‘Ngồi máy lạnh nghĩ chính sách cho dân làm ở ngoài nắng 35-40 độ thì không phù hợp’
- Văn Duy
- •
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Lập – Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) khi nói về chính sách phát triển khu vực dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngày 10/7, Bộ LĐ-TB&XH cùng Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị Triển khai công tác phối hợp về phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Theo báo cáo của ông Bùi Văn Lịch – Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc (Ủy ban Dân tộc) về “Đề án Phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 – 2025”, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với 3,04 triệu hộ, 13,38 triệu người, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới.
Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đây là vùng có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng; nơi có trên 14 triệu ha rừng, là đầu nguồn sinh thủy, gắn với các công trình thủy điện quốc gia vừa cung cấp điện, vừa cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du và khu vực đồng bằng.
Tuy nhiên, hiện nay vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước. Trong tổng số 5.266 xã thuộc vùng này, có tới 1.957 xã khu vực III và 20.139 thôn, bản ngoài xã khu vực III thuộc diện đặc biệt khó khăn; ngoài ra còn có 291 xã bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư đặc biệt khó khăn. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức rất thấp so với bình quân chung cả nước.
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang là “lõi nghèo của cả nước” với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 30% so với bình quân chung cả nước. Dân số chiếm 14,6% dân số cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 56,84% hộ nghèo của cả nước. Một số nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo đang ở mức rất cao lên đến 70 – 80%.
Tại Hội nghị, góp ý về đề án phát triển cho khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, ông Ngô Trường Thi – Vụ trưởng, chánh văn phòng Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng ở các tỉnh miền núi cần quan tâm đến các vấn đề xây dựng hệ thống đường giao thông, chính sách để người dân sống nhờ rừng, bảo vệ rừng, tỷ lệ trẻ em miền núi bỏ học cao và các chính sách đảm bảo cuộc sống, nhà ở, lương thực, học hành cho mỗi vùng, miền chứ không cào bằng.
Còn ông Nguyễn Xuân Lập – Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho ý kiến việc nghiên cứu chính sách cho những vùng này phải xem xét kỹ về đối tượng, có chính sách thu hút lao động phù hợp với điều kiện thực tế để phát triển bền vững.
“Chính sách phải thu hút, đừng chính sách quá. Nếu ngồi máy lạnh nghĩ chính sách cho người dân làm ở ngoài đồng ruộng nắng 35-40 độ thì không phù hợp. Cần có cách nhìn nhận khác khi làm chính sách cho các đối tượng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi” – ông Lập nói.
Dự thảo Đề án Phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14.
Văn Duy
Xem thêm:
Từ khóa xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi