Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ sẽ có sân golf hơn 155ha, tháp biểu tượng 108 tầng
- Vĩnh Long
- •
Sau gần 2 năm tạm hoãn động thổ, Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ của Tập đoàn Vingroup vừa được UBND huyện Cần Giờ hoàn thành thuyết minh tổng hợp điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 để tổ chức thẩm định.
- Tạm hoãn động thổ Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ
- Chuyên gia nhiều ngành cùng ký thỉnh nguyện phản đối dự án lấn biển Cần Giờ
Từ năm 2020, Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ có quy mô 2.870 ha, nằm tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, tăng gấp hơn 4,6 lần so với quy mô ban đầu 600 ha.
Đồ án vẫn giữ nguyên 5 phân khu chức năng A, B, C, D, E, dân số hơn 228.000 người như trước, nhưng điều chỉnh một số nội dung liên quan mặt nước, bãi cát, bãi tắm công cộng.
Phân khu A tăng diện tích từ khoảng 771 ha lên gần 954 ha, với chức năng chính là khu vui chơi, giải trí (công viên chuyên đề, sân golf…); du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; thương mại, dịch vụ… Trong đó, riêng sân golf tăng diện tích từ khoảng 146,68 ha lên 155,21 ha (tăng 8,53 ha). Quỹ đất sân golf tăng để tăng quỹ đất bố trí các công trình tiện ích của sân golf: Nhà Clubhouse, bãi đỗ xe, trạm xử lý nước thải (sân golf) … và mở rộng các không gian cách ly với khu vực xung quanh.
Phân khu B rộng khoảng 659 ha, được quy hoạch với không gian trọng tâm là tổ hợp công trình văn hóa, thể thao, sân vận động ở những nút giao lớn. Khu vực cửa ngõ vào khu đô thị sẽ bố trí công trình công cộng như bãi đỗ xe, bệnh viện, trường học cùng các văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn…
Khu C và D tổng diện tích hơn 798 ha, quy hoạch sân thể thao kết hợp cảnh quan, quảng trường và công trình hỗn hợp, trung tâm thương mại, trường học… Nhà ở thấp tầng ở khu vực này chia thành các đảo, bán đảo, kết hợp hệ thống mặt nước len lỏi xung quanh.
Khu E có quy mô khoảng 457 ha, chức năng chính là không gian mở, biển nhân tạo, kênh dẫn. Nơi này sẽ hình thành không gian mặt nước lớn cùng xây dựng công viên, bãi tắm…
Toàn bộ khu vực quy hoạch được phân thành 25 khu (gồm 18 đơn vị ở và 7 ô quy hoạch). Tổng dân số tối đa bố trí trong các đơn vị ở là 228.506 người, trong đó dân số tối đa trong đất ở thuần là 220.191 người. Trong khu vực công trình hỗn hợp quy hoạch thêm quỹ đất dành cho chức năng ở; công trình điểm nhấn là khu vực mũi Hải Đăng với tháp biểu tượng cao 108 tầng, có dân số tối đa khoảng 8.315 người.
Trong tổng mức đầu tư, đồ án khái toán chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật hơn 32.500 tỷ đồng và khoảng 43.700 tỷ để xây dựng kiến trúc trong khu đô thị.
Dự kiến giai đoạn một, dự án được tiến hành san lấp mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo các khung giao thông chính; mảng xanh, mặt nước cảnh quan cùng sân golf, dịch vụ, khu nhà ở tại các vị trí cửa ngõ…
Trong giai đoạn hai, chủ đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kết nối toàn khu, các trung tâm thương mại, khách sạn, trung tâm hội nghị. Hệ thống công trình hạ tầng xã hội, các khu nhà ở cùng dự án khu du lịch, dịch vụ cũng sẽ được hoàn thiện trong giai đoạn này và đưa vào vận hành.
Một dự án gây quan ngại
Ngày 12/6/2020, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có tổng diện tích điều chỉnh từ 600 ha lên 2.870 ha. Dự án do Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ (CTC) làm chủ đầu tư. Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup) sở hữu 87,29% vốn điều lệ tại CTC.
Tại thời điểm này, dự án có tổng mức đầu tư 217.054 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 15% tổng vốn đầu tư (32.558 tỷ đồng), 85% là vốn vay thương mại (184.496 tỷ đồng).
Thời hạn thực hiện dự án 50 năm kể từ ngày 11/7/2007 cho phần diện tích 600 ha đã giao cho nhà đầu tư (tức đến năm 2057), và 50 năm đối với phần mở rộng quy mô kể từ ngày được thông qua quyết định chủ trương đầu tư (tức đến năm 2070).
Trong bản thỉnh nguyện thư (đạt 6.109 chữ ký trên 7.500 chữ ký mục tiêu tại thời điểm tháng 9/2020), tập thể các cá nhân và tổ chức xã hội đồng quan điểm: “Việc xây dựng khu đô thị này là một rủi ro rất lớn về các vấn đề xói lở, ngập lụt, thoát nước, biến đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng lớn đến môi trường và xã hội, phá hỏng quy hoạch vùng sinh thái Cần Giờ, đi ngược lại chiến lược ‘Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới,’ tạo sức ép vượt quá khả năng tài nguyên ở Cần Giờ có thể cung ứng, có nguy cơ trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước và xã hội trong tương lai.”
137,6 triệu m3 cát san lấp cho dự án dự kiến sẽ được khai thác tại các tỉnh ĐBSCL, gồm sông Cửa Đại (Bến Tre), sông Tiền (Đồng Tháp), sông Hậu (Sóc Trăng). “Ai phải trả giá cho số cát san lấp khổng lồ này?” là câu hỏi được đặt ra trong bản thỉnh nguyện.
Trong một bài báo đăng trên The Straits Times ngày 23/12/2019, PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý Nước và Biến đổi Khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM, dự báo trong vòng 10 đến 20 năm tới, khu vực Cần Giờ sẽ thấp hơn mực nước biển ít nhất khoảng vài cm. Ông này cảnh báo rằng khi ấy, gánh nặng tài chính của việc bảo vệ vùng đất lấn biển sẽ rơi vào ngân sách quốc gia chứ không phải vào nhà đầu tư dự án. Và chi phí này có thể rất lớn.
Trên trang Facebook cá nhân, KTS Sơn Đặng, Chuyên gia Biến đổi khí hậu – TS Nguyễn Ngọc Huy đồng thời đưa ra quan ngại rủi ro lún, ngập của dự án.
Theo báo Người Đô Thị, ngày 10/4/2023 vừa qua, UBND TP.HCM đã ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ, quyền hạn tham gia góp ý, phản biện nội dung quy hoạch và các vấn đề liên quan Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Kết luận của Hội đồng là một trong các cơ sở để cơ quan thẩm định tổng hợp và yêu cầu cơ quan trình thẩm định tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định do ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đảm nhiệm; các ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM và ông Phan Văn Tuấn – Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM làm Phó chủ tịch. 14 ủy viên là lãnh đạo các sở, ngành của TP.HCM và Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ…
Từ khóa sân golf Vingroup khu đô thị lấn biển Cần Giờ