Trung Quốc: Dịch bệnh heo châu Phi bùng phát tại nhiều tỉnh thành
- Tuyết Mai
- •
Dịch bệnh heo châu Phi tiếp tục lây lan mạnh tại Trung Quốc đại lục! Sau đợt bùng phát tại thành phố Thẩm Dương tỉnh Liêu Ninh và thành phố Trịnh Châu tỉnh Hà Nam, mới đây dịch bệnh tiếp tục lan rộng hơn. Dù cơ quan chức năng tuyên bố dịch bệnh trong khả năng kiểm soát, nhưng tháng này đã xuất hiện vùng dịch bệnh mới tại ba khu vực, có tin đồn bên lề cho rằng đã có người dân bị nhiễm bệnh, nhưng không có thông tin nào về tình hình sống chết của người nhiễm bệnh.
Người dân Giang Tô lo lắng vì dịch bệnh heo châu Phi
Mới đây vào ngày 19/8, Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc đã thừa nhận, trước đó vào ngày 15 phát hiện dịch bệnh tại một trang trại ở thành phố Liên Vân Cảng tỉnh Giang Tô làm 615 con heo nhiễm bệnh, 88 con bị chết, sau khi khám chẩn đoán là dịch tả heo châu Phi (african Swine fever).
Như vậy, đây là vụ bùng phát dịch thứ ba trong tháng, cho thấy dịch bệnh đã lan sang miền đông Trung Quốc và biện pháp ngăn chặn của cơ quan chức năng dường như đã thất bại.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do (RFA), một người dân tại quận Hải Châu thành phố Liên Vân Cảng cho biết, mặc dù cơ quan chức năng tuyên bố rằng dịch đã được khống chế, nhưng chị không tin điều này, “Chính quyền cấp trên nói nghe thì hay, nhưng chính quyền cấp dưới không làm vậy, giống như thịt heo bẩn họ vẫn bán, tôi đã thấy trên mạng internet…”. Một người đàn ông họ Giả (Jia) cho biết, thông tin mà cơ quan chức năng công bố về dịch heo châu Phi rất hạn chế khiến người dân không hiểu rõ được tình hình, ông lo sợ dịch sẽ tiếp tục lây lan rộng, hy vọng cơ quan chức năng có thể công khai mọi thông tin cho mọi người biết.
Trong đợt bùng phát dịch heo châu Phi này, ban đầu xảy ra vào 01/8 tại quận Bắc Tân thành phố Thẩm Dương tỉnh Liêu Ninh; sau đó vào ngày 14 xảy ra tại trại giết mổ của công ty thực phẩm Song Hối (Shuanghui) trong khu kinh tế mở thành phố Trịnh Châu tỉnh Hà Nam, nhưng những thông tin chỉ ra điểm lan dịch bệnh bắt nguồn từ heo hơi ở Hắc Long Giang cách đó hơn 2000 cây số.
Sau khi vụ việc xảy ra, dù tập đoàn Shuanghui cho biết đã tiêu hủy toàn bộ tổng số 1.362 con heo còn sống trong trang trại cũng như số heo đã giết trong lò mổ, tuy nhiên nhiều người vẫn lo lắng vì số lượng chế phẩm từ thịt heo của tập đoàn Shuanghui vô cùng lớn, trong khi vi rút dịch heo châu Phi có thể thích nghi với độ pH là pH4 đến pH13, khả năng chịu nhiệt khá tốt, chúng có thể sống sót qua quá trình gia công chế biến thành nhiều chế phẩm như chà bông, thịt khô…
Trường hợp Shuanghui cho thấy vấn đề đang nghiêm trọng hơn
Shuanghui là nhà máy chế biến thịt lớn nhất ở Trung Quốc Đại lục, cho dù hiện chưa phát hiện thêm cơ sở nào khác của công ty này bị nhiễm dịch bệnh, nhưng có thể nói vụ việc cũng đã là một cú sốc cho người dân Trung Quốc Đại lục, vì tập đoàn Shuanghui có hơn 30 cơ sở sản xuất nằm rải rác tại 18 tỉnh ở Trung Quốc, kinh doanh nhiều sản phẩm chế biến từ thịt heo.
Từ trang web chính thức của Shuanghui cho thấy, hàng năm Shuanghui sản xuất khoảng 300 triệu tấn chế phẩm thịt (xúc xích, giăm bông, thịt xông khói…), những chế phẩm này nhập vào nhiều siêu thị tại Trung Quốc, trị giá thương hiệu của doanh nghiệp khoảng 60,6 tỷ Nhân dân Tệ (khoảng 8,85 tỷ Đô la Mỹ), công ty mẹ Vạn Châu (Wanzhou, WH Group) là một thương hiệu quốc tế khác của Smithfield Foods, cũng hoạt động tại thị trường Mỹ và châu Âu.
Ngoài ra, nạn dịch bệnh heo châu Phi tại Trung Quốc này cũng liên quan đến những khu nuôi heo trọng điểm tại tỉnh Hà Nam với tổng sản lượng hàng năm khoảng 70 triệu con, cung cấp trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, vì thế việc kiểm soát dịch bệnh đặc biệt khó khăn. Nếu dịch bệnh heo châu Phi với tỷ lệ tử vong là 100% tiếp tục lan rộng, chắc chắn sẽ trở thành một thảm họa đối với toàn dân Trung Quốc.
Tin đồn đã có người bị nhiễm bệnh chưa rõ sống chết
Gần đây, nhiều bộ phận dịch vụ đường sắt ở Trung Quốc Đại lục đã ban hành thông báo khẩn cấp, yêu cầu các công ty phải khẩn trương loại bỏ các sản phẩm thịt của Tập đoàn Shuanghui.
Một số người chia sẻ trên mạng internet rằng nguyên nhân chính gây tình trạng dịch bệnh lây lan xuyên tỉnh này là do vấn đề kiểm dịch. Vì hầu hết cơ quan quản lý địa phương rất yếu kém trong khả năng phát hiện và kiểm dịch động vật, cái gọi là “kiểm dịch” thực tế chỉ là phát hành tem chứng nhận để thu lệ phí.
Chị Mã, một người được cho là thông thuộc tình hình tại Hắc Long Giang cho biết, lý do lây lan bệnh dịch lần này là vì Trạm Kiểm dịch Hắc Long Giang có “cửa sau”, thả lỏng cho các trạm kiểm dịch ban hành chứng nhận kiểm dịch tràn lan. Hệ quả là heo có vấn đề ở Hắc Long Giang được vận chuyển đến Trịnh Châu, làm dịch bệnh lây lan rộng.
Theo một một tài liệu nội bộ của Văn phòng An toàn thực phẩm thành phố Yên Đài đưa ra vào ngày 15/8, tập đoàn Vạn Phúc (Wanfu Group) tại Thanh Đảo, doanh nghiệp hàng đầu cấp quốc gia chế biến sản phẩm nông nghiệp bán trong nước và xuất khẩu, bị nghi ngờ đã để xảy ra chế phẩm heo nhiễm dịch bệnh đưa vào siêu thị. Nguyên do vì có khách hàng ở thị trấn Tiểu Môn Gia (Xiaomenjia) thành phố Bồng Lai tỉnh Sơn Đông bị nghi nhiễm bệnh do mua phải thịt heo có vấn đề. Dù dịch bệnh đe dọa trực tiếp sinh mạng người dân, nhưng các văn bản của chính quyền lại đánh dấu không được công khai. Trên trang web chính thức của tập đoàn Vạn Phúc cũng không có đề cập đến vụ việc này.
Một người tên Nhậm Thụy Hồng (Ren Ruihong) là người am hiểu tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Trung Quốc chỉ ra, gần đây tình hình dịch bệnh gia súc ở Trung Quốc Đại lục đang trở lên nghiêm trọng hơn, không chỉ dịch heo mà còn có cừu, dê, dịch bệnh than bò cũng rất nghiêm trọng. Tuy nhiên cơ quan chức năng lại cấm nhân viên thảo luận về thông tin liên quan đến tình hình tử vong vì dịch bệnh. “Về cơ bản, khi đã biết tình hình thì nên tránh ăn thịt heo, thịt bò, thịt cừu, bây giờ chỉ có thịt gà là tạm ăn được”, chị cho biết.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa dịch heo châu Phi dịch tả heo