Việt Nam đàm phán nhiều triệu liều vắc-xin COVID-19 từ Trung Quốc, Cuba, Ba Lan…
- Nguyễn Sơn
- •
Bộ trưởng Bộ Y tế – ông Nguyễn Thanh Long cho biết ngoài 34 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 đã nhập về và đang tiêm, dự kiến từ nay đến hết năm 2021, Việt Nam sẽ nhập thêm 103,4 triệu liều, hiện đang đàm phán 10 triệu liều với Trung Quốc, 5 triệu với Cuba, 3 triệu liều với Ba Lan…
Thông tin trên được công bố tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng 11/9, do Thủ tướng Chính phủ – ông Phạm Minh Chính chủ trì.
34/62 tỉnh thành ghi nhận khoảng 14.000 ca tử vong
Tính đến ngày 10/9, cộng dồn trong đợt dịch thứ 4 có khoảng 570.000 ca mắc, 338.000 người bình phục (chiếm 59%) và 14.000 ca tử vong (2,4%). Dịch ghi nhận tại 62/63 tỉnh thành (trừ tỉnh Cao Bằng); 18/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, 8 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát.
Ông Long cho biết so với tuần trước, tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng trong tuần đã giảm tại một số nơi có số mắc cao như: Đà Nẵng (giảm 60%), Bình Dương (giảm 27%), Long An (giảm 3%).
Cùng thời điểm so sánh, số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%, trong đó TP.HCM (giảm 30%), Đồng Nai (giảm 50%), Long An (giảm 30%), Tiền Giang (giảm 70%).
Tỷ lệ ca dương tính trên tổng số người xét nghiệm trong cộng đồng trong cả nước giảm từ 1,9% xuống còn 1,6%. Một số tỉnh có số mắc cao, tỷ lệ này cũng giảm mạnh: TP.HCM (giảm từ 3,7% xuống 1,4%), Long An (giảm từ 2% xuống 0,5%), Tiền Giang (giảm từ 1,2% xuống 0,2%).
Có 28 tỉnh chưa có ca tử vong, hiện tỷ lệ tử vong tại các tầng đã giảm rõ hơn, đặc biệt tại tầng 3 của các Trung tâm hồi sức tích cực. Bộ Y tế đang đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu thuốc Remdesivir (1,7 triệu liều) để điều trị các bệnh nhân mức độ trung bình, nặng và tiếp tục nhập các thuốc điều trị khác để điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Đàm phán nhập hàng triệu liều vắc-xin từ Trung Quốc, Cuba, Ba Lan…
Đại diện Bộ Y tế cho hay tham khảo kinh nghiệm quốc tế về “mở cửa trở lại”, Bộ này đang làm hướng dẫn lộ trình về “trạng thái bình thường mới” và triển khai các hoạt động kinh tế – xã hội trong điều kiện dịch, dự kiến ban hành trước ngày 15/9.
Thông tin về vắc-xin được báo cáo đặc biệt chi tiết tại cuộc họp. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết tính đến nay, tổng số lượng vắc-xin COVID-19 Việt Nam đã có các thỏa thuận, hợp đồng và cam kết tài trợ là 159,97 triệu liều.
Trong đó, 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX, mua của AstraZeneca 30 triệu liều, mua của Pfizer 51 triệu liều, tài trợ là 25 triệu liều, viện trợ khoảng 15 triệu liều. Dự kiến số lượng vắc-xin phòng COVID-19 Việt Nam sẽ có trong năm 2021 khoảng 138,4 triệu liều.
Hiện Việt Nam đã nhận hơn 34 triệu liều vắc-xin, trong đó đã tiêm hơn 27 triệu liều (khoảng 2 triệu liều mới được phân bổ từ ngày 8/9).
Số mũi tiêm ít nhất 1 liều cho nhóm từ 18 tuổi trở lên tại TP.HCM là 7,4 triệu liều (đạt 100%); Bình Dương 1,5 triệu liều (đạt 82%); Đồng Nai 1,3 triệu liều (đạt 60%); Long An 1,5 triệu liều (đạt 100%); Hà Nội 4,4 triệu liều (đạt 77%).
Số mũi 2 đã tiêm được tại TP.HCM là 896.835 liều (13%) và Hà Nội là 555.481 liều (10%).
Ông Long công bố dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 103,4 triệu liều vắc-xin COVID-19 về Việt Nam. Trong đó, khoảng 22,8 triệu liều trong tháng 9, khoảng 31,2 triệu liều trong tháng 10, khoảng 23,9 triệu liều trong tháng 11 và khoảng 25,5 triệu liều trong tháng 12.
“Hiện đang tiếp tục đàm phán với một số nước là 18,9 triệu liều gồm 10 triệu liều với Chính phủ Trung Quốc, 5 triệu với Chính phủ Cuba, 3 triệu liều với Chính phủ Ba Lan, 500.000 với Chính phủ Séc và 400.000 với Chính phủ Hungary”- ông Long công bố.
Người đứng đầu Bộ Y tế cho biết thêm bộ này đã và đang đàm phán và trao đổi với các đơn vị để cung ứng vắc-xin cho năm 2022 theo nguyên tắc đảm bảo tiêm đủ cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi trở lên và thực hiện việc tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Từ khóa tiêm vắc-xin COVID-19 ở Việt Nam khôi phục kinh tế Dòng sự kiện số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam