Trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử tăng gấp đôi sau một năm
- Minh Long
- •
Theo nghiên cứu tại 11 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13 đến 15 tuổi đã tăng nhanh từ 3,5% (năm 2022) lên 8% năm 2023.
Ngày 5/7, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo về tác hại của thuốc lá mới.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý, điều hành Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết có 25 căn bệnh liên quan sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi….
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan thuốc lá, trong khi đó Tổ chức Y tế thế giới dự báo đến năm 2030, sẽ tăng hơn 70.000 người tử vong nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.
Theo ông Khoa, đáng lo ngại, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là trong giới trẻ.
Cụ thể, theo nghiên cứu tại 11 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13 đến 15 tuổi đã tăng nhanh từ 3,5% (năm 2022) lên 8% năm 2023. Trong khí đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm trẻ từ 15 đến 24 tuổi là 7,3%; nhóm tuổi từ 25 tuổi đến 44 tuổi là 3,2%; nhóm tuổi từ 45 đến 64 tuổi là 1,4%.
Tổng hợp từ gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh cho thấy chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, với các triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi.
Trong khi đó, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá ở Việt Nam là 108.000 tỷ một năm.
Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là sản phẩm gây nghiện vì làm người sử dụng lệ thuộc chất gây nghiện nicotine; không có một sản phẩm thuốc lá nào là sản phẩm an toàn cho sức khỏe; các sản phẩm thuốc lá mới ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất…
Mặt khác, các bằng chứng cho thấy các sản phẩm thuốc là mới không chỉ gây các bệnh mạn tính đối với người sử dụng như thuốc lá điếu thông thường mà bên cạnh đó còn gây ra các bệnh cấp tính và các hệ lụy xã hội khác.
BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được cấp phép nhập khẩu, quảng cáo và bán tại Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan, việc thực thi rất yếu.
WHO cũng khuyến nghị Quốc hội cần ban hành nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine. Đồng thời, cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm này tại Việt Nam, có quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài.
“Về lâu dài, Việt Nam cần chuyển và hoàn thiện các quy định cấm từ nghị quyết vào sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá”, ông Lâm nói.
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cũng cho hay hiện đã có 5 quốc gia ASEAN (Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei) cấm thuốc lá điện tử.
Bộ Y tế đang xây dựng hồ sơ, trình Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo nghị quyết. Trong đó, đưa quy định cấm toàn bộ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Theo bà Thủy, dự thảo dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2024.
Từ khóa Bộ Y tế Thuốc lá điện tử trẻ em hút thuốc