Thứ trưởng Bộ GTVT: Trữ lượng cát vẫn còn, có thể xin nâng công suất khai thác thêm 50%
- Minh Sơn
- •
Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp cho rằng trữ lượng cát từ khai thác và nạo vét đã kém xa nhu cầu cát của địa phương, trong khi Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm cho biết trữ lượng cát vẫn còn, gợi ý tỉnh xin nâng công suất khai thác thêm 50% để cung ứng cho các dự án cao tốc trong khu vực.
Chiều 2/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng đoàn công tác của Bộ GTVT làm việc cùng UBND tỉnh Đồng Tháp về vật liệu xây dựng dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2022 – 2025, đoạn Cần Thơ – Cà Mau.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết theo thống kê về nhu cầu sử dụng cát cho dự án thành phần cao tốc Cần Thơ -Cà Mau, phần cát xây dựng cần 0,8 triệu m3, cát đắp nền đường 18,46 triệu m3.
Trữ lượng dự kiến còn lại tại các mỏ cát trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là 32,8 triệu m3, khả năng khai thác theo giấy phép là 3,13 triệu m3/năm.
Ông Thi đề nghị UBND tỉnh xem xét các nguồn còn lại, hoặc nâng công suất các mỏ hiện hữu để cung cấp vật liệu cho dự án đường cao tốc. Theo ông Thi, toàn bộ vùng ĐBSCL chỉ mới có 90km cao tốc, chiếm 7% so với số km cao tốc cả nước. Vì vậy, việc triển khai cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 110km cùng với cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng sẽ là cơ hội để ĐBSCL phát triển.
Ông Huỳnh Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện UBND tỉnh cấp phép khai thác với tổng khối lượng 5,466 triệu m3/năm và 3 dự án nạo vét khoảng 0,7 triệu m3, với sản lượng khoảng 6,616 triệu m3.
Trong khi đó, nhu cầu cát của địa phương trong giai đoạn 2022-2025 là 44,68 triệu m3, đã bao gồm 2 công trình trọng điểm của Trung ương qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp là cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh và An Hữu – Cao Lãnh với tổng trữ lượng 2,81 triệu m3.
Ông Nguyên nhấn mạnh với tổng khối lượng tr trên thì chỉ riêng nhu cầu của tỉnh đã chưa thể đáp ứng được; mà tỉnh này thời gian qua đã ưu tiên cung ứng cho công trình cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ là 1,27 triệu m3.
Vì vậy, đối với các công trình trọng điểm quốc gia ngoài tỉnh, tỉnh rất khó để cung ứng cát tiếp trong thời gian tới.
Chỉ ra khó khăn về nguồn cung ứng, phía chính quyền tỉnh cho biết do các giấy phép cấp phép khai thác đã cấp phần lớn từ trước năm 2015 nên trữ lượng còn lại rất ít; thượng nguồn sông Mekong có nhiều đập thủy điện khiến lượng phù sa (trầm tích cát sông) từ thượng nguồn về giảm đáng kể…
Ngoài ra, thời gian qua các cơ quan truyền thông báo chí có nhiều bài viết về khai thác cát, tạo dư luận xã hội không đồng tình. Thủ tướng Chính phủ ra chỉ đạo bằng văn bản về xử lý thông tin báo chí nêu, trong đó, Chỉ thị 38 yêu cầu cấp phép khoáng sản phải theo quy hoạch mới theo Luật quy hoạch.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho rằng tại khu vực ĐBSCL, hệ thống hạ tầng giao thông được xem là điểm nghẽn, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải.
Hiện nay các dự án của ngành giao thông đang triển khai tại ĐBSCL và trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ GTVT triển khai đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam và tuyến trục dọc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Ba vấn đề quan trọng là nguồn vốn, giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu. Ông Lâm cho rằng nhiều dự án lớn triển khai cùng lúc thì nhu cầu vật liệu là rất lớn, đòi hỏi các địa phương phối hợp cùng Chính phủ, Bộ GTVT.
Ông Lâm nói theo báo cáo từ địa phương thì trữ lượng cát vẫn còn, hiện chỉ vướng về thủ tục. “Các sở ngành tiếp tục tham mưu để tìm nguồn cát, nếu khai thác mỏ cát phục vụ cho dự án công trình trọng điểm quốc gia, có thể xin áp dụng cơ chế đặc thù nâng công suất khai thác thêm 50%”, ông Lâm nói.
Vẫn theo ông Lâm, ngoài ra, tỉnh tiếp tục có báo cáo để xem xét, tháo gỡ những khó khăn, đồng thời tư vấn, rà soát trữ lượng, chất lượng nguồn vật liệu thay thế như tro, xỉ, cát biển, cát lẫn bùn… để tiến hành thí điểm và nghiên cứu đánh giá hiệu quả chất lượng khi sử dụng làm vật liệu xây dựng.
Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết tỉnh sẽ giao Sở TN&MT rà soát lại công suất khai thác cát, đưa ra ý kiến về việc tăng sản lượng khai thác cát tại các mỏ; rà soát việc thực hiện quy hoạch trữ lượng 33 triệu m3 cát sớm trình UBND tỉnh.
“Kiến nghị Bộ GTVT chủ trì phối hợp các bộ, ngành trung ương làm việc với UBND các tỉnh có dự án cao tốc đi qua, để các tỉnh rà soát đảm bảo công trình của trung ương tại địa phương. Kiến nghị Bộ KH&CN sớm chủ trì và phối hợp Bộ Xây dựng đẩy nhanh nghiên cứu vật liệu khác thay thế cát nước ngọt”, ông Quang nói.
Minh Sơn (Theo Tuổi Trẻ, Báo Giao Thông)
Từ khóa Đồng Tháp Bộ GTVT khai thác cát Dòng sự kiện dự án cao tốc Bắc Nam