Sang ngày thứ 5, tình trạng nước bốc mùi khét, sặc khiến sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân khu vực các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) bị đảo lộn. Tuy nhiên, thông tin duy nhất người dân nhận được từ cả đơn vị sản xuất nước sạch – Công ty sông Đà và cơ quan liên ngành TP Hà Nội là chờ kết quả thử nghiệm. 

nước sạch có mùi lạ
Một Hà Nội “bình yên” giữa rất nhiều biến cố và tai ương. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Theo văn bản ký ngày 11/10, công bố ngày 12/10, Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) (đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch cho các hộ dân khu vực tây nam TP) cho biết ngày 11/10 đã cùng Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) lấy mẫu tại điểm cấp nước đồng hồ DN1200 BigC. Chiều cùng ngày, đại diện Sở Y tế, Sở Xây dựng, Trung tâm y tế dự phòng, đại diện khách hàng đã đến lấy mẫu tại trạm bơm và bể chứa tại nhà máy để kiểm tra.

Tuy nhiên, bản thông báo không nêu cụ thể thời gian có kết quả phân tích chất lượng nước.

Công bố trên cũng là thông tin duy nhất do Công ty Sông Đà thông báo khi tình trạng nước sặc mùi bị phản ánh trên diện rộng.

Thực tế, thông tin trên chỉ lặp lại công bố truyền thông trước đó từ phía chính quyền. Ngày 11/10, Sở Xây dựng Hà Nội – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý việc cấp nước sạch trên địa bàn – cho biết đã cùng Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, Công ty Viwaco, Công ty sông Đà đi kiểm tra và lấy mẫu nước.

3 điểm lấy mẫu nước gồm trạm bơm tăng áp Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), bể chứa trung gian tại huyện Thạch Thất, tại Nhà máy nước sạch sông Đà (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình); và một số điểm trên hệ thống cấp nước của đơn vị bán lẻ.

Sau cuộc kiểm tra của liên ngành xây dựng – y tế TP, nguyên nhân sự cố nước sạch bốc mùi chưa được làm rõ. Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết nhanh thì 7 ngày, bình thường thì 10 ngày làm việc mới có kết quả xét nghiệm mẫu nước. Và theo quy trình, kết quả sẽ gửi cho Sở Xây dựng báo cáo lãnh đạo TP, sau đó mới thực hiện công bố. Điều này có nghĩa 7 ngày chưa phải là thời gian chờ đợi cuối cùng.

Tại Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang, thời gian xét nghiệm chất lượng nước thường kéo dài từ 7-10 ngày. Tuy nhiên, việc xét nghiệm nhanh vẫn có thể đáp ứng khi có yêu cầu cần gấp. Đối với tình trạng nước bất thường tại Hà Nội, khi sự việc liên quan đến nhiều người như vậy thì cần có chỉ đạo để giải quyết nhanh thay vì tiến hành đúng ngày như quy trình bình thường.

Hiện tại, tình trạng nước bất thường đã bước sang ngày thứ 5 song vẫn không có bất kỳ hỗ trợ về nguồn nước hay khuyến cáo sức khỏe từ các bên liên quan. Cả đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch, đơn vị kinh doanh nước sạch, Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Y tế vẫn giữ thái độ im lặng khi đời sống của hàng chục nghìn hộ dân trong thành phố bị đảo lộn.

nước sạch có mùi lạ
Cảnh mua nước, chia nước về dùng tại một khu chung cư ở Hà Nội. (Ảnh: FB Linh Đàm)

Nhiều nhà có trẻ nhỏ phải đưa đi ở nhờ nhà người thân, phải xả cho bớt mùi, dùng vòi lọc khử mùi, thậm chí mua nước về dùng do lo sợ trong nước có hóa chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo ghi nhận, từ chiều ngày 12/10, dưới sức ép của người dân, một số ban quản lý chung cư phải mua nước để cung cấp cho các hộ, song khuyến cáo chỉ cho lấy nước ăn. Hình ảnh người dân tại các tòa chung cư mang theo xô, thùng, nồi… xếp hàng dài chờ lấy nước về nấu cơm đã trở thành một dấu ấn đáng buồn cho thành phố thủ đô, vốn là trung tâm chính trị – xã hội của cả nước, khi từ không khí, thực phẩm, nước cùng bị đặt dấu hỏi về mức độ độc hại.

Sự im lặng đáng sợ không chỉ đến từ hàng chục lãnh đạo cấp thành phố, lãnh đạo của những doanh nghiệp nhà nước khi hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng nước bất thường. Sự im lặng đang đến từ một nơi xa hơn, trong mối hồ nghi rằng nước bị nhiễm độc thật sự, còn Công ty Sông Đà thì âm thầm thuê người thu dọn và cấp nước như bình thường.

Theo sự việc do Báo Tiền Phong phản ánh vào tối ngày 13/10, liệu sự cố nước sặc mùi hóa chất tại Hà Nội có bắt nguồn từ dòng suối đầu nguồn nước sông Đà đang bốc mùi khét, chuyển màu đen do dầu thải hay không, liệu cá chết trắng bụng khi dầu đen loang vào nước có đang cảnh báo về tình trạng nước bị nhiễm độc hay không, câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Nhưng có một thực tế rằng từ ngày 9/10, Công ty sông Đà đã thuê khoảng 50 người dân để vớt dầu loang ở dòng suối đầu nguồn. Nước ở dòng suối này sau đó tiếp tục chảy vào hồ Đầm Bài, còn Nhà máy nước sông Đà lấy nước trực tiếp từ hồ Đầm Bài để sản xuất thành nước máy.

Vì sao thông tin xử lý ô nhiễm vùng nước đầu nguồn vắng mặt trong thông báo Công ty Sông Đà đã gửi khách hàng và các đơn vị liên quan? Vì sao sự việc này không được giới chức lãnh đạo của thành phố cập nhật và đưa ra phương án xử lý? Liệu người dân, một lần nữa, có bị biến thành con rối bởi những lá bài truyền thông như trong vụ khí độc Rạng Đông?

Nối tiếp tai ương không khí bị nhiễm độc thủy ngân hay bụi mịn, sinh mạng của hàng triệu người đang sống tại Hà Nội tiếp tục bấp bênh theo khoảng 300.000m3 nước do Công ty Sông Đà cung cấp mỗi ngày.

Trong những ngày vừa qua và đang đến, cụm từ “‘nước sạch’ có mùi lạ” đáng buồn thay đang hiện lên như một ẩn dụ về một đời sống được khoác lớp áo bình yên nhưng ẩn tàng hiểm họa.

Xuân Tường

Xem thêm: