Quảng Nam: Tiếp tục gồng mình ứng phó với mưa lũ
- Văn Duy
- •
Tính đến sáng nay (ngày 6/11) – ngày thứ ba của đợt mưa lũ, trên khu vực tỉnh Quảng Nam đã thiệt hại nặng nề: núi lở vùi lấp người; lốc xoáy làm hằng trăm ngôi nhà tốc mái, hư hỏng hoàn toàn, hàng chục ngàn hộ dân phải sơ tán khẩn cấp vì lũ dâng cao. Công tác phòng tránh lũ đang được tích cực tiến hành.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ 19h ngày 4/11 đến 19h ngày 5/11, các tỉnh khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 200-250 mm. Riêng một số nơi thuộc Quảng Nam có mưa đặc biệt lớn như Trà My (Quảng Nam): 783 mm; Khâm Đức (Quảng Nam): 500 mm,…
Theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam, mực nước tại các sông như sau: sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đạt 9,96 m, trên báo động 3 (BĐ3) 0,96 m; Mực nước sông Thu Bồn tại Câu Lâu 5,12m, trên BĐ3 1,12m; tại Hội An: 3,15 m, trên BĐ3 1,15 m.
Tại Hội An, khoảng 23h đêm ngày 5/11, lực lượng chức năng đã ứng cứu, đưa 1 gia đình có 8 người ngập sâu trong nước ở khối phố Ngọc Thành (phường Cẩm Phô) đến nơi an toàn. Đến khoảng 24h cùng ngày, lực lượng tại đây cũng ứng cứu kịp thời gia đình gồm 3 người đến nơi an toàn.
Sáng nay (6/11), lực lượng địa phương phối hợp với Biên phòng để tiếp ứng lương thực và cứu hộ 15 người bị mắc kẹt tại ốc đảo Vĩnh Thành (xã Cẩm Kim), và 4 người tại ốc đảo Nam Ngạn (phường Cẩm Nam).
Tại khu vực huyện Bắc Trà My, đêm ngày 5/11, đã xảy ra một vụ sạt lở vùi lấp một căn nhà ở khu vực Đàn Nước, phía tây huyện Bắc Trà My. Tại thời điểm lúc đó, có 7 người của 2 gia đình đang ở trong nhà. Lực lượng chức năng đã đến hiện trường ứng cứu. Tới khuya ngày 6/11, 4 người đã được ứng cứu, 3 người vẫn còn mất tích.
Trước đó, tại huyện Bắc Trà My, sạt lở đất cũng đã làm 2 người chết. Một người khác mất tích do nước lũ cuốn trôi.
Tại huyện Đại Lộc, theo thống kê từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, có 2 người chết, 7 người bị thương do mưa lũ trong các ngày 4, 5 và rạng sáng ngày 6/11.
2 người bị tử vong là bà Phan Thị Chín (SN 1942, khu Hòa An, thị trấn Ái Nghĩa) và ông Đỗ Châu Nhiễu (SN 1946, thôn Đại An, xã Đại Đại Lãnh).
Để đối phó với mưa lũ, huyện đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các điểm ngập sâu, vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; các khu vực có dòng nước chảy xiết tại các cống qua đường, cống chui dân sinh để tổ chức sơ tán. Tính đến tối ngày 5/11, toàn huyện đã tổ chức sơ tán 447 hộ/1575 khẩu đến nơi an toàn.
Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đại Lộc – ông Trần Văn Mai cho biết trên khu vực huyện đã có khoảng hơn 24.000 hộ dân bị ngập, trong đó có nhiều nơi bị ngập sâu, nước lũ cô lập.
Mực nước tại các điểm ngập sâu trên khu vực huyện Đại Lộc như sau: thôn Tân Hà, thôn Hoằng Phước Bắc (xã Đại Lãnh) ngập sâu 1,5 m; thôn Trúc Hà, thôn Thái Sơn (xã Đại Hưng) ngập sâu 2,5 m; thôn Phú Phong, thôn Trà Đức (xã Đại Tân) ngập sâu 1 m; thôn Mỹ Hảo (xã Đại Phong) ngập sâu 1,5 m.
“Từ khuya và sáng nay, nước lũ đang rút xuống nhưng rất chậm. Nhiều giờ liền mà xuống chỉ khoảng 0,4 – 0,5 m; nhiều vùng còn bị cô lập hoàn toàn. Do đó, việc triển khai các phương án khắc phục gặp khó khăn. Chúng tôi chỉ đạo các địa phương theo dõi sát sao tình hình, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó, cứu hộ cứu nạn đã vạch sẵn” – ông Mai cho hay.
Thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My), sáng nay (6/11), nhiều người dân hoang mang khi nghe thông tin thủy điện này sắp vỡ đập, gặp sự cố. Mọi người cùng bỏ chạy tán loạn lên trụ sở UBND huyện và những khu vực rừng núi cao. Tuy nhiên, đại diện chính quyền tại đây cho biết đó chỉ là những tin đồn thất thiệt. Đập vẫn an toàn, nằm trong tầm kiểm soát. Cũng trong sáng nay, thủy điện sông Tranh 2 tiếp tục mở 6 cửa xả lũ.
Trước đó, thủy điện sông Tranh 2 tại khu vực Bắc Trà My xả lũ khiến hạ du ngập nặng:
Một số hình ảnh khác ghi nhận tại Quảng Nam:
Văn Duy (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Quảng Nam ngập lụt thủy điện xả lũ mưa lũ miền Trung