TP.HCM tính toán vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 khoảng 62,59 tỷ USD, trong đó, đề án đường sắt đô thị chiếm gần 35%. UBND TP đề xuất giữ lại phần ngân sách thu vượt dự toán để làm dự án của thành phố.

metro tphcm
Metro số 1 TP.HCM dự kiến sẽ được vận hành vào tháng 12/2024. Trong ảnh, ga ngầm Ba Son – nhà ga số 3 trong tổng số 14 nhà ga của tuyến metro số 1. (Ảnh: Shutterstock)

UBND TP.HCM vừa có văn bản số 6063/UBND-DA báo cáo đánh giá tác động nợ công của các dự án đường sắt đô thị (metro).

Theo UBND TP.HCM, nhu cầu vốn thực hiện đề án đường sắt đô thị đến năm 2035 là khoảng 37,45 tỷ USD, hoàn thiện 6 tuyến với tổng chiều dài 183 km.

Trong đó, giai đoạn 2026 – 2030 cần khoảng 22,3 tỷ USD (ngân sách địa phương 7,18 tỷ USD, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương 6,88 tỷ USD, vốn trung ương hỗ trợ 6,48 tỷ USD và vốn BT trả chậm 1,76 tỷ USD).

Giai đoạn 2031 – 2035 cần 15,15 tỷ USD (ngân sách địa phương 9,54 tỷ USD, vốn trung ương hỗ trợ 3,19 tỷ USD và vốn BT trả chậm 2,41 tỷ USD).

Tại dự thảo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ), UBND TP.HCM đã xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 khoảng 62,59 tỷ USD (tương đương 1.502.207 tỷ đồng), bao gồm nhu cầu vốn cho Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM 21,755 tỷ USD (chiếm tỷ lệ khoảng 34,76%).

Theo đó, chính quyền TP nhận định vốn cho đường sắt đô thị là rất lớn, bên cạnh các dự án hiện nay của TP cũng cần vốn rất lớn. Nguồn ngân sách TP được hưởng theo phân cấp không đủ đáp ứng nên cần huy động dưới nhiều hình thức khác, trong đó có huy động từ nguồn vốn vay.

TP đang thực hiện các dự án ODA với mức vay lại quy mô lớn và tiếp tục thực hiện đề án đường sắt đô thị TP.HCM.

UBND TP đề xuất tổng mức vay và bội chi ngân sách hằng năm cần được Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh để đảm bảo đủ nhu cầu vốn vay của TP trong giai đoạn tới.

can 2175 ty usd lam duong sat do thi tp hcm de xuat giu lai phan ngan sach thu vuot du toan
Đào tạo chính tuyến (đào tạo thực tế trên các đoàn tàu và thiết bị của Dự án sau quá trình đào tạo lý thuyết và mô phỏng tại Việt Nam và Nhật Bản) vận hành tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). (Ảnh: maur.hochiminhcity.gov.vn)

UBND TP.HCM cho hay hiện các khoản tăng thu ngân sách trung ương từ nguồn thu được phân chia theo tỷ lệ trung ương 79% – TP.HCM 21%. Phần tăng thu của trung ương sẽ được điều tiết về ngân sách trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thưởng vượt dự toán theo luật Ngân sách nhà nước.

Để đáp ứng nhu cầu vốn làm đường sắt đô thị, TP.HCM đề xuất được giữ lại số tăng thu ngân sách trung ương được hưởng, để thực hiện đề án. Việc này vẫn đảm bảo phần thu 79% của ngân sách trung ương theo dự toán thu được Quốc hội giao.

Trong đề án, TP.HCM cho hay dự kiến thu về khoảng 6,5 tỷ USD từ đấu giá các khu đất xung quanh nhà ga thuộc các tuyến metro số 1, 2, 3, 4, 5.

Theo đó, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu, TP.HCM dự kiến sẽ sử dụng từ 10 – 40%/năm trong nguồn vốn đầu tư công hằng năm để ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Các nguồn huy động khác từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

UBND TP cam kết việc thực hiện đề án không ảnh hưởng đến nguồn cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội, vì theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, TP.HCM phải bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách, phần còn dư mới bố trí chi đầu tư phát triển.

Sơn Nguyên