TP.HCM: Còn tới 1.456 hộp pate Minh Chay vẫn chưa rõ hiện trạng
- Nguyễn Quân
- •
Trong tổng số 1.559 hộp đã xác định được người tại TP.HCM mua qua mạng, chỉ 103 hộp được thu hồi. Có trường hợp một người ở quận 5 báo đã tặng 2 hộp cho sư cô ở chùa tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tại buổi họp báo vào chiều 1/9, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết trong số 1.223 người tiêu dùng tại TP.HCM mua 1.559 hộp pate Minh Chay, hiện ban đã liên hệ được 1.101 người và thu hồi được 103 hộp pate. Còn 122 người chưa liên hệ được, 1.456 hộp pate Minh Chay chưa rõ hiện trạng.
“TP.HCM mới chỉ thu hồi được 103 hộp pate Minh Chay, chưa đến 10% số lượng bán online. Khi gọi điện, chúng tôi đã cảnh báo cho người dân nhưng không phải ai cũng sẵn sàng hợp tác”, bà Lan cho biết. Nhiều người mua hàng nhưng gọi điện thì không còn sản phẩm nữa, một số mua bán lại, một số mua tặng cho người khác.
Có trường hợp một khách hàng tại quận 5 đã mua 3 hộp Pate Minh Chay, đã dùng hết 1 hộp và đem tặng 2 hộp cho một sư cô ở chùa tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ban Quản lý an toàn thực phẩm cho biết đã liên hệ và cung cấp thông tin cho Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để tìm kiếm và cảnh báo sư cô để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. “Đang là mùa Vu Lan, chỉ lo rằng sư cô lại sử dụng sản phẩm này để ăn và mời mọi người cùng ăn trong mùa Vu Lan thì thực sự nguy hiểm”, bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, hiện cơ quan chức năng mới chỉ xác định được sản phẩm pate Minh Chay có chứa độc tố Clostridium Botulinum, tuy nhiên trong thời gian chờ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tiếp tục kiểm nghiệm các sản phẩm khác thì Ban Quản lý sẽ thu hồi toàn bộ sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới trên toàn bộ TP, đồng thời khuyến cáo người dân ngưng sử dụng sản phẩm của công ty này.
“Đây là thực tế giống như “thả gà trong chuồng ra lùa”, chúng tôi không chắc chắn sản phẩm chỉ bị nhiễm botulium ở một lô duy nhất”, bà Lan nói.
Bà Lan cho hay do sản phẩm của công ty này không thông qua hệ thống phân phối lớn mà chủ yếu bán trên mạng cũng như một vài cửa hàng thực phẩm chay nhỏ lẻ nên việc thu hồi gặp khá nhiều khó khăn. Trong khi đó, lượng sản phẩm do Công ty Lối sống mới (Hà Nội) bán ra thị trường thời gian qua khá lớn so với số lượng thống kê được. TP.HCM lại là thị trường lớn, mức độ tiêu dùng cao nên có nhiều nguy cơ tiêu thụ cao nhất sản phẩm này, chưa kể thực phẩm chay chủ yếu cho người lớn tuổi, nếu sức khỏe kém thì mức độ nguy hiểm càng cao.
Theo bà Lan, vấn đề lo ngại nhất là nhiều người không thích tên tuổi lên truyền thông, muốn giấu việc mình đã sử dụng sản phẩm này. Thay vì báo và giao sản phẩm cho cơ quan chức năng, họ sẽ đem vứt đi. Điều này rất nguy hiểm, có thể xảy ra trường hợp người khác nhặt lại để ăn hoặc lây nhiễm chéo với các thực phẩm khác. Vì vậy, cách xử lý tối ưu là nộp cho cơ quan chức năng hoặc gói kĩ, cách ly với các thực phẩm khác.
Ngoài ra, bà Lan cho biết không ít trường hợp người tiêu dùng cố tình không giao, muốn giữ lại sản phẩm làm bằng chứng để khởi kiện. Bà Lan cho biết khi cơ quan chức năng thu hồi sản phẩm sẽ lập biên bản cụ thể vụ việc, biên bản này đủ cơ sở pháp lý để đối chiếu, hoặc sử dụng để chứng minh trong trường hợp pháp luật yêu cầu. Do đó, việc giữ lại làm bằng chứng là không cần thiết.
13 dòng sản phẩm của Công ty Lối sống mới gồm:Pate Minh Chay, Pate nấm hầu thủ, Ruốc nấm Heri vị hảo hạng, Muối vừng bát bảo đặc biệt, Ruốc nấm Heri Hương thảo mộc, Giò lụa lúa mì, Muối lạc truyền thống, Chả quế lúa mì, Muối vừng bát bảo, Giò nấm lúa mì, Ruốc nấm truyền thống, Ruốc nấm sả ớt, Ruốc nấm cháy tỏi. Người dân đã mua những sản phẩm trên cần giao nộp lại cho quận (huyện) nơi sinh sống. Những người đã sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay phải ngay lập tức đi kiểm tra sức khỏe. Những trường hợp khác thì đến trình báo tại cơ sở y tế địa phương càng sớm càng tốt. |
Người ngộ độc Clostridium Botulinum có nguy cơ tử vong lên đến 20%
TS-BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum khi đi vào cơ thể người sẽ tác động hệ thống thần kinh ngoại biên, làm liệt cơ đối xứng hai bên và từ trên xuống dưới như cơ mí mắt khiến người bệnh bị sụp mi mắt, nói khó, nuốt khó, cơ tay chân bị liệt từ trên xuống dưới, liệt cơ hô hấp…
Bác sĩ Hảo cảnh báo, ngộ độc thực phẩm do Clostridium Botulinum không gây sốt, rối loạn tiêu hóa như các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thông thường. Sau khi ăn thực ăn nhiễm độc tố này khoảng 1 ngày, người ăn có triệu chứng nôn ói nhưng không có sốt.
Do đó, nhiều người dân và nhân viên y tế không dễ dàng xác định nguyên nhân gây bệnh ngay từ sớm. Đa phần người ngộ độc Clostridium Botulinum đều phải trải qua quá trình điều trị dài và nguy cơ tử vong có thể lên đến 20%.
Vì vậy, ai từng sử dụng thực phẩm pate Minh Chay cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra sức khỏe.
Bác sĩ Hảo cho biết tính đến ngày 1/9, trong 9 ca ngộ độc vì ăn patê Minh Chay đang được điều trị tại TP.HCM đã có 5 ca được xuất viện (tiếp tục điều trị tại các địa phương); 2 ca tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 ca bệnh viện Nhiệt Đới và 1 ở Bệnh viện 115, trong đó có trường hợp nhập viện từ ngày 17/7 đến nay hiện vẫn còn thở máy.
Theo Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, đến ngày 31/8, có khoảng 20 bệnh nhân có những dấu hiệu liệt cơ, nhược cơ, khó thở… phải nhập viện, nghi liên quan đến Pate Minh Chay.
Hiện Việt Nam chưa có huyết thanh kháng botulinum. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã đề xuất Bộ Y tế sớm nhập khẩu huyết thanh kháng độc botulinum, đề phòng tình hình phức tạp sau này. Huyết thanh kháng độc tố botulinum được chế từ huyết thanh ngựa, giá khoảng 8.000 USD/lọ (khoảng gần 190 triệu đồng/lọ). Tuần trước, Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế và WHO hỗ trợ mua hai lọ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent từ Thái Lan (giá 8.000 USD/lọ điều trị hai bệnh nhân là vợ chồng bị ngộ độc nặng do ăn pate Minh Chay. Được biết, khoảng tháng 7/2020, hai vợ chồng mua và sử dụng pate Minh Chay, khi ăn đến hộp pate thứ hai vào khoảng cuối tháng 7 thì nhận thấy có mùi khác thường. Sau đó, cơ thể nhanh chóng bị đau họng, khó nuốt, sụp mi, nói khó, yếu tay, yếu chân… Cả hai được nhập viện Bệnh viện Lão khoa hôm 12/8, đến ngày 18/8 được chuyển qua khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng bị liệt đối xứng toàn thân, người chồng bị nặng hơn, không tự thở, đồng tử giãn. Hai bệnh nhân bắt đầu được điều trị bằng thuốc giải độc từ ngày 29/8. |
Nguyễn Quân
Từ khóa pate Minh Chay ngộ độc botulinum vi khuẩn C. botulinum