Ngộ độc thuốc diệt cỏ, 78 người nhập viện
- Kim Long
- •
78 người thuộc bản Suối Khoang (huyện Mộc Châu, Sơn La) phải nhập viện vì uống phải nước có chất paraquat – một thành phần cực độc có trong thuốc diệt cỏ. Hiện 63 người đã xuất viện, 15 người tiếp tục điều trị.
Sáng ngày 28/4, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Thảo Nguyên (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) cho biết BV đang điều trị cho 15 trường hợp trong số 78 bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ tại bản Suối Khoang (xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu).
“Tính đến thời điểm hiện tại đã có 63 trường hợp sức khỏe ổn định và được xuất viện, 15 trường hợp còn lại tình trạng xấu hơn đang được theo dõi và điều trị tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện“, đại diện BVĐK Thảo Nguyên cho hay.
Trước đó, ngày 20/4, 78 người ở bản Suối Khoang có triệu chứng ngộ độc như đau bụng, buồn nôn, nôn và đi ngoài. Các bệnh nhân đều là người dân tộc Mông.
Sau khi tiếp nhận, bệnh viện đã sử dụng các biện pháp giúp giải độc cho bệnh nhân; đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan, trong đó có trung tâm chống độc của BV Bạch Mai để tiến hành sàng lọc. Kết quả cho thấy trong nguồn nước mà các bệnh nhân sử dụng có chất paraquat, một thành phần cực độc có trong thuốc diệt cỏ.
Theo người dân địa phương, nguồn nước bị nhiễm độc vì đây là thời điểm chuẩn bị đất trồng ngô, lúa nên nhiều người thường xuyên phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ nên đã ngấm vào nước gây ngộ độc.
Sau khi xảy ra sự cố, người dân đã được khuyến cáo không tiếp tục sử dụng nguồn nước nhiễm độc, thay thế nguồn nước khác hoặc khử trùng nguồn nước sinh hoạt bằng CloraminB 0,25g. Phòng NN&PTNT huyện Mộc Châu cũng hướng dẫn người dân sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trong nông nghiệp theo quy định.
Ông Đinh Văn Thuận – Chủ tịch UBND xã Tân Hợp (huyện Mộc Châu) cho biết xã Tân Hợp đã đi thăm hỏi, đồng thời, trích tiền quỹ của xã hỗ trợ mỗi người bị ngộ độc 400.000 đồng. Đồng thời, hỗ trợ người dân dọn dẹp xung quanh bản và làm mó nước mới để sinh hoạt, tạm thời không sử dụng mó nước cũ.
Cũng theo ông Thuận, đến nay, nguồn nước đã âm tính với chất độc, trở lại trạng thái bình thường.
Kim Long
Xem thêm:
Từ khóa Sơn La BVĐK Thảo Nguyên ngộ độc thuốc diệt cỏ