Trước và sau Tết, Việt Nam xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, đình công
- Minh Long
- •
Trong 6 tuần đầu năm 2022, Việt Nam đã xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, đình công. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến doanh nghiệp chi trả lương, thưởng tết thấp.
Ngày 16/2, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết từ đầu năm đến ngày 12/2 (tức trong 6 tuần đầu năm 2022), cả nước đã xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, đình công tại 12 tỉnh, thành phố – giảm 7 cuộc so với dịp Tết năm 2021, tương đương với mức giảm 20%.
Theo tổ chức công đoàn Việt Nam, nguyên nhân của các cuộc đình công là người lao động không đồng tình với việc thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp; doanh nghiệp trả thưởng thấp hơn so với Tết 2021…
Cụ thể, nhiều lao động yêu cầu tăng lương cơ bản, bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên, chế độ hỗ trợ cho người lao động mắc COVID-19. Ở một số vụ việc, người lao động đình công vì cho rằng việc doanh nghiệp trả lương tháng thứ 13 theo thời gian làm việc là chưa công bằng.
Trước đó, hôm 7/1, hơn 16.000 công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam đóng tại Đồng Nai đã đình công 4 ngày vì doanh nghiệp giảm thưởng 30% so với năm trước đó.
Ngày 7/2, gần 5.000 lao động Công ty TNHH Viet Glory (chuyên sản xuất giày, dép) tại Nghệ An đình công 6 ngày, yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng chế độ độc hại, không chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân nhiễm COVID-19…
Từ ngày 10-12/2, hàng trăm công nhân, lao động Công ty TNHH Da giày Phúc Mậu (doanh nghiệp chuyên sản xuất da giày) ở Thái Bình tổ chức đình công để yêu cầu ban lãnh đạo công ty tăng lương và một số phụ cấp liên quan; đồng thời đòi hỏi các cấp quản lý trong công ty phải có văn hóa hơn trong điều hành công việc.
Hôm 11/2, khoảng 5.300 công nhân Công ty TNHH Vienergy đóng tại Ninh Bình đình công, yêu cầu lãnh đạo làm rõ các khoản thu nhập, kiến nghị nghỉ phép năm không trừ tiền phúc lợi như xăng xe, nuôi con nhỏ; quản lý nước ngoài chấm dứt thái độ không đúng mực với công nhân.
Sáng 14/2, hơn 2.000 công nhân Công ty TNHH Cresyn Hà Nội có nhà máy tại Bắc Ninh đã đình công đề nghị tăng lương, phụ cấp, phúc lợi; xét nghiệm COVID-19 định kỳ, cấp phát đồng phục, cơi nới nhà để xe.
Theo chuyên gia lao động, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, việc đình công là chuyện khá bình thường của thị trường lao động. Tuy nhiên, tại những doanh nghiệp phát sinh mối quan hệ căng thẳng giữa người lao động và chủ sử dụng lao động có ảnh hưởng ít nhiều bởi đại dịch COVID-19.
Người lao động suốt một thời gian dài bị mất việc, giãn việc khiến thu nhập giảm. Trong khi đó phía doanh nghiệp thì cũng bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất. Doanh nghiệp phải căn cơ, tính toán từng chi phí kể cả lương thưởng, chính vì thế dễ phát sinh đình công của người lao động khi họ thấy chế độ phúc lợi không xứng đáng.
Còn theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Phan Văn Anh, các vụ đình công, đình công gần đây còn có nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn do chủ sử dụng lao động không tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp đối với người lao động; không công khai, minh bạch các chế độ của người lao động, thông tin của doanh nghiệp; tiền lương, tiền công, thu nhập thấp, điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, chất lượng bữa ăn ca kém…
Minh Long
Xem thêm:
Từ khóa đình công công nhân đình công tranh chấp lao động