Việt Nam: Nữ giới ngộ độc rượu và thuốc gây nghiện tăng theo thời gian
- Minh Long
- •
Theo chuyên gia, tỷ lệ nữ giới bị ngộ độc rượu và chất gây nghiện gia tăng; ngộ độc rượu có xu hướng trẻ hóa.
Ngày 25/2, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức Hội nghị Quốc tế về bệnh lý nhiễm độc.
Ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trong 10 năm (từ 2010-2019), đơn vị Hồi sức chống độc của bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị cho 14.294 bệnh nhân nhiễm độc cấp.
Số bệnh nhân nhiễm độc cấp trung bình hàng năm không ngừng gia tăng. “Nếu từ 10 năm trước thì chỉ có 800-1.000 bệnh nhân/năm, thì đến nay lên đến 1.500-2.000 bệnh nhân/năm”, ông Thức nói.
Trong đó, nhóm ngộ độc do các loại hóa chất (thuốc tân dược và thuốc bảo vệ thực vật) ngày càng tăng; đồng thời còn xuất hiện các loại ngộ độc hiếm gặp (ngộ độc botulinum, ngộ độc khế…), làm thay đổi triệu chứng lâm sàng hay độc chất mới nên chưa có một phác đồ chuẩn để điều trị.
Nữ giới ngộ độc rượu gia tăng
Ông Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay các loại ngộ độc cấp thường gặp nhất tại Việt Nam gồm rắn độc cắn, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, ngộ độc thuốc tân dược và ngộ độc thực phẩm.
Với khoảng 200-250 bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tân dược thì đa số bệnh nhân đều tập trung ở phụ nữ và trẻ em. Trong đó, ngộ độc thuốc paracetamol và thuốc hướng thần là thường gặp nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong cao nhất là ở bệnh nhân ngộ độc thuốc hạ áp (27,3%) và thuốc chống trầm cảm 3 vòng (7,3%).
Đặc biệt, theo ông Hùng, “tỷ lệ nữ giới ngộ độc rượu và thuốc gây nghiện gia tăng theo thời gian”. Trong khi ngộ độc rượu có xu hướng trẻ hóa, ngộ độc do chất gây nghiện lại tăng lên ở nữ giới. Tỷ lệ tử vong cao trong ngộ độc rượu là do tỷ lệ ngộ độc methanol tăng.
Với ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm tại Bệnh viện Chợ Rẫy có khoảng 350-550 bệnh nhân bị ngộ độc cấp. Loại gây độc thường gặp nhất là phosphor hữu cơ và thuốc diệt cỏ. Tỷ lệ tử vong cao nhất thuộc nhóm thuốc diệt cỏ paraquat/diquat.
Ông Hùng cho biết thuốc diệt cỏ paraquat/diquat bị cấm lưu hành tại Việt Nam từ cuối năm 2019. Do đó, từ năm 2020 – 2022 không có bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat/diquat.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay lại có 5 trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat/diquat. Điều đáng nói, loại thuốc này gần đây nhiều người có thể tìm mua thuốc trên mạng, do đó cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý, kiểm soát loại thuốc diệt cỏ này.
Ngày càng nhiều người bị rắn độc cắn
Cũng theo ông Hùng, các trường hợp ngộ độc do bị rắn cắn tăng theo thời gian. Năm 2010-2011 là dưới 300 bệnh nhân/năm; năm 2018-2019 là hơn 700 bệnh nhân/năm, tỷ lệ tử vong chung là 0,5%.
“Việc số lượng người bị rắn cắn tăng lên có thể bắt nguồn chủ yếu từ quá trình đô thị hóa gia tăng, làm tăng khả năng tiếp xúc giữa người và động vật hoang dã”, ông Hùng giải thích.
Từ những ca bệnh được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, rắn độc cắn người chia làm 8 loài, trong đó 4 loài thường gặp nhất gồm lục xanh và chàm quạp (60-75%), tiếp theo là hổ mèo và hổ đất (15-20%).
PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho hay Việt Nam đã xác định được 240 loài rắn với số lượng tăng lên hàng năm, đặc biệt là các loài rắn độc.
Năm 1980, Việt Nam có 32 loài rắn độc nhưng đến năm 2020, con số này là 54-59 loài. Trong đó, 12 loài chỉ sống ở miền Bắc, 20 loài chỉ sống ở miền Nam và 22 loài được phát hiện ở cả 2 miền. Theo ông Tạo, do nhu cầu kinh tế cũng như nhu cầu chơi thú cảnh tăng lên, rắn cũng được vận chuyển và phát hiện ở nhiều vùng khác nhau trên cả nước.
Hiện tại, Việt Nam chỉ sản xuất được huyết thanh kháng nọc rắn lục xanh và hổ đất. Những loại huyết thanh khác cần được nghiên cứu và sản xuất thêm.
Từ khóa nhiễm độc ngộ độc rượu bệnh viện Chợ Rẫy ngộ độc ngộ độc methanol thuốc gây nghiện