Trừ bậc tiểu học, Sở Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) TPHCM dự kiến đồng loạt tăng mức học phí của các bậc mầm non, mẫu giáo, THCS, THPT với mức tối đa là 300.000 đồng/học sinh/tháng. Học sinh tại các huyện hoặc được giữ nguyên mức học phí, hoặc tăng thấp hơn so với học sinh học tại các quận và TP Thủ Đức. 

tphcm ngap
Một học sinh chật vật trên con đường ngập nước tại TP.HCM, tháng 9/2019. (Ảnh minh họa: Vasiliy Ryabykh/Shutterstock)

Ngày 14/5, Sở GD-ĐT TPHCM có văn bản gởi Ủy ban MTTQ TPHCM, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, lấy ý kiến về dự thảo ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 – 2023 và các năm học tiếp theo tại TP.HCM theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.

Theo dự thảo Nghị quyết, trừ cấp tiểu học không thu học phí, các bậc học từ mầm non đến phổ thông đều sẽ tăng học phí.

Trên cơ sở đề xuất áp dụng mức sàn học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên cho mức thu nhóm 1 và nhóm 2. Riêng đối với cấp học nhà trẻ nhóm 2 áp dụng mức thu học phí bằng mức sàn theo khung học phí năm học 2021 – 2022.

Nhóm học mầm non:

Ở bậc mầm non (cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi), trẻ thuộc các quận tại TP/HCM (nhóm 1) sẽ nâng học phí từ 200.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 100.000 đồng/học sinh/tháng). Trẻ thuộc các huyện ở TP.HCM (nhóm 2) sẽ giữ nguyên mức học phí 120.000 đồng/học sinh/tháng.

Ở bậc mẫu giáo (cơ sở giáo dục nhận trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi), trẻ ở các quận sẽ tăng học phí từ 160.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 140.000 đồng/học sinh/tháng). Trẻ mẫu giáo ở các huyện sẽ giữ nguyên mức học phí 100.000 đồng/học sinh/tháng, không tăng.

Nhóm bậc THCS: 

Tại các quận, học phí của học sinh bậc THCS, GDTX THCS ở các quận sẽ tăng từ 60.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 240.000 đồng/học sinh/tháng); tại các huyện, mức học phí từ 30.000 đồng/học sinh/tháng tăng lên 70.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 40.000 đồng/học sinh/tháng).

Nhóm bậc THPT: 

Tại các quận, học phí của học sinh bậc THPT, GDTX THPT sẽ tăng từ 120.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 180.000 đồng/học sinh/tháng); tại các huyện, tăng từ 100.000 đồng/học sinh/tháng lên 200.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 100.000 đồng/học sinh/tháng).

Hỗ trợ học phí cho bậc tiểu học:

Dự thảo này đưa ra mức học phí dự kiến hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học thuộc các quận và TP Thủ Đức là 300.000 đồng/học sinh/tháng, áp dụng đối với các học sinh đang học tại các trường tư thục trên địa bàn chưa đủ trường công lập và những học sinh thuộc diện miễn giảm học phí theo quy định.

Mức hỗ trợ dự kiến tương tự cho học sinh tiểu học thuộc các huyện tại TP là 100.000 đồng/học sinh/tháng.

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết nếu được HĐND TP.HCM thông qua, dự thảo tăng học phí này sẽ được áp dụng vào năm học tới, tức năm học 2022-2023.

Sở này cho hay việc xây dựng mức học phí mới giúp “đảm bảo sự bình đẳng trong việc đóng góp của các gia đình và người học, điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách, tạo sự bình đẳng về cơ hội học tập trong xã hội”, là việc “huy động sức dân” cho việc GD-ĐT và thực hiện chế độ miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên.

Theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ, với khung học phí năm học 2022 – 2023 như sau:

khung hoc phi 2022 2023
Khung học phí năm học 2022 – 2023 – Nghị định 81. (Nguồn: Chính phủ/thuvienphapluat.vn)

HĐND cấp tỉnh căn cứ vào quy định trên để quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thuộc thẩm quyền và quyết định việc sắp xếp, phân loại các vùng trên địa bàn để cơ sở giáo dục áp dụng mức thu học phí.

Vĩnh Long