‘Văn hoá tặng quà’: Khi lời cảm ơn đi trước
- Bách Minh
- •
Con người sống càng ngày càng chạy theo lợi ích trước mắt, càng ngày càng trở nên nhạy bén hơn, tới mức mà tặng quà không phải để cảm ơn sau khi nhận được một ân huệ hay một sự giúp đỡ mà đó là một lời cảm ơn trước, thúc ép bên nhận quà phải hành động vì mình.
Tặng quà là một phương thức trao mượn vật chất nhằm biểu đạt những tình cảm mà người ta khó diễn đạt được đầy đủ bằng lời nói. Đó là một hành động tự nhiên hoàn toàn không thúc ép khiến cho cả hai bên cho và nhận đều cảm thấy cân bằng và vui vẻ.
Nhưng trong xã hội hiện nay, tặng quà không đơn giản chỉ nhằm mục đích biểu thị tình cảm thuần tuý thuộc về phạm trù tinh thần của con người, mà nó còn mang tính chất là một sự trao đổi có mục đích vật chất rất rõ ràng.
Dường như xã hội ngày càng bon chen gấp gáp khiến cho con người sống càng ngày càng thiếu kiên nhẫn hơn. Khi người ta làm một việc tốt cho người khác thì ngay lập tức muốn họ đền đáp lại một cách tương xứng. Mặt khác, khi một người muốn phấn đấu đạt được một mục tiêu cụ thể nào đó thì cách nhanh nhất là chấp nhận chịu thiệt thòi một chút trước và rồi đi chạy chọt biếu xén cấp trên. Người xưa có câu: “Muốn được thì phải mất, mất rồi sẽ được” – con người thời nay đang áp dụng lời dạy ấy một cách triệt để và toàn diện.
Tặng quà không còn là để thay lời cảm ơn sau khi nhận được một ân huệ hay một sự giúp đỡ mà đó là một lời cảm ơn trước – lời cảm ơn thúc ép bên nhận quà phải hành động vì mình.
Chúng ta đang sống trong một thế giới quá dư thừa vật chất nhưng đói kém về văn hoá, đạo đức, tinh thần. Của cải, hàng hoá ngày càng phong phú hơn nhưng đạo đức xã hội thì không theo kịp.
Tặng quà vốn để tìm lại cảm giác cân bằng trong tinh thần nhưng giờ đây đã trở nên biến tướng khiến chính chúng ta trở nên căng thẳng. Người tặng sẽ phải tự ép buộc mình phải tặng một món quà vượt trên mong đợi của người nhận để gói kèm trong đó là mục đích riêng tư, muốn được đền đáp lại.
Còn người nhận…?
Khi một người được nhận một món quà mà giá trị của nó hoàn toàn không tương xứng với công sức mà họ đã bỏ ra hoặc không tương xứng với hình ảnh mà họ tự đánh giá bản thân, họ sẽ cảm thấy bất bình trong tâm, từ đó có thể thể hiện ra hoặc hời hợt, hoặc coi thường, thậm chí giễu cợt người kia. Người xưa có câu: “Của một đồng, công một nén”. Giờ đây người ta chỉ xem trọng vế trước mà bỏ mất vế sau – dùng giá trị vật chất để đo lường tình cảm của đối phương đã trở thành thước đo phổ biến của xã hội ngày nay. Một chàng trai yêu một cô gái, nếu muốn thể hiện tình cảm nhiều bao nhiêu, hãy xem giá trị món quà anh tặng cô ấy lớn thế nào.
Món quà sẽ trở nên phản tác dụng nếu như giá trị của nó quá thấp, đó thậm chí sẽ là một sự chà đạp lên danh dự của người nhận nếu điều đó được công khai. Vậy nên đôi khi nếu người ta không thể tặng một món quà xứng đáng thì tốt nhất là đừng tặng và hãy giả vờ quên. Do đó mới nói, trong xã hội thời nay, muốn thể hiện tình cảm chân thành thật là khó, đối với những người mà điều kiện kém một chút thì lại càng khó hơn. Xã hội vật chất này của chúng ta đang dần hình thành một thứ quan niệm thống nhất rằng: “Nếu anh thực sự quý tôi thì anh hãy tặng thứ quý, bằng không thì đừng tặng, tôi không cần bố thí.”
Ngược lại thì sao? Khi người ta được nhận một món quà với giá trị vật chất cao hơn mong muốn hay hình ảnh của bản thân, thì trước tiên, đó sẽ được coi là điều may mắn. Trong họ sẽ xảy ra một loại biến động tâm lý nhằm thích ứng với món quà này, nghĩa là họ sẽ nghĩ mình xứng đáng được hưởng nó vì một lí do nào đấy. Có thể họ nhất thời không nghĩ ra được lí do cụ thể nhưng khi chấp nhận món quà thì họ đã chấp nhận rằng mình xứng đáng, và món quà đó đồng thời làm tăng giá trị hình ảnh của bản thân họ lên một mức cao hơn; họ cũng sẽ biểu lộ một cảm giác trân quý đối với người tặng quà vì người ấy đã biết tôn trọng và có thể nhận ra được giá trị đích thực của họ.
Vô hình chung người nhận quà lại trở thành người chịu ơn người tặng – mối quan hệ đã bị đảo chiều theo giá trị vật chất: Người nhận quà trở thành người mắc nợ, nhưng không phải là cái nợ với cảm giác ưu tư mà là cái nợ vui vẻ, đầy phấn khích.
Dẫu sao thì trong khi vui vẻ người ta vẫn thường khó nói lời từ chối hơn khi ở trạng thái cân bằng, tỉnh táo. Những khi cao hứng vui vẻ, người ta thường dễ chấp thuận theo những quyết định có thể mang tính bất công, hay sẽ vì chúng mà dễ phá bỏ đi một số quy tắc hành xử vốn có.
Bên cạnh đó, xã hội càng ngày càng xuất hiện thêm nhiều dịp để người ta có thể tặng quà cho nhau: Tết, Noel, sinh nhật, ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam, lễ tình yêu, ngày Quốc khánh, Quốc tế Lao động, tết thiếu nhi, v.v… Việc tặng quà được toàn bộ xã hội hưởng ứng mạnh mẽ và trở thành “phong trào thi đua” tặng quà.
Nhận quà trong những dịp này là một quyền lợi bắt buộc mà nhiều người nếu không được nhận từ người khác thì họ sẽ có cớ để cảm thấy bất bình, mà không còn tự xem lại bản thân mình có xứng đáng hay không, hay xứng đáng đến mức độ nào?
Có thể dễ dàng “xếp hạng” lối nhận quà theo nhiều mức độ, trong đó có những mức độ đã được ngầm hiểu thành quy định hay bộ quy tắc “lễ nghĩa” như: hàng đoàn hàng đoàn những người xếp hàng để biếu quà trước cửa nhà riêng, hay chỉ nhận phong bì chứ không nhận quà, chỉ nhận Đô-la chứ không nhận tiền Việt,…
Có thể gọi tên những “lễ nghĩa” ấy là “văn hoá tặng quà” vì nó dường như được đa số mọi người chấp nhận, vì rất ít ai có thể nói lời từ chối những món quà vật chất thực sự giá trị, vì con người hiện nay tuy sống trong dư thừa nhưng lại không bao giờ biết đủ. Gọi là “văn hoá” vì nó đã trở nên phổ biến chứ không còn bởi nó là tốt, là đẹp. Cứ theo đà này thì không biết văn hoá – đạo đức sẽ còn tiếp tục bị những giá trị vật chất kia kéo trượt dốc tới đâu?! Bạn sẽ là ai? Người cho đi hay người nhận lại? Bạn sẽ lựa chọn như thế nào? Là lời cảm ơn đầy toan tính đi trước, hay là lời cảm ơn chân thành đi sau?
Bách Minh
Xem thêm:
Từ khóa đạo đức xã hội Văn hóa tặng quà phong cách tặng quà của người việt văn hóa nhận quà người Việt tặng quà hối lộ bằng quà tặng