Việt Nam có thể mất tới 130 tỷ USD do TNGT từ 2015-2030
Theo mức GDP và tốc độ tăng trưởng dự báo cho giai đoạn 2015 – 2030, tổng thiệt hại do tai nạn giao thông tại Việt Nam có thể lên tới 130 tỷ USD.
Đây là số liệu được TS.Trần Hữu Minh – Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra tại hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam và dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia” do Bộ Y tế và WHO tổ chức tại Hà Nội ngày 26-27/9.
Theo TS. Minh, thiệt hại do TNGT tại Việt Nam mỗi năm từ 5 – 12 tỷ USD (từ năm 2013 đến 2030), và theo ước tính của WHO, thiệt hại do tai nạn giao thông tại Việt Nam mỗi năm có thể lên tới 2,9% GDP.
Đề cập đến tác hại của việc sử dụng bia rượu đối với TNGT, cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Nam (WHO tại Việt Nam) cho biết, khi khảo sát trên 1.840 bệnh nhân tại nạn giao thông nhập viện thì có gần 67% người điều khiển phương tiện có độ cồn trong máu cao, 45% tham gia giao thông hai giờ sau khi uống rượu bia.
Theo ông Nam: “Nếu chỉ tăng 1% chỉ tiêu bình quân cho rượu bia thì sẽ tăng 0,85% số ca tử vong do tai nạn giao thông, tăng 0,61% số ca bị thương và 0,37% số ca bị xơ gan”.
Việc sử dụng rượu bia và tác hại của rượu bia đối với TNGT của Việt Nam được đề cập tới nhiều trong các năm qua.
Thông tin từ Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại hội thảo, Việt Nam hiện đứng thứ 2 về tỷ lệ uống rượu bia ở Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới.
Trong khi tỷ lệ nam giới có sử dụng rượu bia ở Châu Phi là 44%, Châu Âu trên 73%, tỷ lệ chung toàn thế giới khoảng 48% thì có đến 77,3% nam giới người Việt sử dụng rượu bia (cao nhất thế giới).
Xem thêm: Việt Nam đặt mục tiêu chuyển dịch sản lượng bia lên Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL
Liên quan đến thói quen sử dụng rượu bia, một nghiên cứu do nhóm chuyên gia nghiên cứu thuộc Đại học Illinois (Mỹ), quỹ HealthBirdge (Canada) ở Việt Nam và Đại học Y Dược TP.HCM thực hiện trên 9.400 hộ gia đình Việt Nam được công bố trong năm 2016 cho thấy, 57,22% gia đình Việt Nam dùng rượu bia thường xuyên, trong đó, những gia đình giàu có, trình độ học vấn cao uống nhiều rượu bia hơn.
Đáng chú ý là độ tuổi uống rượu bia đang ngày càng trẻ hóa, chủ yếu trong giới học sinh, sinh viên. Phụ nữ sử dụng rượu bia cũng ngày càng tăng. Đặc biệt, nữ giới thành thị uống rượu bia cao hơn và say xỉn hơn nữ giới ở nông thôn. Tại TP.HCM, tỷ lệ nam giới sử dụng rượu bia chiếm 80%, nữ giới là 22%.
Về việc xử lý người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã tăng mức phạt đối với người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở từ 10 – 15 triệu đồng (Nghị định 171) lên mức 16 – 18 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc quản lý mức độ sử dụng rượu bia và tác hại của rượu bia đối với TNGT của Việt Nam vẫn được ghi nhận là thiếu đồng bộ trong khi triển khai các chính sách về thuế, giá và quảng cáo bia vẫn còn thả lỏng.
Hải Linh
Xem thêm:
Từ khóa tại nạn giao thông thiệt hại do tai nạn giao thông tại Việt Nam tác hại của việc sử dụng bia rượu