Từ năm 2018, xe ô tô 9 chỗ trở xuống bắt buộc phải dán nhãn năng lượng
- Đăng Nguyên
- •
Việc dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với xe mô tô, xe gắn máy được thực hiện từ ngày 1/1/2020; xe ô tô 9 chỗ trở xuống từ ngày 1/1/2018.
Thủ tướng vừa ban hành quyết định 04/2017/QĐ-TTg quy định Danh mục phương tiện, thiết bị phải dãn nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện. Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/4.
Theo đó, nhóm phương tiện giao thông vận tải phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu gồm: Xe mô tô, xe gắn máy; và xe ô tô con loại 9 chỗ trở xuống (hiện nay chỉ yêu cầu dán nhãn đối với ô tô con từ 7 chỗ trở xuống).
Việc dãn nhãn năng lượng đối với nhóm phương tiện GTVT (sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới) được quy định với với lộ trình:
Thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với:
- Xe mô tô, xe gắn máy đến hết ngày 31/12/2019
- Xe ô tô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ đến hết ngày 31/12/2017;
Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với:
- Xe mô tô, xe gắn máy từ ngày 01/01/2020;
- Xe ô tô con loại 7 chỗ trở xuống;
- Xe ô tô con trên 7 chỗ đến 9 chỗ từ ngày 01/01/2018
Trước đó, quy định về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại từ 7 chỗ trở xuống được quy định trong Thông tư liên tịch số 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT ngày 24/9/2014. Theo thông tư, đối tượng áp dụng là các tổ chức, các nhân có liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe, kiểm tra, thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và chứng nhận dán nhãn năng lượng xe.
Nhãn năng lượng của xe là nhãn cung cấp các thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe đã được kiểm tra, chứng nhận hoặc đăng ký tự công bố giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn xe tiết kiệm nhiên liệu.
Việc dãn nhãn năng lượng phải được thực hiện trước khi xe được đưa ra thị trường. Kiểu loại xe trước khi dán nhãn năng lượng phải được thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu. Việc thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu xe được thực hiện độc lập hoặc kết hợp với thử nghiệm khí thải.
Nhãn năng lượng được dán bên trong xe, phía người lái, ở cửa kính bên cố định phía sau hoặc kính chắn gió phía sau, tại vị trí dễ quan sát nhìn từ bên ngoài xe. Nhãn năng lượng phải được duy trì trên xe cho tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.
Cũng theo thông tư, việc dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại từ 7 chỗ trở xuống không áp dụng với các loại xe:
- Xe được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sử dụng trực tiếp vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
- Xe tạm nhập tái xuất; xe quá cảnh, chuyển khẩu; xe của ngoại giao, lãnh sự;
- Xe có kết cấu, công nghệ mới mà hiện tại việc thử nghiệm trong nước chưa thực hiện được;
- Xe nhập khẩu đơn chiếc, không vì mục đích kinh doanh xe;
- Xe nhập khẩu theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ;
- Xe không sử dụng nhiên liệu là xăng, diezen, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên (NG)
Đăng Nguyên
Xem thêm:
Từ khóa bảo vệ môi trường dán nhãn năng lượng tự nguyện ô tô dán nhãn năng lượng dán nhãn năng lượng bắt buộc quy định dán nhãn năng lượng xe ô tô