Phận người tan biến
- Lê Trai
- •
Năm 2018 khép lại với con số hàng nghìn người chết, chỉ tính riêng một trong những “đại dịch” lớn của quốc gia: tai nạn giao thông. Chưa hết tháng 1 đầu năm 2019, lại tiếp tục xảy ra hai vụ tai nạn giao thông thảm khốc, cùng lúc cuốn đi sinh mạng của hàng chục người sau những bánh xe container.
Trong vòng một năm qua, cả nước đã xảy ra hơn 18.700 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 8.200 người, hơn 14.800 người khác bị thương. Bình quân mỗi giờ, một người tử vong do tai nạn giao thông. Còn trong gần 15 nghìn người bị thương, có bao nhiêu phần trăm sẽ bình phục mà không trở thành phế nhân?
Hơn 8.200 người chết trong một năm là con số tàn nhẫn đối với người dân tại bất kỳ quốc gia nào. Nó gấp hơn 5 lần số người chết trong thảm họa động đất, sóng thần xảy ra tại Indonesia hồi tháng 9/2018. Hơn 1.500 người thiệt mạng đã biến các ngôi làng ở Palu thành nghĩa địa khổng lồ. Còn tại Việt Nam, hơn 8.200 người bị “quét” sạch trong vòng một năm, chưa kể các thảm họa, nhân tai khác.
Con số ấy tương đương với dân số của một xã lớn. Hãy hình dung, sau một năm, dân số của một xã bị quét sạch không dấu tích – đó thực tế là điều gì? Một cuộc thảm sát không điều tra, không truy cứu, không lời mặc niệm. Ai cũng biết kẻ sát nhân là ai, nhưng nó không có hình, không có tiếng, nó đơn giản được người ta khoác cho cái áo thờ ơ, rằng vì tai nạn giao thông. Nhưng không, tai nạn giao thông không tự nhiên xảy ra, những thảm kịch không tự nó phát tác. Tác nhân con người đằng sau đang cố tình bị lãng quên. Là sự vô tình hay vô trách nhiệm đang khiến cho hơn 8.200 người chết bất đắc kỳ tử mỗi năm không bao giờ được lên tiếng minh oan?
Chỉ nói riêng về vụ tai nạn gần đây nhất xảy ra tại Hải Dương, tới hiện tại, vụ việc đã đi vào khởi tố. Nhưng có phải người tài xế lái xe container là tội nhân duy nhất gây nên vụ giết người? Lái xe dường như chỉ là tác nhân cuối cùng khiến cho hàng loạt bất cập bị phơi bày.
Từ góc độ quy hoạch, nguy cơ tai nạn đã tiềm ẩn khi giao thông, đô thị bị quy hoạch manh mún lộn xộn, khu vực dân sinh bám sát quốc lộ. Lộ trình Hà Nội – Hải Phòng hiện đã có tuyến cao tốc, nhưng xe container, xe tải vẫn bám quốc lộ, ken đường với xe ô tô, xe máy, xe thô sơ các loại để giảm chi phí vận tải. Trong khi đó, tại hiện trường, chân cầu vượt hướng thẳng ra quốc lộ khiến người đi bộ phải đi trong làn dành cho xe thô sơ, dù sau một lằn ranh vạch trắng là ào ào xe lao qua. Nhưng ngay cả khi câu chuyện quy hoạch không được nhắc đến, vẫn có những sai phạm đầy rẫy trên đường mà các bộ ngành liên quan đều biết nhưng lại không ngăn trừ triệt để. Trên khắp mọi nẻo đường, mãi lộ trở thành luật bất thành văn thay vì xử lý, ngăn chặn vi phạm. Lái xe dễ dàng mua bằng giả, chủ xe tùy ý tăng chuyến, tăng tải để giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người lái xe ô tô chạy tuyến đường dài không được lái xe quá 10 giờ mỗi ngày và liên tục 4 tiếng; sau mỗi 2,5-3 tiếng, tài xế phải nghỉ từ 30-45 phút mới tiếp tục cầm lái. Điều 8 luật này cũng nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy. Thiết bị giám sát hành trình bắt buộc phải gắn trên xe.
Thế nhưng, vẫn có những chuyến xe container chạy hơn 2.000 km từ Long An đi Quảng Tây (Trung Quốc) nhưng chỉ có một tài xế (thường phải có hai tài xế để thay phiên nhau lái), thời gian chỉ định trong vòng 60 tiếng (hai ngày, ba đêm). Bạn tôi, từng là tài xế xe container có “thâm niên” 8 năm vừa lái vừa nghiện ma túy đá cho hay chủ xe dù biết anh nghiện nhưng vẫn tuyển vì tuyến Yên Bái – Lào Cai khi chưa có cao tốc cần tài xế quen đường, vững lái khi thực tế xe được chất lên hàng trăm tấn sắt dù trọng tải tối đa chỉ được phép 45 tấn.
Chủ xe dễ dàng bỏ qua luật, tăng ca, giao chuyến. Cảnh sát dễ dàng bỏ qua lỗi vi phạm thiếu tài, vượt tải trọng… đó chỉ là một vài trong muôn vàn những thỏa hiệp với tử thần mà mỗi từng cá nhân trong số đó vẫn đang làm hàng ngày. Chấp nhận thỏa hiệp vì tặc lưỡi không nhìn thấy tai ương. Chấp nhận thỏa hiệp vì những thuận tiện đang giăng đầy trước mắt. Nhưng liệu ai dám chắc những người dừng ngã tư đường vào một hôm nào đó không phải là chính mình, không phải là người thân trong gia đình. Khi tai ương chưa ập tới, đó đơn giản là cái chết của người khác. Nhưng đã đặt bút giao ước với tử thần, hiển nhiên có ngày phải trả nợ.
Ít nhất 84.938 người chết, 223.533 người bị thương trong 9 năm qua, từ năm 2010 đến 2018, trong 233.268 vụ tai nạn giao thông. Mỗi ngày 26 người tử vong.
Có những lái xe cho hay áp lực khiến họ phải dùng ma tuý để có thể thức liên tục nhiều giờ. Nhưng cũng có người thừa nhận đó thực chất là tệ nạn mà tài xế là giới dễ mắc phải. Sống xa gia đình, cô độc triền miên, áp lực thời gian, dễ sa vào cờ bạc, chán nản vì nợ nần, bị bạn bè rủ rê thử… có muôn vàn ngả đường dẫn đến ma túy. Người bình thường lái tới 3-4 giờ sáng là cứng mắt, nhưng dùng ma túy vào có thể lái tới 7-8 giờ. Nhưng anh bạn tôi thừa nhận, tỉnh đó là tỉnh do hưng phấn chứ đâu phải tỉnh táo thật sự. Nhanh chóng dỡ hàng rồi dưới cơn hư ảo của thuốc lại tìm tới gái mại dâm… Cũng không chỉ riêng tài xế xe container, tài xế taxi, tài xế xe khách, xe du lịch cũng dễ dàng mắc nghiện.
Ích kỷ để sống, đó là những gì mà mỗi người trong xã hội đang đóng góp để khiến xã hội trở nên đầy thảm kịch. Chúng ta hay chấp nhận thỏa hiệp, và im lặng trước điều sai trái. Thêm một trạm thu phí BOT dựng lên bất hợp lý, thêm một gánh nặng cho doanh nghiệp, thêm một bức xúc khiến giới lái xe mất tự chủ mà nghiến bánh. Thêm một xe tải, xe khách được mua đường vượt ẩu, vượt tải, nhồi khách, thêm một lần khả năng tang thương dễ tăng thêm. Chúng ta oán trách quyền lực quá lớn của cảnh sát giao thông, của người thực thi công vụ gián tiếp khiến tai nạn giao thông xảy ra, nhưng vẫn sẵn sàng chạy chọt mua cho con mình một suất công an, giao dịch gầm bàn để leo bậc, giữ ghế…
Từ bộ trưởng cho tới bộ máy công quyền, thay vì đưa ra thật nhiều diễn ngôn, liệu ai đủ dũng cảm nhận trách nhiệm trước pháp luật và nạn nhân, bởi không thể cứ phủi tay đổ hết cho tài xế, cho chủ doanh nghiệp trong khi họ chỉ là một mảnh của vấn đề. Vì có một điều cần thấy rõ, đã sống chung trong bầu không khí đầy độc tố do con người tạo ra ấy, ai cũng có thể trở thành nạn nhân, ai cũng có thể trở thành người chứng kiến.
Chọn thờ ơ để sống, thì những mảnh đời sống thờ ơ ấy cần người để thí mạng. Hơn 8.000 người đã bị thí mạng trong năm qua. Còn cần bao nhiêu thờ ơ nữa để đón nhận một năm mới với thảm kịch của hàng nghìn người?
Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa thương vong do tai nạn giao thông ma túy đá tại nạn giao thông