Năm 2016, số mẫu thủy sản chứa hóa chất, kháng sinh cấm tăng hơn 2%
- Vĩnh Long
- •
Trong năm 2016, tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép tăng 2,24% so với năm 2015.
Báo cáo tại hội nghị đánh giá công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm năm 2016 và triển khai kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp 2017, diễn ra ngày 10/2 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) – ông Nguyễn Như Tiệp cho biết 91 trên tổng 2.472 mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép. Tỷ lệ này tăng 2,24% so với năm 2015.
Trước đó, theo kết quả giám sát trong 4 tháng từ tháng 7 đến tháng 10/2016, tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép thậm chí còn tăng 2,8% so với năm 2015 (0,89%). Tỷ lệ các sản phẩm chế biến chứa tồn dư hóa chất phụ gia, chất bảo quản ở mức cao: thủy sản chế biến là 12,84%, thịt chế biến 8,18%, thực vật chế biến là 11,7%.
Ông Lê Anh Ngọc, Phó Trưởng phòng phụ trách Quản lý Chất lượng Nông Lâm và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết dư lượng hóa chất, kháng sinh trong khi đã tồn dư thì không có phương pháp nào để loại bỏ trong quá trình chế biến, bảo quản. Điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, dẫn tới tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở người.
PGS.TS Phạm Sỹ Lăng- Phó Chủ tịch Hội Thú y Hà Nội cảnh báo nếu kháng sinh không được bài tiết hết, dần dần, cơ thể người sẽ không còn khả năng chống chọi với bệnh tật do bị nhờn thuốc. Đó là với dòng kháng sinh thông thường. Đối với dòng kháng sinh gây độc, chúng có thể gây biểu hiện bệnh suy tủy, đặc biệt với trẻ em dưới 5 tuổi, người già.
>> Mua thịt, cá, trứng hằng ngày, “được” cả kháng sinh!
Trong năm 2016, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm và Thủy sản đã nhận được thông tin cảnh báo về một số lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không đảm bảo an toàn thực phẩm do phát hiện kháng sinh cấm hoặc do dư lượng hóa chất kháng sinh vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Cụ thể, Nhật Bản (24 lô), EU (11 lô), Úc (3 lô) và Hàn Quốc (2 lô). Tổng số lô hàng bị cảnh báo trong năm qua là 40 lô, có giảm so với năm 2015 (70 lô).
Các loại hóa chất, kháng sinh bị cấm và hạn chế sử dụng đang được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản như: Enrofloxacin, Malachite Green, Ciprofloxacin, Oxytetracylin, Sulfonamide, Florfenicol, Difloxacin, Amoxicillin… Đặc biệt, Enrofloxacin là loại kháng sinh cấm được sử dụng phổ biến nhất do có phổ kháng khuẩn rộng.
Ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết trong năm 2016, Cục này đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Enrofloxacin 3 tháng nhằm tránh lạm dụng kháng sinh này trong nuôi trồng thủy sản. Cục cũng đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu từ 3-12 tháng với 6 công ty có hành vì bán nguyên liệu kháng sinh không đúng đối tượng.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Đại học Y dược TP.HCM cho biết trên báo Tuổi Trẻ kháng sinh tồn dư trong vật nuôi sẽ đi vào cơ thể người sẽ gây nên hiện tượng kháng kháng sinh ở người. Đây là một nguy cơ cực lớn với sức khỏe cộng đồng khi các loại thuốc kháng sinh đang dùng bỗng dưng mất tác dụng. Sức khỏe của người bệnh và sau đó là cả cộng đồng sẽ suy yếu nếu không có kháng sinh thay thế và quy trình này cứ thế tiếp diễn.
Vĩnh Long (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa enrofloxacin kháng sinh cấm thủy sản chứa hóa chất kháng sinh