Đạo trị quốc của cổ nhân: Dùng người thì không nghi người
- Lưu Như
- •
Nhìn lại sử sách, đất nước có minh quân biết trọng dụng người tài đức thì quốc thái dân an. Trái lại, đất nước có hôn quân bức hại trung thần thì thiên hạ loạn lạc, dân chúng lầm than. Vậy nên đạo trị quốc thì không thể tách khỏi cách dùng người. Mà trong cách dùng người thì có một câu nói rất nổi tiếng: “Dùng người thì không được nghi ngờ, đã nghi ngờ thì không dùng”. Sách Lã Thị Xuân Thu có chép một điển cố làm rõ câu nói này.
Phục Tử Tiện được vua Lỗ cử đến cai quản vùng đất Thiện Phụ. Trước khi nhậm chức, ông lo lắng vua Lỗ sẽ nghe lời gièm pha nên trước khi đi, ông thỉnh cầu nhà vua cử hai người thân tín đi cùng.
Khi đến Thiện Phụ, các quan địa phương lần lượt đến bái kiến, Phục Tử Tiện yêu cầu hai người thân tín của vua Lỗ ghi chép lại. Nhưng khi hai người này nhấc bút lên viết, ông hết lần này đến lần khác kéo tay áo và cánh tay của họ, khiến cho họ không thể viết được, khiến chữ viết xiêu xiêu vẹo vẹo. Trong khi đó, Phúc Tử Tiện lại vờ nổi giận cáu kỉnh và quở mắng họ một trận. Hai người cảm thấy oan ức nên đã xin Phục Tử Tiện từ chức. Phục Tử Tiện chẳng những không giữ lại, còn không khách khí nói: “Chữ của các ngươi viết quá xấu. Mau về đi, mau về đi!”
Sau khi hai người thân tín quay về, liền báo với vua Lỗ: “Chúng thần không thể viết chữ cho Phục Tử Tiện được”.
Vua Lỗ hỏi: “Tại sao?”
Họ trả lời: “Ông ta yêu cầu chúng thần viết, nhưng ông ta luôn kéo cánh tay chúng thần hết lần này đến lần khác, khiến chúng thần không cách nào viết được. Chữ viết xấu, ông ta lại cáu với chúng thần. Các quan ở Thiện Phụ cũng khó xử”.
Vua Lỗ nghe xong, nghĩ một lát, bỗng nhiên tỉnh ngộ thở dài nói: “Phục Tử Tiện dùng cách này để khuyên can ta đây! Ta thường can thiệp vào việc của Phục Tử Tiện, khiến ông ta không thể làm tốt mọi việc theo cách của mình. Nếu không có hai người, ta suýt nữa lại phạm cùng một sai lầm.”
Khi trị quốc, không có tấm lòng rộng mở thì sẽ không thể biết người có tài năng mà trọng dụng, biết người có tài năng mà nhậm dụng, thì cũng tự mình làm vướng tay vướng chân họ. Bậc minh quân xưa kia học cách nhìn người, chọn người tài đức vẹn toàn, đặt họ vào đúng chỗ, biết phát huy năng lực của nhân tài. Lúc nào cũng không an tâm với người bên dưới, thì công lao sự nghiệp không thành, trái lại còn bị tổn hại vì điều đó.
Ngoài ra, Phục Tử Tiện cũng rất thông minh, can gián không làm tổn thương đến thể diện của quân vương. Bởi vậy lời nói việc làm phải chú ý đến khả năng tiếp thu và lòng tự trọng của người khác, hiểu rõ đặc điểm tính cách của người khác để khuyến thiện.
Bậc quân vương thời xưa cần học cách tôn trọng và lượng thứ cho bề tôi, không nên chỗ nào cũng nghi ngờ, việc gì cũng can thiệp vào quá nhiều. Bề tôi thời xưa cũng phải tôn trọng và hiểu rõ bậc quân vương, chú ý đến phương thức can gián. Người có thân phận khác nhau thì có bổn phận và trách nhiệm khác nhau, cũng cần thấu hiểu, tôn trọng và thông cảm lẫn nhau. Đây cũng lại là cái gốc của việc dùng người.
Dựa theo “Ấu học Quỳnh Lâm bút đàm 18“
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Lưu Như
Xem thêm:
- Vài tấm gương can gián vua thời mạt Trần
- Đạo làm quan của người xưa: Trực ngôn can gián, thản đãng vô tư
Mời xem video:
Từ khóa đạo trị quốc dùng người