Tối 23/7 thêm 3.409 ca COVID-19; TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 đến ngày 1/8
- Lê Hoàn
- •
Bộ Y tế tối 23/7 ghi nhận 12 ca nhập cảnh và 3397 ca ở 30 tỉnh thành, trong đó có 1.083 ca cộng đồng.
3397 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (1.611), Bình Dương (571), Long An (379), Đồng Nai (184), Tây Ninh (176), Đồng Tháp (98), Tiền Giang (58), Bà Rịa – Vũng Tàu (58), Hà Nội (56), Khánh Hòa (51), Quảng Ngãi (26), Bình Thuận (24), Cần Thơ (24), Ninh Thuận (18), Phú Yên (15), Đắk Nông (8 ), Trà Vinh (6), Bình Định (6), Bình Phước (4), Hậu Giang (4), Bắc Ninh (4), Vĩnh Phúc (3), Lâm Đồng (2), Cà Mau (2), Hà Tĩnh (2), An Giang (2), Bắc Giang (2), Hòa Bình (1), Quảng Nam (1), Kon Tum (1).
Trong ngày 23/7, Việt Nam có 7.307 ca mắc mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 7.295 ca ghi nhận trong nước chủ yếu ở TP.HCM (4913), Bình Dương (608), Long An (602). Trong đó có 1.274 ca trong cộng đồng.
Cũng trong ngày, có 2.115 bệnh nhân được công bố bình phục (nâng tổng số ca lên 15.536 ca). Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU 166 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO 19 ca.
Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 103.146 xét nghiệm cho 407.714 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 5.008.871 mẫu cho 13.980.234 lượt người.
Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 4.411.659 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.077.099 liều, tiêm mũi 2 là 334.560 liều.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 đến ngày 1/8
Giới chức TP.HCM quyết định kéo dài đợt giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 8 ngày (đến ngày 1/8) và bổ sung một số biện pháp phòng COVID-19.
Thông tin được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nói tại cuộc họp Sơ kết 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vào chiều 23/7.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh thành phố ghi nhận hơn 48.800 ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ 4 và trải qua 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cùng 37 ngày áp dụng Chỉ thị 15 trước đó.
Theo ông Đức, cùng với kéo dài Chỉ thị 16, thành phố sẽ siết chặt quản lý ở các khu phong tỏa với mục tiêu không để xảy ra lây nhiễm chéo; các khu phong toả sẽ được đánh giá định kỳ để kịp thời gỡ giám sát từng phần…
Ông Đức cho biết trong 14 ngày (từ 9/7 đến 6h ngày 23/7) áp dụng Chỉ thị 16, thành phố ghi nhận 40.255 ca nhiễm, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca, phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa.
Thành phố đang điều trị 36.569 trường hợp dương tính mới (bao gồm xét nghiệm PCR và test nhanh), trong đó 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân được can thiệp ECMO; 441 trường hợp tử vong.
Thành phố đang thực hiện tiêm 930.000 liều vắc-xin phòng COVID-19 trong đợt 5. Bốn đợt trước đó, thành phố đã tiêm cho 991.322 người (943.215 người mũi một và 48.107 mũi hai).
Thêm hơn 1,2 triệu liều vắc-xin AstraZeneca về Việt Nam
1.228.500 liều vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca theo hợp đồng VNVC đặt mua, về đến sân bay Tân Sơn Nhất sáng 23/7.
Đây là lần giao vắc-xin AstraZeneca thứ 5, với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, theo hợp đồng đặt mua 30 triệu liều của Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC).
Ba tuần qua, kể từ ngày 9/7, đã có hơn 2,7 triệu liều AstraZeneca về Việt Nam, thuộc hợp đồng mua này. Đợt bốn về ngày 15/7 với 921.400 liều; đợt ba 580.000 liều về ngày 9/7; đợt hai về tối 25/5 với 287.600 liều; đợt đầu tiên về ngày 24/2 với 117.600 liều.
Như vậy, trong 6 tháng qua, AstraZeneca đã giao 3,1 triệu liều vắc-xin trong hợp đồng VNVC, chiếm khoảng 37% tổng lượng vắc-xin COVID-19 AstraZeneca được cung ứng cho Việt Nam.
Hiện có tổng cộng gần 8,6 triệu liều vắc-xin AstraZeneca được cung ứng cho Việt Nam thông qua ba nguồn gồm: hợp đồng đặt mua trước với VNVC, cơ chế Covax và viện trợ song phương giữa chính phủ các nước.
Vắc-xin AstraZeneca hiện chiếm 77% nguồn vắc-xin tại Việt Nam; còn lại gồm 500.000 liều vắc-xin Sinopharm do Trung Quốc tặng, 2 triệu liều Moderna do Mỹ tặng, gần 200.000 liều Pfizer theo hợp đồng Bộ Y tế mua.
Lê Hoàn
Xem thêm:
Từ khóa TP.HCM Chỉ thị 16