Sài Gòn bao thương: “Các cô đừng cho nhiều quá, người khác không có phần, tội nghiệp”
- Nam Vũ - Nghinh Xuân
- •
Sài Gòn giữa trận đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang là tâm dịch với hàng chục ngàn ca mắc bệnh, hàng chục ngàn người phải cách ly, phong tỏa.
Cả thành phố giãn cách, người làm công thất nghiệp, người vô gia cư lại càng khốn khó hơn. Miếng cơm, miếng nước trở thành điều xa xỉ đến thắt lòng. Nên dù ngày ngày vấp phải đủ điều khó, các bếp ăn từ thiện vẫn âm thầm nổi lửa, tặng cơm, cứu trợ thực phẩm, với ước nguyện giản đơn chỉ mong đừng ai bị đói. Lại có chú ngủ lề nhận cơm, xua tay lấy đủ rồi, muốn nhường cho người còn thiếu.
“Ăn cơm, chú ơi…”
“Ăn cơm, chú ơi…” – tiếng mời của người phụ nữ đậm người mặc chiếc áo màu cam đều đặn vang lên mỗi góc phố đầu giờ trưa. Những bước chân chạy xô luống cuống. Bàn tay đón lấy bọc nilong gói hộp cơm kèm chai nước là anh mù, là bụi đời Chợ Lớn, người lượm bọc, người chở xe ba gác, hay người đi ngang vội đạp xe theo xin cơm…
Qua những video, bài viết của “Phong Bụi” [Lê Phong], cũng là tình nguyện viên trong nhóm, những việc làm tình nguyện của “Trạm cơm 0 đồng” của chị Đỗ Thị Tưởng (52 tuổi, đường Trần Phú, Quận 5) hiện lên thật chân thành, chất phác.
“Anh mù và bụi đời Chợ Lớn ùa ra nhận cơm sau chuỗi ngày không ai cho gì” – hành trình một buổi đi cho cơm của “Trạm cơm 0 đồng” (Nguồn: Phong Bụi/Facebook)
“Mọi người giãn cách giúp em nha. Để bị gì người ta nói thì em phát hổng được, nhớ hông” – chị Tưởng vừa nói vừa thoăn thoắt lấy các hộp cơm cho những người vô gia cư, bụi đời khu Chợ Lớn. “Ăn cơm chưaaa?” – tiếng chị gọi với theo khi xe máy chạy xẹt qua những lao công đang gom rác bên lề. “Chưa, chưa…” – những bóng lưng áo xanh chạy lại. Vì là tặng cơm nên ai khó chị cũng đưa, từ lao công, bảo vệ, người chạy grab. Có người mặc sạch sẽ xin cơm, chị đưa cơm rồi nói chắc người ta khó.
Sự chân thành ấy như đã được định hình ngay từ khi nhóm từ thiện bắt đầu nhen nhóm, khi chị Tưởng cùng một số chị em gần nhà rủ nhau nấu cơm để đi tặng cho những người khó khăn, vô gia cư. Lòng tốt tỏa lan, người góp công, người góp tiền, với sự chung sức của nhiều người, “Trạm cơm 0 đồng” mỗi ngày chuẩn bị hàng trăm suất cơm tặng người nghèo, người vô gia cư, cùng nhiều phần thực phẩm cứu trợ cho khu cách ly, phong tỏa.
“Cơm dành cho người vô gia cư ở Sài Gòn trong dịch. Tăng hơn 160 phần. Như vậy, có gần 300 hộp cơm mỗi trưa cho mọi người.
Hôm nay mình giảm một phần cơm khu cách ly quận 4 cho người vô gia cư ngoài đường. Vì thời gian này giãn cách xã hội ít ai ra ngoài được và phần cơm này sẽ giúp bà con cầm hơi qua ngày” – vài dòng anh Phong vội lưu cho công sức của cả nhóm trong ngày 28/7.
Cũng trong ngày, một xe rau muống xanh tươi do nhóm mua trực tiếp từ nhà vườn Củ Chi, giá 8.000 đồng/kg được mang đến cho bà con trong khu cách ly.
Những ngày sức hao kiệt, lượng cơm buộc phải giảm. Nhưng sự tiếc nuối cứ vương vấn dù đã hết một ngày dài. Nhật ký hành trình ngày 29/7, nhóm chia sẻ: “Ngày hôm qua, tụi mình không đủ sức nấu hơn 600 phần cơm. Nên khi mang đi phát 120 phần, thoáng chút đã hết. Hôm nay một bà lão bên hông toà nhà Thuận Kiều (quận 5) chạy đến vái lạy khi được 2 hộp cơm. Bà liên tục khen cơm ngon và mừng khi nhịn đói hơn 18 tiếng đồng hồ”.
“Tôi đói quá! Tôi đói quá”, tiếng rên của người đàn ông sạm đen đang thu mình đắp mảnh bao ở góc đường Bà Huyện Thanh Quan – Võ Văn Tần (quận 3) – anh Phong ghi lại khi trên đường đi phát cơm. Giọng thều thào vì đói và lạnh, khi được hỏi anh vẫn “dạ”, nói mình quê Biên Hòa (Đồng Nai), làm phụ hồ ở công trình quận 7 mà giờ công trình dừng rồi, nên nhặt ve chai, ngủ lề đường, “đâu có tiền về dưới đâu…”.
Người phụ hồ quê Biên Hòa (Đồng Nai) mắc kẹt trong đói và rét nơi TP. (Nguồn: Phong bụi/Youtube)
Trong lòng thành phố giữa đại dịch, càng đi càng thấy nhiều mảnh đời bị đẩy đến đường cùng. Khi thành phố tiếp tục áp dụng các quy định để ngừa dịch nghiêm ngặt hơn, nhóm phối hợp với nhiều bạn ở các nhóm để hỗ trợ đưa cơm cho người thiếu đói, đưa thực phẩm vào khu phong tỏa, cách ly.
Nhật ký ngày 27/7: “Hôm nay mặc kín quần áo bảo hộ để vào khu cách ly, gửi 135 hộ dân tại quận 4 (Sài Gòn) các phần thực phẩm tươi sống.[…] Trong lúc loay hoay chở đồ vào thì chứng kiến cảnh đau lòng. Một ca dương tính vừa mới mất, lực lượng y tế chở thi thể đến trước cửa nhà chào lần cuối và đưa đi hỏa táng.
Khu vực hôm nay nhóm trao quà đã không ít ca tử vong sau khi nhiễm bệnh. Vì vậy mong mọi người ngay lúc này cần cẩn thận và ý thức hơn nữa. Chứng kiến cảnh ly biệt đau lòng lắm.”
“Có lẽ tụi mình biết có những người đang chờ”
Một bếp cơm khác cũng đang âm thầm nổi lửa mỗi ngày, cứu đói cho nhiều mảnh đời khốn khó do anh Quách Thanh Lâm – người từng đoạt giải Nam vương Văn hóa Du lịch Hoàn vũ (Myanmar, 2019) tổ chức.
Bắt đầu vào ngày 1/6, kế hoạch “Phần ăn nghĩa tình” bắt đầu với dự định mỗi ngày sẽ trao 50 suất ăn, giúp cho những người chạy ăn từng bữa đỡ chật vật. Dự tính ban đầu chỉ là duy trì trong 2 tuần giãn cách, đến hiện tại, nhóm thiện nguyện đã duy trì các phần ăn nghĩa tình được 2 tháng, nhân lên 5 bếp. Ngày thứ 53, anh Lâm cho hay 890 phần ăn được chia sẻ tại 15 điểm phát. Ngày thứ 58, 960 phần ăn được chia sẻ tại 13 điểm phát…
Nhật ký Phần ăn nghĩa tình – Ngày 43: “Hôm nay chúng ta chia sẻ tổng cộng 525 phần ăn tại 14 điểm phát/đặt bàn.
Trong hình là một trong 4 bếp đang chạy, bếp này ở quận 12. Bếp vốn là một quán cơm chay hiện đang tạm nghỉ vì dịch. Mình gọi nói chuyện nghe cô tâm sự thấy thương lắm.
Hồi đầu giãn cách, cô cũng có quyên góp được một số tiền để tặng cơm. Xung quanh đó đa phần là người lao động chân tay và cả sinh viên ở trọ vì gần một trường Đại Học, hiện các bạn cũng mắc kẹt ở đây khó khăn tứ bề. Cô tâm sự các bạn hay qua hỏi lắm, nhưng cô quỹ có hạn nên dù thương các bạn lắm, cô cũng đành ngưng 10 mấy ngày tới nay. Sau khi nói chuyện cũng như tìm hiểu về quán cơm của cô, mình quyết định quyên góp cô 100 phần ăn mỗi ngày, giúp cô tiếp tục được chia sẻ tấm lòng của mình. Nghe cô khoe hôm nay làm lại, mọi người mừng lắm. Thấy thương!”
Nhật ký Phần ăn nghĩa tình – Ngày 53: “Sài Gòn có chỉ thị mới, thấy nhiều tổ chức thiện nguyện bắt đầu rụng dần. Càng kéo dài càng thấm mệt. May mắn đội ngũ nhà mình toàn máu chiến từ ngày đầu đến giờ. Có bếp dậy từ 3h sáng để đi chợ mua được rau, 2h sáng dậy nấu cho kịp vì không có nhân lực…
[…] Nay nhóm mình đi thêm vào các điểm xóm trọ nghèo, nơi có bà cụ 80 tuổi sống với con trai có vấn đề tâm thần, người lao động khó khăn bán rau, miếng giậm chân trên vỉa hè…”
Nhật ký Phần ăn nghĩa tình – Ngày 55: “Nhiều bạn inbox mình hỏi “Ủa rồi Sư Tử tính làm Phần ăn nghĩa tình tới khi nào?”. Um, lý tưởng nhất là hết giãn cách. Còn không thì hết tiền, bếp hết sức. À quên, shipper còn chạy được là còn làm nha!”
Vừa quyên góp vừa cùng điều phối các bếp cơm từ thiện, tặng thực phẩm cho vùng cách ly, anh Lâm tâm niệm “việc cứu đói cho người dân là ưu tiên hàng đầu”. Anh kể có cô ở tận An Sương (huyện Hóc Môn), mỗi ngày đạp xe hơn 6km vòng vèo qua các chốt đến bếp để nhận cơm. Bếp tặng cô thêm mì gói, trứng, gạo, rau củ…, chứ biết đâu mai mốt xui xui phong tỏa lại chẳng qua được.
“Nhật ký Phần ăn nghĩa tình – Ngày 58: Ngày hôm qua, mình đã suýt bỏ cuộc!…
À, dùng từ bỏ cuộc không đúng, là tạm dừng vài ngày… 2 tháng vừa qua gặp nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ mình nghĩ đến 2 chữ tạm dừng, và mình cũng từng nói “chừng nào shipper còn chạy được mình còn ráng làm”. Thế nhưng hôm qua nay mình và nhóm điều phối cực kỳ stress với chỉ thị mới Sài Gòn siết chặt hoạt động shipper, không đi liên quận được, bị phạt…
Thế nhưng sáng hôm đó, cả nhóm vẫn làm, thử nhiều cách như nhờ bạn shipper có giấy thông hành đi thử, với các điểm [tại] UBND thì nói họ tự đến lấy, lại xin giấy thông hành cho chú xe ôm chở cơm đi, cố gắng thuyết phục anh shipper Grab cố gắng vì bà con… Anh cho hay có cách thất bại, nhưng cũng có những cách tạm được. “Lỳ như vậy có lẽ tụi mình biết có những người đang chờ” – anh cho hay.
Những ủng hộ cho Trạm cơm 0 đồng – xin được kết nối qua:
- Đỗ Thị Tưởng: Số tài khoản 1017112470 – Ngân hàng Vietcombank (số điện thoại: 032 8103133 – xin nhắn tin)
- Lê Văn Phong: Số tài khoản 0331000517644 – Ngân hàng Vietcombank (số điện thoại: 039 4266204 – xin nhắn tin)
- Nhân Chứng Channel: Châu Ngọc Hoài Nhân (số điện thoại: 083 3797997)
Những ủng hộ cho Trạm cơm 0 đồng – cho Phần ăn nghĩa tình – xin được qua 2 cách sau:
- Quyên góp:
Quách Thanh Lâm: Số tài khoản: 007 1000 974441 – Ngân hàng Vietcombank – chi nhánh HCM
Nội dung chuyển khoảng: ABC ung ho phan an nghia tinh
- Tình nguyện viên đi phát:
Mỗi quận sẽ có khoảng 1-2 tình nguyện viên. Ưu tiên quận 1, 3, 10, 4, 5… (không xa quận 1 quá). Mỗi ngày đến bếp nhận phần cơm và đem về quận sinh sống phát. Bạn nào tham gia inbox qua Facebook “Sư tử ăn chay“
Ai biết ở đâu có khu vực khó khăn (mà không trong khu cách ly), xin inbox trao đổi thêm qua Facebook.
Nam Vũ – Nghinh Xuân
Xem thêm:
Từ khóa Người Sài Gòn Dòng sự kiện sự tử tế cơm từ thiện