Tiết kiệm vốn Nhà nước được 64.014 tỷ đồng, vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất
- Nguyễn Quân
- •
Trong năm 2024, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2024 là 64.014 tỷ đồng. Tuy nhiên, vi phạm về kinh tế trong năm lên tới 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất. Cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi 85.403 tỷ đồng và 41 ha đất.
- Hơn 11.000 nhà đất công bỏ hoang, dùng sai mục đích: Quá nửa chưa có cách xử lý
- Hải Phòng muốn bán hơn 4.100 căn chung cư thuộc tài sản công

Thông tin trên do Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 của Chính phủ, sáng 24/4.
157.585 tỷ đồng, 245 ha đất ‘chui lọt lỗ kim’
Về công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương, tính đến ngày 31/12/2024, tổng số tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã đăng nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công là 67.480 tài sản, với tổng nguyên giá 3,8 triệu tỷ đồng, giá trị còn lại 2,7 triệu tỷ đồng.
Tổng chiều dài các tuyến đường, cầu đường đã đăng nhập là 915,2 nghìn km; tổng số tài sản là công trình nước sạch nông thôn tập trung đã đăng nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công là 15.460 công trình, tổng giá trị 38.388 tỷ đồng, giá trị còn lại là 20.014 tỷ đồng.
Trong quản lý đầu tư xây dựng, đầu tư công, đến hết ngày 31/12/2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 70.743,08 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 72,9% kế hoạch năm 2024 được giao (96.991,66 tỷ đồng). Còn 30/46 bộ, cơ quan Trung ương, và 26/63 địa phương có có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Tính đến ngày 26/12/2024, 205.862 cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý trong phạm vi cả nước. Còn 62.739 cơ sở nhà, đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định.
Dù còn 30,4% cơ sở nhà đất chưa được xử lý, quá trình thực hiện còn phát sinh vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp, xử lý nhà, đất. Theo Bộ Tài chính, số lượng các cơ sở nhà, đất của một số Bộ, ngành, địa phương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý là “tương đối lớn”.
Trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước, tính đến ngày 30/10/2024, tại 63 tỉnh, thành phố tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện, lũy kế đến nay, giảm 13 Sở và tương đương; 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương.
Ông Thắng công bố tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2024 là 64.014 tỷ đồng.
Qua 6.673 cuộc thanh tra hành chính và 118.983 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong năm 2024, ngành Thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất; kiến nghị thu hồi 85.403 tỷ đồng và thu hồi 41 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 72.183 tỷ đồng, 204 ha đất.
Ngành Thanh tra ban hành 105.108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, với số tiền 4.150 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính đối với 2.360 tập thể và 9.017 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng.
‘Tài sản công dùng không hiệu quả thì đấu giá, đấu thầu’
Đưa ra ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng việc sắp xếp, xử lý nhà đất còn rất chậm; cơ sở dữ liệu đất đai chưa đạt tiến độ, lãng phí vi phạm trong quản lý tài nguyên đất, nhất là dự án chậm đưa vào sử dụng, đất nông lâm trường dù đã có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nhưng hiện nay còn rất lớn.
Theo ông Phương, báo cáo vẫn nêu khá mờ nhạt về khuyết điểm, không chỉ rõ những trường hợp lãng phí, địa chỉ trách nhiệm và phương hướng xử lý. Nếu không chỉ rõ khuyết điểm, các giải pháp thì chỉ là “hô khẩu hiệu”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý cần rà soát các tài sản công sử dụng không hiệu quả.
“Các địa phương có rất nhiều tài sản công sử dụng không hiệu quả, bố trí cho người này, người kia mượn, cơ quan này, cơ quan kia ngồi quá rộng”, ông Định nói. Ông này đưa ra ý kiến rằng tài sản nào sử dụng không hiệu quả thì cho đấu giá, đấu thầu, lấy tiền để làm việc khác, làm công trình công cộng.
Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp bộ máy thì trụ sở, tài sản công dôi dư sau sáp nhập phải đưa vào sử dụng cho hiệu quả, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực, theo ông Định.
Tương tự, với những dự án không triển khai được, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng phải lấy đất đó để đấu giá, đấu thầu. Một số dự án chậm tiến độ gây lãng phí được ông Định nêu như Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam, dự án Tòa tháp Vicem do Tổng công ty Xi măng Việt Nam đầu tư (đường Phạm Hùng, Hà Nội).
Đáng lưu ý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Tài chính Lê Quang Mạnh đánh giá tình hình nợ đọng thuế cao, có xu hướng tăng so với năm 2023; tình trạng giải ngân chậm chưa được khắc phục; việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai không đạt tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Vẫn theo ông Mạnh, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, không rõ trách nhiệm; tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất, đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn diễn ra ở nhiều nơi.
Từ khóa lãng phí tài sản công vi phạm về kinh tế
