Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến ​​sẽ gặp Chủ tịch nước Việt Nam kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm vào thứ Tư (25/9),  Reuters đưa tin theo nguồn tin riêng. 

tong bi thu chu tich nuoc to lam va phu nhan len duong cong du my cuba
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. (Ảnh: chinhphu.vn)

Cuộc họp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tô Lâm dự kiến ​​sẽ diễn ra bên lề Hội nghị của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Hoa Kỳ.

Nhà Trắng hiện chưa bình luận gì về thông tin trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trước đó không nói liệu ông Lâm có gặp ông Biden trong chuyến công du lần này hay không.

Ông Biden rất muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á được coi là chiến lược và trung tâm sản xuất, để làm đối trọng với Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, hiện Hà Nội vẫn duy trì mối quan hệ truyền thống và gắn kết với cả Moskva và Bắc Kinh.

Tháng Chín năm ngoái, ông Biden đã đến thăm Việt Nam và đạt được các thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng sản, cũng như nâng cấp vị thế ngoại giao cao nhất với Hà Nội, cùng là “đối tác chiến lược toàn diện” như Việt Nam đã đang có với Trung Quốc và Nga.

Trong chuyến công du đầu tiên tới Hoa Kỳ kể từ khi được bổ nhiệm vào đầu tháng Tám để làm người đứng đầu Đảng, chức vụ quyền lực nhất của đất nước, ông Lâm sẽ phát biểu tại sự kiện của Liên Hiệp Quốc và gặp gỡ đại diện của một số tập đoàn Hoa Kỳ, bao gồm Google, và Meta, chủ sở hữu Facebook, Instagram.

Không rõ liệu ông Tô Lâm có gặp các đề cử viên Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và bà Kamala Harris hay không.

Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng phu nhân và đoàn công tác đã đến Hoa Kỳ vào chiều 21/9 (giờ địa phương) để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hiệp Quốc.

Phát biểu trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam trong hội nghị nêu trên vào trưa ngày Chủ Nhật (22/9), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh “mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất của chúng ta”.

Ông Lâm cho hay trí tuệ con người đã giúp thay đổi thế giới và cuộc sống con người, song cũng chính con người là tác nhân gây ra nhiều thách thức như “biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sự suy kiệt tài nguyên hay chế tạo các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt…”

Ông Lâm nhấn mạnh những lựa chọn ở hiện tại sẽ định hình tương lai, và cho rằng “mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất”.

Theo đó, thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện, không ngừng cải thiện đời sống, bảo đảm lợi ích và hạnh phúc của nhân loại và vì thế hệ tương lai.

Thành tựu khoa học, công nghệ phải tập trung vào phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng, văn minh, nâng cao chất lượng sống người dân, xóa đói giảm nghèo.

“Thành tựu khoa học, công nghệ phải cần thúc đẩy hợp tác, không được biến thành công cụ để chống lại các quốc gia, đi ngược lại khát vọng hoà bình, phát triển, công bằng và công lý của các dân tộc”.

Khánh Vy (T/h)