Trả bồi thường oan sai 225 tỷ, thu được từ người gây oan sai chỉ hơn 2 tỷ đồng
- Nguyễn Quân
- •
Ông Lê Thái Phương, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết tổng số tiền đã chi để bồi thường cho người bị oan sai là 225 tỷ đồng, nhưng số tiền thu được từ công chức làm gây oan sai chỉ hơn 2 tỷ đồng.
11 năm, trả hơn 420 vụ đòi bồi thường oan sai
Tại họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 2/4, trả lời câu hỏi của báo giới về bồi thường oan sai, ông Lê Thái Phương, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết trong 11 năm từ ngày 1/1/2010 đến hết 2020, đã giải quyết xong trên 420 vụ việc (trong 480 vụ đã thụ lý), số tiền bồi thường ước tính hơn 225 tỷ đồng.
Về trách nhiệm bồi hoàn của cán bộ, công chức gây oan sai, ông Phương thừa nhận trong hơn 225 tỷ đồng, số tiền thu được từ công chức làm gây oan sai chỉ hơn 2 tỷ đồng.
Đại diện Cục Bồi thường nhà nước cho hay hiện có 2 cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận và hướng dẫn người dân bị thiệt hại là Trung tâm hỗ trợ quyền yêu cầu bồi thường (thuộc Cục Bồi thường nhà nước) và Sở Tư pháp, cơ quan giúp UBND cấp tỉnh trong việc quản lý giải quyết bồi thường.
Nếu người bị oan sai chưa biết gửi đơn đến cơ quan nào để đòi bồi thường, có thể gửi đơn tới Sở Tư pháp nơi mình cư trú và trong 5 ngày làm việc Sở phải trả lời cho người dân.
Nhận bồi thường oan sai 2,3 tỷ phải đưa 900 triệu tiền “thuốc nước”: Bộ Tư pháp nói gì?
Thu hồi tài sản tham nhũng khó khăn
Trả lời về việc thu hồi tài sản trong những vụ án lớn, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho hay trong các vụ án của Trịnh Xuân Thanh, tổng số bồi thường là 122 tỷ đồng, hiện ông Thanh mới nộp được hơn 31 tỷ đồng. Cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Đinh La Thăng phải có trách nhiệm bồi thường 630 tỷ đồng trong 2 vụ án, đến nay mới nộp được hơn 4,5 tỷ đồng, theo Cổng thông tin của Bộ Tư pháp.
Ông Sơn nói khó khăn nhất trong thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế tham nhũng là số tiền phải thi hành án lớn nhưng tài sản của người phải thi hành án lại không nhiều.
“Ông Đinh La Thăng chỉ có một căn nhà là tài sản chung của hai vợ chồng. Trách nhiệm của cơ quan thi hành án là tiếp tục xác minh, truy tìm tài sản, gồm cả bất động sản, tài khoản… để tổ chức thi hành, thu hồi lại tài sản cho Nhà nước”, ông Sơn công bố trong buổi họp báo.
Nói về việc phát hiện các văn bản trái luật trong quý 1/2021, ông Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết qua rà soát đã phát hiện 57 văn bản trái pháp luật. Trong đó, có 1 văn bản của bộ ngành Trung ương, 56 văn bản của cấp tỉnh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hoan, việc xử lý trách nhiệm cá nhân thì chưa nhiều vì việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải qua nhiều khâu, nhiều người tham gia.
5 năm, 464 cán bộ thi hành án dân sự bị kỷ luật
Về việc gây rối tại Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội vừa qua, ông Sơn cung cấp thông tin rằng vào sáng ngày 23/3, tại cổng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội có khoảng 20 người tự xưng là giáo viên, phụ huynh Trường Newton và Trường Pascal yêu cầu gặp lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội.
Khi cán bộ của Cục này hướng dẫn làm thủ tục đăng ký tiếp dân, nhóm người này đã xuất trình Chứng minh thư nhân dân nhưng không xuất trình giấy tờ và đã có những hành vi, lời nói không đúng mức, quá khích, mà theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội và Tổng cục Thi hành án dân sự gửi lãnh đạo Bộ Tư pháp thì đây là những “hành vi không đúng pháp luật, không đúng mực, xúc phạm đến cán bộ thi hành án dân sự”.
Tuy nhiên, ông Sơn cho biết đến nay cũng có luồng thông tin nói rằng nhóm người này cũng bị cán bộ thi hành án ứng xử không đúng mực.
Đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự thừa nhận “chưa có cơ sở kết luận“, hiện đã yêu cầu Cục Thi hành án dân sự Hà Nội phải rà soát toàn bộ việc giải quyết khiếu nại, tiếp công dân. Còn Cục Thi hành án Hà Nội đã đề nghị Công an quận Hà Đông, Công an phường Mộ Lao (quận Hà Đông) làm rõ sự việc.
Khi được hỏi về việc có bao nhiêu cán bộ trong hệ thống Thi hành án dân sự bị kỷ luật trong 5 năm qua, ông Sơn nói trong 5 năm (2015-2020) có 464 cán bộ bị kỷ luật các hình thức, nhiều người bị truy tố hình sự.
Xô xát tại Cục Thi hành án dân sự Hà NộiNgày 30/11/2020, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư”, do bà Trần Kim Phương, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Giáo dục TDS Việt Nam (viết tắt Công ty TDS) kháng cáo. Bị đơn là trường THCS – THPT Newton, bà Lê Thị Bích Dung là người đại diện. Theo bản án phúc thẩm, tòa phân định cho bà Dung (trường THCS – THPT Newton) được quản lý sử dụng khai thác diện tích đất 2.896,3m2 tại lô TH1 và được sở hữu 1/2 tòa nhà 6 tầng xây dựng trên toàn bộ diện tích được phân định và các trang thiết bị đã đầu tư tại diện tích này do trường Pascal đang quản lý. Từ tháng 12/2020, Chi cục Thi hành án dân sự quận Bắc Từ Liêm tổ chức thi hành án; chấp hành viên TAND quận Bắc Từ Liêm ban hành quyết định cưỡng chế về chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo nội dung của bản án. Tuy nhiên, vụ việc sau đó bị hoãn lại theo yêu cầu của Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội. Ngày 23/3, tại Cục thi hành án dân sự Hà Nội xảy ra vụ xô xát nói trên. Người bị thương là bà Lê Thị Bích Dung. Bà này cho biết ngày 23/3 đã cùng một số giáo viên, phụ huynh trường Newton đến Cục thi hành án dân sự Hà Nội để hỏi về việc thi hành bản án phúc thẩm, vì theo kế hoạch, ngày 24/3 sẽ là ngày bản án phúc thẩm được thi hành. Bà Dung nói khi chưa gặp được đại diện đơn vị thì bị khoảng 5 người hành hung, bị giằng co, đánh vào đầu, bụng và bị đẩy ra khỏi hành lang. Bà Dung được đưa đi nhập viện, có nhiều vết bầm trên mặt, bụng và chảy máu vùng đầu, theo báo Lao Động. Chiều cùng ngày, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội yêu cầu Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Bắc Từ Liêm tạm dừng thi hành án trong thời gian giải quyết khiếu nại. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: ‘Có tỷ lệ oan sai thì liệu có hay không có tỷ lệ công lý?’
Từ khóa bồi thường oan sai án oan sai