Nguy cơ F0 trong cộng đồng, Hà Nội đóng tất cả quán vỉa hè; Hải Phòng mở rộng xét nghiệm
- Nguyễn Quân
- •
Sau hơn một tháng bùng phát với số ca nhiễm cao nhất từ trước tới nay, trong đợt Tết Nguyên đán, dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tiếp tục phát sinh tình huống mới. Trong đó, Hà Nội đứng trước nguy cơ lớn khi Bộ Y tế đang nghiêng về giả thiết bệnh nhân 2229 – người đàn ông Nhật Bản được phát hiện tử vong tại khách sạn, bị lây nhiễm từ ngay trong cộng đồng tại Hà Nội.
Người đàn ông Nhật Bản được phát hiện tử vong vào ngày thứ 13 kể từ khi kết thúc 14 ngày cách ly tập trung (từ ngày 17-31/1) ở TP.HCM.
Đối với ca nhiễm này, vào sáng 15/2, khi thông báo mã bệnh nhân, Bộ Y tế công bố là ca nhập cảnh. Tuy nhiên, tại cuộc họp vào chiều cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định nhiều khả năng bệnh nhân đã bị nhiễm nCoV tại Hà Nội hơn là trong khu cách ly ở TP.HCM khi trích xuất camera cho thấy bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt quy định về cách ly và 34 người cùng đi từ Nhật sang và cách ly cùng khách sạn hiện có kết quả xét nghiệm âm tính.
Giả thiết đang được quan tâm nhất là bệnh nhân mới nhiễm virus trong thời gian gần đây trong cộng đồng, khi kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy nồng độ virus trong cơ thể bệnh nhân khá cao.
“Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ virus trong mẫu thử của bệnh nhân này ở mức khá cao. Chúng tôi nghiêng về giả thiết người này mới lây nhiễm ngay trong khu vực Hà Nội trong 5-7 ngày”, ông Long nói.
Hiện có hai đồng nghiệp của người đàn ông nói trên đã có kết quả dương tính vào ngày 15/2. Cả ba từng cùng họp vào ngày 2/2. Kết quả xét nghiệm của hai người này cũng cho thấy có nồng độ virus cao. Do đó, Bộ Y tế nghiêng hơn về giả thiết bệnh nhân 2229 mới bị lây nhiễm từ 5-7 ngày trước và không phải là F0.
Không loại trừ tình huống bệnh nhân dương tính sau 14 ngày, tuy nhiên, “Bộ Y tế đã thống nhất với Hà Nội, coi đây là một ca lây nhiễm trong cộng đồng”, ông Long nói.
Với 3 ca liên quan tới nhóm bệnh nhân này, qua điều tra sơ bộ, các nhân viên y tế hiện đã lấy 500 mẫu, trong đó có 18 trường hợp F1 (bố mẹ của bệnh nhân nữ nói trên có kết quả âm tính).
Hà Nội đóng cửa quán ăn đường phố, cà phê, trà đá vỉa hè
Phía cơ quan điều tra chưa công bố nguyên nhân tử vong của bệnh nhân 2229, còn phía Bộ Y tế cho biết đang cho giải trình tự gene và sau 48 giờ mới xác định về chủng virus của bệnh nhân này. Tuy nhiên, trong chiều 15/2, Bộ Y tế cho rằng Hà Nội cần coi đây là ca lây nhiễm trong cộng đồng, phải triển khai biện pháp khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết những điểm bệnh nhân đến và làm việc.
Chiều cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội – ông Chử Xuân Dũng công bố quyết định đóng cửa quán ăn đường phố, cà phê, trà đá… và các điểm di tích từ 0h ngày 16/2. Hoạt động buôn bán này là nguồn thu nhập của nhiều lao động phi chính thức.
Ngoài ra, giới hữu trách của Hà Nội yêu cầu những người từ các nơi trở về Hà Nội sau Tết cần khai báo y tế. Riêng những người về từ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) phải thực hiện xét nghiệm.
Toàn bộ học sinh, sinh viên được yêu cầu nghỉ học tới hết tháng 2. Các phòng khám, quầy thuốc được yêu cầu cần cảnh giác với những trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở đến mua thuốc.
Tuy chưa chính thức áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân tại Hà Nội được khuyến cáo hạn chế ra ngoài khi không có việc thực sự cần thiết.
Sở Y tế Hà Nội hiện công bố 35 ca COVID-19, trong đó nguồn lây chủ yếu là từ những người từng về Hải Dương rồi quay lại Hà Nội, bị nhiễm bệnh và trở thành các F0 lây nhiễm cho các F1, F2…, có 1 ca tiếp xúc với ca bệnh tại Vân Đồn (Quảng Ninh). Ba ca nhiễm mới nhất nằm trong nhóm của bệnh nhân 2229.
Hải Phòng ngừng hoạt động tôn giáo, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 các nhóm có nguy cơ lây nhiễm
Tuy chỉ có 1 ca nhiễm nhưng bị vây quanh bởi hàng loạt ca nhiễm tại các tỉnh, thành như Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, chính quyền TP Hải Phòng liên tục nâng mức độ phòng dịch. Trong thời gian cận Tết, tỉnh này từng yêu cầu người dân từ các tỉnh, thành khác về Hải Phòng phải có giấy xác nhận của UBND địa phương nơi cư trú. Quy định này sau đó được bỏ, nhưng chính quyền tỉnh vẫn áp dụng các cấp cách ly đối với người về từng các vùng có ca nhiễm bệnh.
Với hàng loạt nguy cơ mới, tại Hải Dương (gồm ổ dịch tại Cẩm Giàng và nguy cơ lớn lây chéo trong khu cách ly tập trung), tại Hà Nội (ca bệnh 2229), tối 15/2, Hải Phòng công bố từ 20h ngày 15/2 (mùng 4 Tết), TP tạm ngừng hoạt động đối với tất cả các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và các công viên, vườn hoa. Toàn bộ học sinh, sinh viên các trường tại thành phố tiếp tục nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.
Ngoài ra, chính quyền TP yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng, với các nhóm sau:
- Các thành viên gia đình có công dân từ các địa phương có dịch bệnh về thành phố ăn Tết, đặc biệt từ các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và TP Hà Nội;
- Các chuyên gia nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại thành phố, ưu tiên xét nghiệm trước đối với các chuyên gia của các nước dịch bệnh đang bùng phát;
- Các y bác sĩ, nhân viên, người lao động trong các bệnh viện, cơ sở y tế;
- Người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát; lái xe liên tỉnh từ Hải Phòng đi các địa phương có dịch,…
Chủ các doanh nghiệp phải trả phí xét nghiệm khi cơ sở y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm. Người dân tại TP được đề nghị chủ động đi xét nghiệm, tự trả phí.
Hải Dương tạm dừng phát hành xổ số, dừng hoạt động taxi
Kể từ 0h ngày 16/2, tỉnh Hải Dương chính thức áp dụng giãn cách xã hội trên toàn tỉnh (theo quy định tại Chỉ thị 16). Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Hải Dương phải tạm dừng phát hành xổ số từ ngày 16/2 cho tới khi có thông báo mới.
Hoạt động taxi phải tạm dừng trên toàn tỉnh. Các xe khách liên tỉnh vốn đi qua tỉnh Hải Dương phải đi theo lộ trình thay thế (vòng qua các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh và các tuyến quốc lộ) kể từ ngày 16/2 cho đến khi có thông báo mới.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Bệnh nhân người Nhật: Nồng độ virus rất cao, nghi nhiễm tại Hà Nội, không phải F0
Từ khóa COVID-19 Hà Nội người đàn ông Nhật Bản tử vong