Thanh Hóa khởi công xây tượng đài ‘Con tàu tập kết’ 255 tỷ đồng
- Minh Long
- •
Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (gọi tắt là tượng đài “Con tàu tập kết”) 255 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2023.
- Kiên Giang khởi công xây ‘Tượng đài Bác Hồ’ trong dự án 353 tỷ đồng
- Xóa sổ lịch sử: Tượng đài Roosevelt tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ bị di dời
- Thu ngân sách “đội sổ”, Đắk Nông vẫn chi gần 90 tỷ làm đường và sân cho tượng đài
- Kinh phí eo hẹp, nhiều sai phạm, Đắk Nông vẫn quyết làm tượng đài hơn 167 tỷ đồng
- Sóc Trăng: Tỉnh chịu nhiều thiệt hại do hạn mặn, xây tượng đài 8,5 tỷ đồng
- Thái Bình dành hơn 91 ha đất xây tượng đài, đền thờ Hồ Chí Minh
Dự án đặt tại phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn, sáng nay (28/8) được UBND tỉnh Thanh Hóa khởi công.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, cho hay dự án do UBND TP. Sầm Sơn làm chủ đầu tư, thực hiện khoảng 9 tháng với tổng mức đầu tư gần 255 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 76,5 tỷ đồng, vốn ngân sách thành phố Sầm Sơn và các nguồn huy động khác là 178,5 tỷ đồng.
Quy mô đầu tư dự án gồm hai khu, trong đó khu A với diện tích 13.580m2, gồm các hạng mục tượng đài con tàu tập kết, nhà trưng bày hiện vật, đón tiếp, kết hợp chiếu phim tư liệu; phù điêu lớn hình cánh cung và công trình phụ trợ.
Khu B có diện tích 1.985m2, gồm ba lán trại, giếng nước, cây xanh cảnh quan và công trình phụ trợ, mô phỏng nơi ăn ở, sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam.
Đồng thời, dự án còn có Con đường ký ức với chiều dài 1,1km, tuyến nhánh đại lộ Nam sông Mã đến khu B với chiều dài 665m, công viên chuyên đề diện tích 23.865m2. Dự kiến thời gian thực hiện và hoàn thành công trình vào giữa năm 2023.
Riêng “tượng đài” có diện tích vào khoảng 3.200 m2, có phù điêu lớn hình cánh cung; giá trị xây lắp dự kiến khoảng 89 tỷ đồng. Trong lòng tượng đài sẽ có một bảo tàng thu nhỏ mô phỏng các con tàu của Ba Lan, Liên Xô (cũ)… đã tham gia vận chuyển cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết có thành tích xuất sắc, tiêu biểu…
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng công trình là “địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”.
Tuy nhiên, việc giới chức tỉnh tiếp tục cho xây tượng đài khiến dư luận bức xúc, bởi hồi năm 2021, tỉnh này đã phải tạm dừng dự án do vấp phải sự phản đối từ dư luận; dự án gặp khó khăn nguồn vốn và ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19…
Thanh Hóa là 1 trong 8 tỉnh được Chính phủ “ưu tiên” chọn để thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về “Định hướng giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2011 – 2020.
Theo văn bản số 125 ngày 22/2/2022 do Bộ LĐ-TB&XH ban hành, tại tỉnh Thanh Hóa, tổng số hộ nghèo là 15.125 hộ, tổng số hộ cận nghèo là 57.729 hộ.
Bên cạnh đó, năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động trực tiếp và nặng nề đến ngành du lịch Thanh Hóa.
Theo báo Thanh Hóa, thống kê từ Sở VH-TT&DL là minh chứng sinh động, thuyết phục về “cơn khủng hoảng” ấy, với gần 600 khách sạn, nhà nghỉ (chiếm 65% tổng số khách sạn, nhà nghỉ) tại các khu du lịch biển phải “ngậm ngùi” đóng cửa.
Các đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng trong những ngày này đều bị ám ảnh bởi những cuộc gọi, tin nhắn “hủy tour”, hủy phòng”, “hủy vé”.
Ước tính, số lượng hủy phòng, hủy lịch đặt sự kiện trong những ngày cuối tháng 7/2020 là hơn 398.500 phòng (chiếm 98% tổng số phòng được đặt), 1.380.000 ngày khách lưu trú qua đêm với mức thiệt hại khoảng hơn 2.350 tỷ đồng.
Nhiều lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ngay cả các doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực này ở tỉnh cũng không khỏi có phần chao đảo, xót xa.
Ngoài COVID-19, Thanh Hóa còn là một trong những tỉnh của miền Trung thường xuyên phải chịu thiệt hại do bão, mưa lũ, hạn hán… khiến người dân phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất.
Tính riêng năm 2021, chỉ chưa đầy 10 tháng, tỉnh Thanh Hóa đã phải hứng chịu 26 trận thiên tai, gồm: 6 đợt nắng nóng; 3 đợt rét đậm, rét hại; 6 đợt mưa lớn; 8 trận giông, lốc, sét; 2 trận sạt lở đất; 1 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới.
Thống kê, thiên tai đã làm 2 người chết, 1 người bị thương và thiệt hại tài sản khoảng 43 tỷ đồng.
Mới đây nhất, cơn bão số 2 vào giữa tháng 8/2022 đã gây mưa lớn cho tỉnh Thanh Hóa, khiến 12 gia đình với 55 người ở các huyện Bá Thước và Mường Lát phải di dời; hàng chục ha cây trồng bị ngập lụt; gây sạt lở nhiều khu dân cư miền núi; hàng chục điểm trên các tuyến giao thông miền núi của tỉnh cũng bị sạt lở với hàng trăm nghìn m3 đất đá…
Ô nhiễm môi trường tại Thanh Hóa cũng là vấn đề chưa được giới chức tỉnh giải quyết. Đơn cử, hàng chục năm nay, hàng trăm hộ dân ở ven bãi rác Núi Voi (phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn) “kêu cứu” khi phải sống chung với tình trạng ô nhiễm nặng từ bãi rác lộ thiên cao hàng chục mét.
Bãi rác Núi Voi có diện tích hơn 3ha. Mỗi ngày, bãi rác này tiếp nhận từ 60-70 tấn rác sinh hoạt, trong khi khối lượng rác cũ vẫn chưa có biện pháp xử lý. Hiện bãi rác này có khoảng 100.000 tấn rác, gấp hơn 6 lần so với thiết kế ban đầu.
Hiện lượng rác thải phát sinh tồn đọng ngày một lớn nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân khu vực xung quanh. Trong khi đó, dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn (Thị xã Bỉm Sơn) đã chậm tiến độ, phải gia hạn nhiều lần…
Trong một diễn biến có liên quan, giới chức Cà Mau cũng vừa quyết xây tượng đài “Chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954” xây bằng đá Granite, chiều cao tổng thể tương đương 13,5 m, chiều dài 30 m, ngang 11 m. Dự án dự kiến sẽ đặt tại khu vực bờ Nam Sông Đốc (thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời). Theo giới chức tỉnh, phần lớn kinh phí xây dựng sẽ được xã hội hoá và dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Hiện kinh phí xây dựng tượng đài “Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954” không được báo chí nhà nước tiết lộ. |
Minh Long
Từ khóa thanh hóa tượng đài Con tàu tập kết