Nghệ An: Rừng ngập mặn suy giảm nghiêm trọng
- Trần Tâm
- •
Rừng ngập mặn tại các huyện ven biển Nghệ An có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng. Riêng huyện Quỳnh Lưu – huyện có diện tích rừng ngập mặn lớn và điển hình nhất của Nghệ An đã giảm từ 500 ha còn 300 ha, kèm theo đó là hiện tượng xói lở bờ biển. Thống kê năm 2016, với tốc độ xói lở trung bình 42 m, mỗi năm Nghệ An mất gần 100 ha đất ven biển.
Nghệ An nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ với diện tích 16.490,25 km2, trong đó có 82 km bờ biển. Hàng năm, Nghệ An thường chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ. Với diện tích 7.200 ha đất rừng ven biển (trong tổng số 29.240,6 ha vùng ven biển), Nghệ An mới chỉ có 1.738 ha đất có rừng, trong đó có 569,9 ha rừng ngập mặn chủ yếu ở các vùng cửa Hội (sông Cả), Cửa Vạn (sông Bùng), cửa Lạch quèn, Lạch Cờn (sông Mai Giang); 688,1 ha rừng bãi cát ven biển thường gọi là bãi ngang.
Năm 1997, khi có dự án trồng rừng ngập mặn của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, Đan Mạch tài trợ, các địa phương ven biển của Nghệ An đã phát triển hệ thống rừng ngập mặn. Sau những năm đầu thực hiện dự án, các địa phương như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP. Vinh đã triển khai trồng rừng ngập mặn với diện tích khoảng 1.106 ha.
Tuy nhiên, những năm qua, việc phát triển các nhà nghỉ, khách sạn, trồng cây nông nghiệp và xây dựng khu du lịch ven biển, nuôi tôm tại vùng bãi ngang ven biển,… khiến diện tích đất rừng phòng hộ ven biển và rừng ngập mặn tại Nghệ An giảm đi nhanh chóng.
Theo thống kê năm 2016, trong số 45 xã ven biển của Nghệ An có 19 xã bị xói lở, tổng chiều dài các đoạn xói lở hơn 19.200 m, trong đó 11.050 m ở cửa lạch, 8.240 m bãi ngang. Với tốc độ xói lở trung bình 42 m, mỗi năm Nghệ An mất gần 100 ha đất ven biển.
Riêng huyện Quỳnh Lưu – huyện có diện tích rừng ngập mặn lớn và điển hình nhất của Nghệ An, vào thời điểm phát triển tốt, toàn huyện có 500 ha rừng ngập mặn, tuy nhiên đến năm 2013, toàn huyện chỉ còn khoảng gần 300 ha rừng ngập mặn và 40 ha rừng phi lao chắn cát tại các xã vùng bãi ngang ven biển.
Theo ngành chức năng tỉnh Nghệ An, ngoài nguyên nhân khách quan như do dòng hải lưu thay đổi và một số vùng được đắp đê quai, tàu thuyền thải ra dầu mỡ,… thì nguyên nhân chủ yếu là do nhiều địa phương chưa chú ý đầy đủ đến việc chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn, trong đó có việc doanh nghiệp xin san lấp một số diện tích vốn thuộc quỹ đất trồng rừng ngập mặn, người dân tự ý đắp đất, san lấp, đào bới trong diện tích rừng ngập mặn ven biển để tạo ao nuôi tôm thẻ chân trắng,…
Tại huyện Quỳnh Lưu, để phát triển nghề nuôi tôm, nhiều cánh rừng ngập mặn ven biển đã bị chặt phá.
Theo người dân địa phương, do rừng trồng từ lâu nhưng thời gian gần đây không có ai chăm sóc và cây tại các vùng đất ven sông này là do chính người dân tự trồng lại, tự chăm sóc, tự khai hoang. Vì vậy, người dân đã tự đào đất để làm ao nuôi tôm.
Được biết, tại xã Quỳnh Thạnh (huyện Quỳnh Lưu), vùng rừng ngập mặn rộng 21,3 ha nhưng diện tích ao, hồ nuôi tôm của người dân chiếm tới 15,6 ha, diện tích cây có rừng chỉ còn hơn 5 ha và đang ngày càng giảm.
Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳnh Lưu cho hay đoàn kiểm tra của huyện đã lập biên bản và đình chỉ một số hộ dân đang đào ao nuôi tôm mới trong khu vực rừng phòng hộ. Việc người dân chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang mục đích khác sẽ được cơ quan chức năng làm rõ và có biện pháp giải quyết.
Trần Tâm (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Nghệ An sạt lở rừng ngập mặn nuôi tôm