Đã đến lúc người dân cần hiểu việc mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo y tế, hoặc là người thuộc nhóm cần theo dõi nhưng từ chối hoặc trốn tránh cách ly y tế theo quy định là những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng và chống bệnh truyền nhiễm. 

covid-19
Hành vi che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bị phạt từ 500.000 đồng-1 triệu đồng, tuy nhiên, nếu gây thành dịch bệnh lây lan, mức phạt cao nhất có thể đến 10-12 năm tù. Trong ảnh, nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ ở phố Trúc Bạch, Hà Nội. (Ảnh: TTVN)

Trong hơn 3 ngày, từ tối ngày 6/3 đến trưa ngày 10/3, Việt Nam tăng thêm 16 ca mắc viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

Phạm vi khoanh nhóm đối tượng để cách ly, theo dõi bệnh hiện đã mở rộng từ F1 tới F5, gồm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (F1); tiếp xúc gần với F1 (F2); tiếp xúc gần với F2 (F3); tiếp xúc gần với F3 (F4); tiếp xúc gần với F4 (F5). Để ngừa lây nhiễm chéo, hiện tại không chỉ các hành khách trên các chuyến bay VN0054, VN233 cần khai báo y tế, mà hàng loạt chuyến bay, khách sạn, tàu du lịch, khu dân cư… tại nhiều tỉnh, thành liên quan tới các ca nhiễm bệnh đều phải kiểm soát.

Chỉ riêng đối với bệnh nhân 19, 20 lây từ bệnh nhân 17 và bệnh nhân 21 trên chuyến bay VN0053, trong 48 giờ, giới chức thành phố đã xác minh có trên 700 người tiếp xúc gần và tiếp xúc với người tiếp xúc gần – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết hôm 9/3.

Đối với các bệnh nhân từ 22 đến 31 là các du khách nước ngoài đã đi qua nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng…, hiện các tỉnh vẫn tiếp tục xác minh người tiếp xúc.

Để kiểm soát tình hình dịch bệnh, cuối tháng 2, Đài Loan đã thông qua dự luật trừng phạt những người vi phạm lệnh cách ly tại nhà. Những người vi phạm có thể bị phạt 2 triệu Đài tệ hoặc 2 năm tù giam.

Ngày 9/3, giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo bất kỳ bệnh nhân nào nhiễm COVID-19 có thể bị phạt lên tới 10 triệu won (8.296 USD) nếu cố tình che giấu thông tin lịch sử đi lại, nơi cư trú hay các thông tin quan trọng khác.

Hiện tại, Việt Nam chưa đưa ra quy định xử phạt cụ thể đối với những người vi phạm việc phòng ngừa dịch COVID-19, tuy nhiên ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg, công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Theo quyết định, viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) được xếp vào loại bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu.

Theo đó, trách nhiệm và các hành vi bị nghiêm cấm để ngừa lây lan bệnh truyền nhiễm đã được quy định trong các luật và nghị định liên quan.

Khoản 3 Điều 8, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, quy định nghiêm cấm che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định.

Khoản 1 Điều 37 luật trên quy định rõ người nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh Việt Nam phải khai báo y tế; chấp hành các biện pháp giám sát, kiểm tra, xử lý y tế và nộp phí kiểm dịch y tế theo quy định của pháp luật.

Người không khai báo về kiểm dịch y tế biên giới hoặc từ chối kiểm tra y tế sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng, theo Điều 12 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. 

Đối với mỗi hành vi che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu, sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (Điều 6).

Phạt từ 5-10 triệu đồng đối với mỗi hành vi từ chối hoặc trốn tránh cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (Điều 10).

Cần lưu ý, người nào làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015, mức phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Tùy theo quy mô gây dịch bệnh, mức phạt tù có thể tăng lên 5-10 năm nếu dẫn đến tình huống Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch, hoặc việc lây lan làm chết người (Khoản 2).

Mức phạt tù tăng lên 10-12 năm nếu dẫn đến tình huống Thủ tướng Chính phủ công bố dịch, hoặc việc lây lan làm chết 2 người trở lên (Khoản 3).

Theo những quy định trên, hành vi của người nghi nhiễm COVID-19, người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm, hoặc người từ vùng dịch về nhưng không khai báo y tế, không thực hiện cách ly theo quy định là vi phạm quy định của pháp luật về phòng và chống bệnh truyền nhiễm, phải chịu xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Hiện tại, các cơ quan y tế tại Việt Nam tiếp tục kêu gọi các cá nhân liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với người nhiễm bệnh và nghi nhiễm COVID-19 cần ra các cơ sở y tế khai báo về tình trạng sức khỏe, thực hiện cách ly cần thiết theo quy định. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch trước hết để đảm bảo lợi ích sức khỏe cho cá nhân, tiếp đến là đảm bảo sức khỏe cho gia đình và những người liên quan. Thực tế, việc che giấu hay trốn tránh không làm bệnh dịch biến mất hay giúp tình trạng sức khỏe của bản thân tốt hơn, mà còn gây mối nguy hiểm lớn đối với bản thân, gia đình và cộng đồng xung quanh.

Nguyễn Quân – Phan Anh

Xem thêm: