Sau ngày 7/7 tăng thêm 1.007 ca, sáng 8/7, Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục công bố thêm 314 ca, đều do lây nhiễm trong nước, gồm tại TP.HCM 234 ca và Bình Dương 80 ca. Trong đó, “tâm dịch” TP.HCM chính thức được báo động mức nguy cấp theo thông báo giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 – nhằm giảm khả năng tập trung tới mức tối đa để kiểm soát dịch.

sieu thi het sach do
Thông báo giãn cách toàn TP từ ngày 9/7 tiếp tục gây nên cuộc hoảng sợ khan hiếm lương thực trong dân chúng. Trong ảnh: Người dân vơ vét sạch tại một gian hàng bán thịt trong một siêu thị Emart, tối 6/7. (Ảnh: Tôi là dân Gò Vấp/Facebook)

Thông tin các ca nhiễm mới như sau:

TP.HCM (234 ca)

Các bệnh nhân 23152-23385: gồm 184 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 50 ca đang điều tra dịch tễ.

Bình Dương (80 ca)

Các bệnh nhân 23072-23151: là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng của đợt dịch thứ 4 này, tính từ ngày 27/4 đến nay, là 19.873 ca. Trong đó, 5.753 người được công bố bình phục, tăng 450 người so với thời điểm 6h ngày 7/7 (5.303 người).

Với việc Cà Mau đã ghi nhận ca nhiễm, bản đồ dịch mở rộng thêm ở 57/63 tỉnh, thành, trong đó:

  • nhóm trên 8.300 ca: TP.HCM 8.385;
  • nhóm trên 5.600 ca: Bắc Giang 5.678;
  • nhóm trên 1.600 ca: Bắc Ninh 1.628;
  • nhóm trên 900 ca: Bình Dương 998;
  • nhóm trên 400 ca: Hà Nội 483 ca;
  • nhóm trên 300 ca: Đồng Tháp 330, Phú Yên 315;
  • nhóm trên 200 ca: Đà Nẵng 249, Long An 237;
  • nhóm trên 100 ca: Tiền Giang 197, Hưng Yên 146, Quảng Ngãi 133, Nghệ An 129, Hà Tĩnh 121, Lạng Sơn 112;
  • nhóm từ 10-100 ca: Vĩnh Phúc 97, Đồng Nai 90, Khánh Hòa 72, Điện Biên 58, Hải Dương 51, Hà Nam 51, An Giang 46, Vĩnh Long 40, Thái Bình 28, Bà Rịa – Vũng Tàu 19, Hải Phòng 16, Bình Định 16, Tây Ninh 15, Bình Thuận 14, Trà Vinh 13, Hòa Bình 12, Thanh Hóa 10;
  • nhóm từ 1-dưới 10 ca: Nam Định 7, Bình Phước 7, Đăk Lăk 7, Thừa Thiên Huế 6, Lâm Đồng 6, Phú Thọ 5, Quảng Ninh 5, Bắc Kạn 5, Quảng Nam 4, Ninh Bình 4, Lào Cai 4, Gia Lai 4, Bạc Liêu 4, Thái Nguyên 3, Quảng Trị 3, Kiên Giang 2, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bến Tre, Cần Thơ, Sơn La, Yên Bái, Sóc Trăng, Sơn La, Cà Mau mỗi nơi 1 ca.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 Việt Nam đã công bố từ đầu mùa dịch (tháng 1/2020) đến nay là 23.385 ca. Tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị là 14.723 bệnh nhân (tổng 8.557 người được công bố bình phục, 102 người tử vong).

Trong đó, những ngày ghi nhận số ca COVID-19 do lây nhiễm trong nước cao kỷ lục đều tập trung trong đợt dịch lần 4, gồm các ngày 25/6 (845 ca); ngày 3/7 (914 ca); ngày 4/7 (873 ca); ngày 5/7 (1.089 ca); ngày 6/7 (1.029 ca); ngày 7/7 (1.007 ca).

Trong đó, TP.HCM và Bình Dương hiện đang là hai tâm dịch lớn tại khu vực phía Nam.

Vào cuối ngày thứ 40 ghi nhận dịch (27/5-7/7), TP.HCM chính thức thông báo sẽ giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7, trong 15 ngày. Người dân chỉ được ra khỏi nhà trong trường hợp cần thiết: mua thực phẩm, thuốc men, xăng dầu, thực hiện công vụ. TP này cũng đã tạm ngưng hoạt động 3 chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) và nhiều chợ truyền thống, song vẫn khẳng định sẽ duy trì được chuỗi cung ứng hàng hóa.

Đồng thời với việc giãn cách xã hội trên diện rộng, phương án kiểm soát dịch được công bố sẽ tiến hành theo hướng tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch theo quy trình 5 bước: xác định các mốc dịch tễ; bộ phận điều phối truy vết; triển khai truy vết F1; rà soát và hoàn tất danh sách F1; tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm.

Đây là giải pháp giãn cách xã hội cao nhất TP.HCM áp dụng kể từ đợt giãn cách toàn quốc vào tháng 4/2020.

Trước đó, từ 0h ngày 31/5, TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trong 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 (khu vực ổ dịch) giãn cách theo Chỉ thị 16.

Xuất hiện thêm nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, đến ngày 14/6, chính quyền TP nới tiếp thời gian giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần, từ 0h ngày 15/6 đến 0h ngày 29/6. Đến ngày 19/6, UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị số 10, có mức độ nhẹ hơn Chỉ thị 16; tạm ngưng các chợ tự phát, dừng vận chuyển hành khách công cộng… Đến nay, TP.HCM chính thức áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 – mức giãn cách cao nhất, tại TP đông dân nhất và có vai trò kinh tế lớn nhất cả nước.

Tại cuộc họp tối qua 7/7, Bộ Y tế cho biết sẽ huy động trên 10.000 y bác sĩ, sinh viên trên cả nước tới hỗ trợ TP.HCM để kiểm soát dịch bệnh. Trong ngày, Bộ này yêu cầu người từ TP.HCM đi 62 tỉnh thành còn lại phải tự cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 3 lần (vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 cách ly).

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

https://trithucvn2.net/trung-quoc/dcstq-da-u-muu-vu-khong-my-dem-covid-19-vao-the-van-hoi-quan-su-tai-vu-han.html