Nguy cơ dịch bệnh tả heo Châu Phi từ Trung Quốc lây sang Việt Nam
- Tuấn Minh
- •
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Đông Nam Á có thể sẽ là nơi bệnh dịch tả heo Châu Phi (ASF) bùng phát tiếp theo khi bệnh dịch này đang gây chết hàng loạt ở heo tại Trung Quốc.
Ngày 2/9, Tân Hoa Xã dẫn lại báo cáo thống kê của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết dịch tả heo châu Phi (African swine fever – ASF) đã được phát hiện tại 5 tỉnh ở nước này. Đã có hơn 38.000 con heo bị tiêu huỷ trên khắp Trung Quốc.
Ổ dịch ASF đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc vào tháng 8/2018 tại tỉnh Liêu Ninh. Bệnh dịch sau đó bùng phát nhanh chóng ra các tỉnh khác, cách Liêu Ninh lên tới 1.200 km.
Trước tình hình trên, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) đã lo ngại dịch bệnh có nguy cơ lây lan ra khỏi biên giới Trung Quốc.
“Sự phát hiện và lây lan địa lý khác nhau của các ổ dịch tại Trung Quốc đã dấy lên lo ngại rằng dịch bệnh sẽ di chuyển qua biên giới với các nước láng giềng Đông Nam Á hoặc bán đảo Triều Tiên, nơi buôn bán và tiêu thụ sản phẩm thịt heo cũng rất cao”, FAO cho biết hôm 28/8.
FAO cũng nhận định rằng có thể việc vận chuyển các sản phẩm từ heo, chứ không phải heo sống, đã gây ra sự lây lan virus sang các vùng khác của Trung Quốc nhanh chóng đến vậy.
Hiện cơ quan này cũng đang liên lạc với các cơ quan chức năng ở Trung Quốc và những quốc gia láng giềng khác để tăng cường sự chuẩn bị nếu bệnh lây lan.
Tuy nhiên, Tân Hoa Xã đã dẫn lời một người phát ngôn không nêu tên của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc khẳng định “tình hình nhìn chung đang được kiểm soát”.
Sự bùng phát dịch bệnh tại Trung Quốc rất đáng chú ý vì quốc gia này là nơi sinh sống của hơn một nửa lượng heo của thế giới.
ASF là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài heo; xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại heo, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%. Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), virus bệnh tả heo có thể tồn tại trong thời gian 2 – 4 tháng trong một cơ sở bị nhiễm bệnh và 5-6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh. Virus này có thể sống sót trong xúc xích hun khói hoặc một phần xúc xích và các sản phẩm thịt lợn khác.
Hiện chưa có vắc xin phòng ngừa ASF. Khi dịch bệnh bùng phát, chỉ có biện pháp duy nhất là tiêu huỷ. OIE cho biết, con người không dễ bị bệnh này.
Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn ngày 30/8 đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành liên quan về việc khẩn cấp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm ASF.
Theo đó, tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển heo và sản phấm của heo bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và xử lý tình trạng buôn lậu heo, sản phẩm của heo theo đúng quy định, tăng cường kiểm dịch động vật.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, do giá heo tại Việt Nam cao hơn so với giá heo tại thị trường Trung Quốc, vấn nạn buôn lậu heo từ Trung Quốc vào các tỉnh biên giới phía Bắc liên tục diễn ra. Đây có thể trở thành nguồn lây nhiễm bệnh ASF tới đàn heo ở Việt Nam.
Tuấn Minh (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa thịt heo ASF bệnh tả heo châu Phi