Thanh Hóa: 191 giáo viên bị ‘quên’ nâng lương sẽ được xếp lương tính từ ngày tuyển dụng
- Minh Long
- •
191 giáo viên ở huyện Hoằng Hoá nhiều năm nay không được nâng bậc lương, phụ cấp, tổng 14 tỷ đồng.
- Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương
- TQ: 34 giáo viên cầm giấy tuyệt thực vì 4 năm làm việc không được trả lương

Tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, 191 giáo viên từ bậc mầm non đến trung học cơ sở đã không được xếp lại lương và hưởng phụ cấp thâm niên theo đúng quy định trong nhiều năm qua, dù họ đã được tuyển dụng vào biên chế viên chức, với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng.
Sự việc này đã gây ra nhiều bức xúc trong giáo viên và được báo chí nhà nước phản ánh vào cuối tháng 3/2025.
Cụ thể, nhiều giáo viên ở huyện được tuyển dụng viên chức từ năm 2018. Mức lương được hưởng khi tuyển dụng là bậc 1, hệ số lương 1,86.
Ngày 13/1/2023, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa ký quyết định việc xếp hạng chức danh nghề nghiệp, thì mức lương của các giáo viên là bậc 1, hệ số lương 2,34.
Ngày 21/11/2024, Phòng Nội vụ huyện Hoằng Hóa có công văn hướng dẫn về việc xếp lương, hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo đối với viên chức tham gia BHXH bắt buộc trước khi tuyển dụng viên chức.
Sau khi có công văn, giáo viên đã viết đơn đề nghị UBND huyện Hoằng Hóa xếp lại bậc lương; điều chỉnh lại thâm niên công tác, vì họ cho rằng đã tham gia đóng BHXH bắt buộc, người ít nhất là 7 tháng, người nhiều nhất là 14 năm 7 tháng. Tuy nhiên, UBND huyện Hoằng Hóa vẫn chưa xếp lại bậc lương và điều chỉnh lại thâm niên công tác.
Theo ông Nguyễn Hùng Thao, Trưởng phòng Nội vụ huyện Hoằng Hóa, nguyên nhân dẫn đến việc trên là do các quy định hiện hành không quy định rõ việc xếp lương cho viên chức giáo dục được tính từ thời điểm tuyển dụng, hay sau khi Nghị định 161/2018 và Thông tư 05/2024 có hiệu lực. Hai văn bản này quy định về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức…
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa Trần Quốc Huy nói về nguyên tắc, sau khi tuyển dụng giáo viên, các địa phương phải xếp lại lương cho họ. Ông dẫn chứng giai đoạn 2018-2024, nhiều huyện của tỉnh cũng tuyển viên chức ngành giáo dục, nhưng không nơi nào bỏ quên quyền lợi giáo viên như ở Hoằng Hóa.
Đến ngày 29/3/2025, Sở Nội vụ Thanh Hóa đã có văn bản hướng dẫn UBND huyện Hoằng Hóa về cách xếp lương, tính lương cho giáo viên được tuyển dụng vào viên chức.
Theo đó, giáo viên được tuyển dụng vào viên chức trước ngày 15/1/2019 thì việc xếp lương căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ và Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2015 của Bộ Nội vụ.
Đối với giáo viên được tuyển dụng từ ngày 15/1/2019 đến trước ngày 29/9/2020 thì xếp lương căn cứ theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ.
Đối với giáo viên tuyển dụng từ ngày 29/9/2020 đến trước ngày 7/12/2023 thì xếp lương căn cứ theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.
Giáo viên được tuyển dụng từ ngày 7/12/2023 đến nay thì xếp lương theo quy định tại Khoản 7, Điều 1, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 7/12/2023 của Chính phủ; và Điều 4, Thông tư số 05/2024/TT-BNV ngày 27/6/2024 của Bộ Nội vụ.
Về thời điểm xếp lương, Sở Nội vụ Thanh Hóa hướng dẫn UBND huyện Hoằng Hóa xếp lương tính từ ngày quyết định tuyển dụng vào viên chức có hiệu lực.
Hiện bảng lương giáo viên chia theo hạng I, II, III. Từng hạng có nhiều bậc lương, từ 2.1 đến 6.78. Với lương cơ sở hiện hành, lương giáo viên dao động 4,9 đến 11,4 triệu đồng một tháng.
Ngoài lương, tùy vị trí, nơi công tác, giáo viên có thể nhận được một số khoản phụ cấp: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Từ khóa tuyển dụng bảng lương thanh hóa giáo viên
