Vdiarybook đảm bảo lọc thông tin xấu, độc bằng định danh, có chức năng báo cháy, tìm thân nhân qua dòng lịch sử, tìm liệt sĩ và cứu hộ cứu nạn…

viet nam ra mat mang xa hoi vdiarybook
Mạng xã hội Vdiarybook do người Việt Nam phát triển đã được giới thiệu tại Sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội. (Ảnh: vtv.vn)

Hôm 10/12, Việt Nam tổ chức lễ ra mắt một mạng xã hội mới “made in Việt Nam” có tên Vdiarybook, được giới thiệu là “Chia sẻ khoảnh khắc – Lưu giữ kỷ niệm đẹp”.

Đây là mạng xã hội được thực hiện trong khoảng thời gian 4 năm với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Mạng được Công ty CP Tập đoàn Vzone Global nghiên cứu và xây dựng.

Ông Lê Trung Hiếu, Nhà sáng lập, Chủ tịch Vzone Global, cho biết điểm nổi bật đầu tiên của Vdiarybook là một mạng xã hội “sạch”. Tất cả các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đăng ký tài khoản định danh bằng con người thật, doanh nghiệp thật, tạo ra một mạng xã hội sạch từ tư duy tới tiềm thức người dùng, từ thông tin đến văn hóa, chuẩn mực về giá trị đạo đức, cùng lưu trữ và khai thác các tài nguyên số… đặc biệt là tuân thủ luật pháp Việt Nam.

“Nền tảng với ưu điểm đẩy lùi và ngăn chặn thông tin xấu, độc và cùng chung tay lan tỏa chia sẻ những thông tin tốt đẹp chính thống, tích cực đến mọi tầng lớp người dân, tạo tiền đề cơ hội phát triển kinh tế, khai thác nguồn tài nguyên số”, ông Hiếu nói.

Vdiarybook cũng được quảng bá là được tích hợp nhiều tính năng vượt trội, khác biệt với các mạng xã hội khác với các tính năng như: SOS, báo cháy, tìm thân nhân qua dòng lịch sử, tìm liệt sĩ và cứu hộ cứu nạn. Mục tiêu của mạng này đặt ra là tích hợp nội dung nhằm bảo tồn và phát triển, thăng hoa bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Trước đó, hồi năm 2019, trong một lần trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong năm 2018, mạng xã hội Việt Nam đã đạt 47 triệu tài khoản, ông Hùng đặt ra mục tiêu có 90 triệu người dùng mạng xã hội của Việt Nam đến năm 2020.

Trong năm 2019, Việt Nam cũng ra mắt một mạng xã hội có tên Hahalolo với tham vọng đạt 2 tỷ người dùng trong vòng 5năm và sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

Cũng cùng năm, một mạng xã hội khác có tên Gapo được ra mắt với kỳ vọng đạt 20 triệu người dùng vào năm 2021.

Ngoài các mạng xã hội “thuần Việt Nam” này, một số mạng xã hội trong nước khác cũng đã ra mắt trước đó như Zingme, Go.vn, Tamtay.vn hay BizTime….

Nhưng thực tế, tất cả những mạng xã hội này sau đó gần như bị chìm vào quên lãng trong khi người dùng trong nước tiếp tục sử dụng các mạng xã hội nước ngoài khác như Facebook, TikTok, YouTube.

Bộ Thông tin và Truyền thông hồi tháng 11/2023 cho biết các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới từ năm 2020 đến nay đã thực hiện trên 90% các yêu cầu của Việt Nam về việc chặn, gỡ tài khoản, kênh.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ năm 2018 đến nay, Facebook phải gỡ bỏ gần 15.700 bài viết bị cho “xuyên tạc”, 48 nhóm bị cho “ảnh hưởng đến trẻ em, tin giả, thông tin xuyên tạc”, 353 tài khoản bị cho “giả mạo, tin giả, tin xuyên tạc”; YouTube phải gỡ bỏ 2.000 quảng cáo bị cho “vi phạm về thuốc, thực phẩm chức năng khám chữa bệnh”, hơn 83.000 quảng cáo vi phạm, gỡ 33 kênh; Tik Tok phải gỡ hơn 1900 link, 149 tài khoản và chặn hơn 3500 video…

Minh Long