Sau hơn 200 vụ phá rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh, 4 trưởng BQL bị tạm đình chỉ
- Nguyễn Quân
- •
Để xảy ra 205 vụ phá rừng, khiến 33,1 ha rừng bị mất trong năm 2020 và quý 1/2021, 4 trưởng ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) ở các huyện Đam Rông, Lâm Hà và Lạc Dương bị tạm đình chỉ, xem xét hình thức kỷ luật.
Báo Lâm Đồng ngày 17/4 dẫn tin từ UBND Lâm Đồng cho biết chính quyền tỉnh này đã tạm đình chỉ công tác đối với 4 trưởng ban quản lý bảo vệ rừng vì để mất rừng hàng loạt trên lâm phần được giao quản lý trong năm 2020 và quý 1/2021.
Theo báo Tiền Phong, Ban QLRPH Sêrêpốk (huyện Đam Rông) đã để xảy ra 56 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 17 vụ nổi cộm, 47 vụ không xác định được đối tượng vi phạm; diện tích rừng bị thiệt hại hơn 17ha và khối lượng lâm sản bị thiệt hại hơn 530m3.
Ban QLRPH Lâm Hà (huyện Lâm Hà) để xảy ra 51 vụ vi phạm, trong đó có 5 vụ nổi cộm, 26 vụ không xác định được đối tượng vi phạm; diện tích rừng bị mất hơn 5,3ha và lâm sản bị thiệt hại hơn 214m3.
Ban QLRPH đầu nguồn Đa Nhim (huyện Lạc Dương) để xảy ra 49 vụ vi phạm, trong đó có 5 vụ nổi cộm, 5 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm; diện tích rừng bị thiệt hại và bị tác động hơn 6,8ha; khối lượng lâm sản bị thiệt hại gần 393m3 và số lâm sản bị tác động trên 415m3.
Ban QLRPH Phi Liêng (huyện Đam Rông) để xảy ra 49 vụ vi phạm, trong đó có 2 vụ vi phạm nổi cộm, 45 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm; diện tích rừng bị mất gần 4 ha, khối lượng lâm sản bị thiệt hại hơn 387m3.
Tổng cộng 4 ban quản lý đã để xảy ra 205 vụ phá rừng, khiến 33,1 ha rừng biến mất.
Trong khi đó, giới chức tỉnh Lâm Đồng dẫn báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, cho biết trong năm 2020, trong toàn tỉnh đã xảy ra 680 vụ vi phạm, 45,5 ha rừng bị phá, thiệt hại hơn 2.472 m3 gỗ. Riêng trong quý 1/2021, toàn tỉnh xảy ra 152 vụ (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020), 10,5 ha rừng bị phá (tăng 42%), thiệt hại hơn 1.000 m3 (tăng 121%) gỗ các loại.
Những vụ vi phạm nổi cộm về rừng như vụ tàn phá rừng bạch tùng tự nhiên, tại khu vực Tiểu khu 249, xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà), do Ban QLRPH Lâm Hà quản lý được phát hiện vào tháng 11/2020. Tại hiện trường, số bạch tùng bị cưa hạ nằm trong quần thể bạch tùng tự nhiên cổ thụ còn sót lại tại tiểu khu này. Số cây rừng bị cưa hạ có đường kính gốc từ 60-100 cm, cao vút ngọn từ 30-50 m.
Cùng trong tháng 11/2020, hàng loạt cây thông cổ thụ, thuộc nhóm rừng phòng hộ, là rừng tự nhiên tại Tiểu khu 132 – lâm phần nằm ở xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) bị phá tới 6 điểm, 95 cây (94 cây thông 3 lá và một cây dẻ rừng) bị cưa hạ. Đây là khu lâm phần do Ban QLRPH Đa Nhim quản lý, nhiều cây bị cưa có đường kính gốc từ 20 – 70 cm, cá biệt có cây đường kính gốc lên đến 95 cm.
Cuối năm 2020, giới chức huyện Lạc Dương công bố phát hiện tại khu vực Tiểu khu 112B, 113B, lâm phần do Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà quản lý (thị trấn Lạc Dương), nhiều phần rừng bị ken cây, phát luỗng rừng, cưa hạ, san ủi đất, mở đường. Chỉ riêng tại khu vực Tiểu khu 113B, tính đến ngày 10/12/2020, 5 vị trí rừng bị tác động, tàn phá, với tổng diện tích trên 10.700 m2 san ủi, trong đó có tới 6.446 m2 đất quy hoạch lâm nghiệp, rừng phòng hộ; khối lượng lâm sản thiệt hại hơn 55 m3 gỗ thông 3 lá…
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa rừng nguyên sinh nạn phá rừng ở lâm đồng phá rừng bạch tùng