặt khác, năng lực của đơn vị tham gia xử lý tro, xỉ còn hạn chế nên không thể thực hiện mục tiêu như đã cam kết.
Để giảm bớt ô nhiễm, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu sử dụng tro xỉ nhiệt điện, thạch cao làm nguyên liệu trong các công trình giao thông, thay thế vật liệu tự nhiên…
Từ khóa bộ Xây dựng Dòng sự kiện nhà máy điện nhiệt than