Nhà hát gần 200 tỷ đồng ở Huế mới dùng hơn nửa năm đã hư hỏng là do ‘bão số 5’?
- Hoàng Minh
- •
Nhà hát Sông Hương có tổng mức đầu tư 198 tỷ đồng, mới sử dụng từ hồi tháng 8/2020 đã hư hỏng, nhếch nhác.
Truyền thông nhà nước vừa lan truyền hình ảnh Nhà hát Sông Hương, nằm trong khuôn viên Học viện Âm nhạc Huế (số 1 Lê Lợi, TP. Huế) xuống cấp, hư hỏng.
Điều đáng nói, công trình chỉ mới đưa vào sử dụng từ tháng 8/2020; được Bộ VH-TT&DL quyết định đầu tư với tổng kinh phí 198 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên (thuộc Bộ VH-TT&DL) làm chủ đầu tư. Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương Mại An Bảo và Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO) là đơn vị trúng thầu thi công; khởi công từ năm 2017.
“Rất nhiều thanh gỗ trần mái phía ngoài nhà hát đã bị bong, bung để lộ nhiều lỗ hổng ở hạng mục này. Không những vậy, nhiều điểm khác bắt đầu xuất hiện vết nứt, có dấu hiệu chuẩn bị bong tróc rất nguy hiểm.
Nhiều người dân đến thăm quan Nhà hát Sông Hương tỏ ra bức xúc và lo lắng khi công trình này mới được đưa vào sử dụng nhưng xuất hiện nhiều chỗ bị hư hỏng. Đáng chú ý, vị trí của nhà hát nằm ngay cạnh sông Hương, dọc con đường đi bộ nên những hình ảnh bong tróc này đập ngay vào mắt của người dân, du khách trông rất phản cảm”, tờ VTC mô tả.
Còn tờ Công an Nhân dân viết: “Nhiều người không khỏi ngạc nhiên và đặt nghi vấn về chất lượng công trình nhà hát sông Hương được đầu tư hàng trăm tỷ đồng khi xuất hiện hư hỏng ở trần mái phía ngoài tiền sảnh sau gần 1 năm đưa vào sử dụng.
Nhiều tấm gỗ ốp dưới trần ở khu vực rìa mái bị bung đinh vít rơi xuống mặt đất tạo thành những lỗ trống trên trần mái trông nhếch nhác.
Một số vị trí hạng mục trần mái cũng xuất hiện vết nứt, bong tróc. Hàng ngày, khu vực nhà hát có đông người dân, du khách đến tham quan, uống cà phê nên việc những tấm gỗ từ trần mái nhà hát sông Hương rơi xuống rất nguy hiểm”.
Giải thích nguyên nhân khiến công trình xuống cấp, tờ Tuổi trẻ dẫn lời ông Trần Ngọc Quang – giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên nói là “do phần mái lợp tôn klip-lok đặc dụng với diện tích hơn 300m2 của nhà hát bị gió bão số 5 thổi bay hồi tháng 9/2020”.
Ông Quang giải thích thêm vì chưa thể đặt mua kịp loại tôn lợp trên từ Hà Nội vào Huế, chủ đầu tư đã phải cho lợp tạm loại tôn thường để che mưa nắng.
“Việc lợp tôn thường không được kín kẽ và Huế xảy ra mưa liên tiếp trong thời gian sau đó khiến nước từ phần mái nhà hát thấm xuống bên dưới, làm gỉ sét bộ phận đinh ốc đóng gỗ phần trần mái nên mới dẫn đến việc mái gỗ bị rơi xuống bên dưới”.
Đáng chú ý, trước câu hỏi “chủ đầu tư liệu đã tính toán đến việc chống chọi với bão tố, thời tiết khắc nghiệt ở Huế hay chưa”, ông Quang chỉ nói rằng “làm theo thiết kế được phê duyệt”.
“Không ngờ trận bão số 5 vừa rồi có những cơn xoáy lốc cục bộ mạnh đến vậy”, ông Quang biện giải thêm và nói “lần sửa chữa này chúng tôi cũng yêu cầu phía tư vấn thiết kế nghiên cứu, gia cố phần trần và phần mái nhằm bảo đảm công trình có thể sử dụng lâu dài”.
Hoàng Minh (t/h)
Quảng trường Hồ Chí Minh 120 tỷ đồng mới sử dụng hơn 30 ngày đã xuống cấp
Từ khóa Huế nhà hát sông Hương