Từ 2017 sẽ ‘siết’ xe công để tiết kiệm nhiều nhất 4.255 tỷ đồng
- Vĩnh Long
- •
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trong năm 2017 sẽ đề xuất trình Thủ tướng sửa đổi Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg theo hướng tiếp tục cắt giảm xe ô tô công, để đến năm 2020 giảm 30-50% số lượng xe.
Việc giảm số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung, xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô áp dụng đối với chức danh Thứ trưởng và tương đương nhằm tiết giảm chi phí cho ngân sách.
Tháng 6/2016, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết cả nước có khoảng 40.000 xe công. Chi phí “nuôi” mỗi xe là 320 triệu đồng/năm (gồm chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu…). Tổng chi phí cho số xe công hoạt động trong một năm khoảng 13.000 tỷ đồng/năm.
Bộ Tài chính xác nhận lượng xe công dư thừa cả nước hiện nay khoảng 7.000 chiếc. Một số bộ, ngành, địa phương thừa nhiều xe như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (thừa 176 xe), Bộ Công Thương (thừa 57 xe), hệ thống công đoàn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (thừa 82 xe), tỉnh Bình Thuận (thừa 29 xe), tỉnh Quảng Ninh (thừa 73 xe)…
Ngoài ra, hiện có khoảng 30% số xe công đến hạn thanh lý với số lượng lên tới trên 11.000 chiếc.
Theo tính toán của Cục Quản lý công sản, giả sử lấy mức khoán xe bình quân của các thứ trưởng là 9 triệu đồng/tháng tức 108 triệu đồng/năm, mỗi năm một xe sẽ tiết kiệm được 230 triệu đồng. Nếu cắt giảm được 30% số lượng xe, tương đương 11.100 xe, ngân sách sẽ giảm chi 2.300 tỷ đồng, cắt 50% tức 18.500 xe, sẽ tiết kiệm 4.255 tỷ đồng, chưa kể con số tiết kiệm sau khi cắt giảm đội ngũ viên chức lái xe công.
2017, Hà Nội thí điểm việc khoán xe công
Trong năm nay, Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm khoán kinh phí xe công tại 8 đơn vị (4 sở và 4 quận/huyện) với mức khoán 9 triệu đồng/lãnh đạo/tháng.
Đáng chú ý, dù khoán kinh phí sử dụng xe công cho các lãnh đạo cấp sở và quận, huyện nhưng mỗi đơn vị vẫn được giữ lại 2 xe phục vụ chung theo quy định. Theo đó, nếu đơn vị có 6 lãnh đạo được tiêu chuẩn xe công phục vụ công tác (hệ số phụ cấp từ 0,7 trở lên), sẽ có 2 người có riêng 2 xe để đi lại thường xuyên, 4 người còn lại sẽ nhận khoán kinh phí hằng tháng (thay vì 2 xe phục vụ cả 6 người như trước).
Đánh giá về cách khoán này của Hà Nội và của Bộ Tài chính, PGS.TS Ngô Trí Long cho là vẫn còn nửa vời. Ông Long đề nghị khi khoán thì cần phải rà soát, cắt giảm ngay lượng xe công và viên chức lái xe dư thừa, nếu không sẽ rất dễ rơi tình trạng vừa mất tiền khoán xe, vừa mất thêm tiền nuôi xe công và lái xe, “dù cả người, và xe ngồi chơi xơi nước“. Đồng thời việc khoán xe cũng không thể nơi làm, nơi không, hay là đánh đồng tất cả mà cần có tính toán đúng thực tế để tránh việc khoán đều hay khoán lệch giữa nơi đi ít và nơi đi nhiều.
Trước đó, khi trao đổi tại phiên họp báo chuyên đề ngày 27/9/2016, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết chưa thể “giải tán” ngay đội ngũ lái xe công được. Phó Chánh Văn phòng Bộ – ông Ngô Chí Tùng cho biết thêm vì đội ngũ những người lái xe cũng là công chức của Bộ Tài chính nên không thể cùng lúc cho nghỉ việc.
Bộ Tài chính cho biết năm 2015, các cơ quan, đơn vị trong cả nước đã mua mới 611 xe ô tô với tổng nguyên giá 603 tỷ đồng (nguyên giá bình quân khoảng 987 triệu đồng/xe).
Năm 2016, Bộ chưa xác định được nhu cầu mua xe ô tô công trên cả nước, vì các bộ ngành, địa phương chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp lại xe ô tô phục vụ công tác chung. Đây là cơ sở để Bộ Tài chính thực hiện rà soát, điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, nếu đơn vị nào không có nguồn xe điều chuyển mới thực hiện mua mới. Riêng TP.HCM xác nhận cần mua mới 43 xe công trong năm 2016 với tổng số tiền hơn 34,5 tỷ đồng (trong đó gần 29,1 tỷ đồng từ nguồn dự toán ngân sách thành phố và hơn 5,4 tỷ đồng từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp).
Cuối tháng 10/2016, sau khi trình Quốc hội báo cáo tài chính ngân sách nhà nước (NSNN) 5 năm 2016-2020 và dự toán NSNN năm 2017, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN cho biết Bộ Tài chính sẽ siết rất chặt chi tiêu ngân sách trong năm 2017 cũng như kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm tới do các nguồn thu ngân sách có xu hướng giảm và bấp bênh kể từ năm 2006.
Ông Hưng xác nhận 2017 là năm thực sự căng thẳng vì thời gian tới không thể để bội chi lên cao được nữa. Trong năm 2017 phải tái cơ cấu theo hướng tăng dần chi phát triển, giảm chi khoảng 1.000 tỷ với các bộ, ngành, dành kinh phí cho các đối tượng chính sách, tăng giá phí bệnh viện thì phải tăng chất lượng, đầu tư trang thiết bị theo yêu cầu của bệnh nhân… Đối với vấn đề xe công, năm 2017, Bộ Tài chính sẽ không bố trí tiền cho các bộ mua xe cho cấp Thứ trưởng trở xuống.
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa cắt giảm xe ô tô công xe công dư thừa siết xe công khoán xe công kinh phí sử dụng xe công