Thi thể thiếu niên 16 tuổi, một trong số 42 lao động tháo chạy khỏi casino ở Campuchia, được tìm thấy trên đoạn sông thuộc huyện An Phú (tỉnh An Giang).

hien truong tim nan nhan chay khoi song bac casino campuchia
Lực lượng cứu nạn cứu hộ đã tìm thấy thi thể em Đ.M.H. (SN 2006, ngụ TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) tại khu vực cầu C3 (xã Nhơn Hội, huyện An Phú, An Giang). (Ảnh: Phong Bụi/Facebook)

Báo chí nhà nước dẫn lời ông Võ Phúc Thọ, Trưởng phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (công an tỉnh An Giang), xác nhận lực lượng cứu nạn cứu hộ đã tìm thấy thi thể em Đ.M.H. (SN 2006, ngụ TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) tại khu vực cầu C3 (xã Nhơn Hội, huyện An Phú, An Giang) lúc 5h ngày 20/8.

Lực lượng chức năng đang khám nghiệm tử thi, sau đó sẽ bàn giao cho gia đình nạn nhân để tổ chức an táng.

Em H. là 1 trong số 42 người tháo chạy khỏi casino Rich World, Campuchia bằng cách bơi sang sông Bình Di về nước hôm 18/8.

Ngoài ra, đối với một người đàn ông bị bắt lại tại casino, công an tỉnh An Giang đã can thiệp và bàn giao người này lại Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, ông Đinh Văn Nơi, Giám đốc công an An Giang, nói trên báo Pháp Luật TP.HCM.

Ông Nơi cho hay theo lời khai của những người tháo chạy, có hơn 2.000 người Việt đã bị đưa sang Campuchia lao động chui tại các casino.

Hiện vẫn còn 11 người Việt Nam trong casino ở tỉnh Kandal. Những người này không có giấy tờ hợp pháp, công an tỉnh cũng đã yêu cầu tỉnh nước bạn bàn giao lại cho Đại sứ quán.

“Vụ việc có dấu hiệu của tội phạm mua bán người và tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Chúng tôi đã báo cáo Bộ Công an, Cục cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), đề xuất tập trung điều tra đồng bộ các tỉnh thành, xử lý những đường dây tội phạm này”, ông Nơi nói.


Anh Thùy chia sẻ về thời gian ở “địa ngục trần gian” Campuchia. (Nguồn: Phong Bụi/Facebook)

Hai hôm trước (18/8), Chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng dịch COVID-19 số 21, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình phát hiện 40 người gồm 35 nam và 5 nữ từ casino Rich World ở tỉnh Kandal, Campuchia bơi sông Bình Di về Việt Nam.

Bước đầu, những người này khai trước đó đã xuất cảnh trái phép qua Campuchia ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam.

Sau đó, họ làm việc tại Casino Rich World. Công việc hàng ngày là làm game online và lên các trang mạng làm theo sự chỉ đạo của chủ casino (người Trung Quốc).

Do làm việc không được nghỉ ngơi, không được trả lương, bị đánh đập nên nhóm người bàn bạc tìm cách về Việt Nam.

Tổng cộng có 42 người tháo chạy khỏi casino, trong đó 40 người chạy thành công; em Đ.M.H. (16 tuổi) bị mất tích; anh N.T. H. (25 tuổi, ngụ Gia Lai) bị bảo vệ casino giữ lại.

Theo chủ tịch UBND huyện An Phú (An Giang) Trần Hòa Hợp, 40 người này đến từ các tỉnh ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Tối 19/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đã liên hệ với giới chức Campuchia làm rõ thông tin và kiểm tra cơ sở casino tỉnh Kandal. Việt Nam cũng đề nghị Campuchia hỗ trợ điều tra nguyên nhân vụ việc.

250 người Việt bị lừa bán sang Campuchia được giải cứu

Hồi đầu tháng 7, theo thống kê của Bộ Công an Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, có 250 người Việt bị lừa sang Campuchia đã được giải cứu.

Tại Campuchia, họ bị cưỡng ép lao động trái phép, cưỡng đoạt tài sản, bán qua lại các chủ, đánh đập, ngược đãi, bắt gia đình nộp từ 3.000 – 30.000 USD để chuộc…

Bộ Công an Việt Nam cho biết những người cầm đầu việc cưỡng bức lao động Việt Nam, đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là người Trung Quốc và có sự tham gia, giúp sức của những người Việt đang ở Campuchia.

Nhóm tội phạm này hoạt động chủ yếu tại các khu vực Bavet (tỉnh Svay Rieng), Banteay Meanchey (tỉnh Poipet), TP.Sihanoukville (tỉnh Preah Sihanoukville), Chrey Thom (tỉnh Kandal) và Phnom Penh của Campuchia.

Hoàng Minh