Vụ 8 tàu hàng chìm trên biển Quy Nhơn: Tìm thấy 11 thi thể, 2 người mất tích
- Trần Tâm
- •
Tính đến tối ngày 9/11, trong số 84 thuyền viên gặp nạn trong vụ 8 tàu hàng chìm tại biển Quy Nhơn vào ngày 4/11 – 71 người còn sống, 11 thi thể được tìm thấy và 2 người còn mất tích. Danh tính 9/11 thi thể thuyền viên đã được xác định.
Ngày 9/11, ông Lê Mạnh Tiến – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết các lực lượng cứu nạn đã tìm thấy thêm một thi thể trong vụ 84 thuyền viên của 8 tàu hàng bị chìm tại vùng biển Quy Nhơn vào ngày 4/11.
Theo đó, tàu SAR 274 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn cứu hộ hàng hải Việt Nam đã phát hiện thi thể này tại vị trí cách khu vực các tàu bị chìm ở phao số 0 cảng Quy Nhơn khoảng một hải lý. Tuy nhiên, do chưa nhận dạng được thi thể nên chưa xác được được nạn nhân thuộc thuyền viên của tàu hàng nào.
Đến nay, trong số 84 thuyền viên thuộc 8 tàu chìm trên vùng biển gần cảng Quy Nhơn, các lực lượng cứu nạn đã cứu được 71 người, tìm được 11 thi thể, trong đó đã nhận dạng được 9 thi thể. Hai người còn lại vẫn còn mất tích.
Cũng theo ông Tiến, hiện 18 tàu cứu nạn của các lực lượng đang tiếp tục tìm kiếm hai nạn nhân còn mất tích. Ngoài ra, 26 đặc công nước thuộc Lữ đoàn 126 Quân chủng Hải quân đã sử dụng khí tài đặc chủng, lặn xuống tàu bị chìm để tìm kiếm các nạn nhân.
Bên cạnh đó, lực lượng cứu hộ sử dụng flycam để quan sát các đoạn bờ biển có địa hình phức tạp, ghềnh đá với hy vọng phát hiện các nạn nhân bị mắc kẹt, trôi dạt.
Do thời tiết xấu, khu vực biển Quy Nhơn có gió to, sóng lớn khiến công tác tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.
Về phương án ứng phó với sự cố tràn dầu, ông Tiến cho biết hiện lực lượng Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Trung đã tập hợp đầy đủ các chuyên gia, phương tiện kỹ thuật, sẵn sàng ứng phó. Phương án ứng phó được thống nhất là hút hết dầu trên tàu 8 tàu bị chìm trước khi trục vớt, tiếp đó là sử dụng phao bao vây kín khu vực tàu trong quá trình trục vớt để dầu trên tàu không lan rộng gây ô nhiễm.
Cùng ngày, UBND tỉnh Bình Định cho hay một số chủ tàu đã hợp đồng với các đơn vị để tiến hành khảo sát các con tàu bị chìm, kiểm tra từng khoang tàu, vị trí… sau đó lập phương án trục vớt trình cơ quan chức năng.
Cảng hết chỗ, thuyền viên phải đối diện với những cơn sóng dữ
Là người may mắn thoát nạn trong vụ chìm tàu, ông Nguyễn Văn Tài (45 tuổi, quê Thanh Hóa, thuyền trưởng tàu Nam Khánh 26, trọng tải hơn 2.500 tấn) cho hay: “Tàu của tôi có 11 người chở hàng từ TP. Hải Phòng đến Cần Thơ, khi đi ngang qua Bình Định thì nghe tin bão số 12. Tôi đã gọi cho trực ban của Cảng vụ Quy Nhơn để xin vào khu neo đậu trú bão của cảng. Tuy nhiên, họ báo rằng trong đó quá chật, không vào được phải neo đậu ở ngoài cho an toàn”.
Theo ông Tài, tàu neo đậu ngang phao số 0, nhưng do ảnh hưởng bão quá lớn, lưới giã cào của tàu vỏ gỗ bị sóng lùa quấn chặt vào chân vịt, khiến máy chính hư hỏng không chạy được. Trong khi đó, gió giật mạnh, nhiều cột sóng cao hơn 8 m liên tục bổ dồn dập khiến tàu hư hỏng và chìm sau đó.
Còn ông Nguyễn Văn Thuấn – Chủ tàu hàng Thanh Hải 18 cho biết rạng sáng 4/11, sau khi trả hàng, tàu trên hành trình từ TP.HCM về Quảng Ninh. Khi tàu của ông đến vùng biển Quy Nhơn neo trú bão thì gặp nạn. Ông và các thuyền viên cứ ngỡ bão vào từ Khánh Hòa đến Bình Thuận neo đậu tàu ở vùng biển Quy Nhơn vẫn an toàn.
Ông Thuấn cho hay những cột sóng lớn như ngôi nhà hai tầng bao trùm lên boong tàu gây sự cố chập điện khiến ông mất khả năng điều động tàu. Tàu trôi dạt tự do trong sóng to, gió lớn vào bãi biển Quy Hòa. Rất may các thuyền viên an toàn.
Liên quan đến vụ việc, ông Bùi Văn Vương – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn (Bình Định) cho biết vùng neo đậu tàu thuyền phía trong cảng Quy Nhơn chỉ có 7 điểm neo. Trong mùa mưa bão nếu tận dụng tối đa thì neo đậu được khoảng 20 tàu.
Trước thời điểm xảy ra bão, tất cả tàu hàng trong cảng dưới 3.000 tấn đều được neo hết trong cảng. Khi đó, tổng số lên đến 53 tàu hàng (bao gồm 8 tàu gặp nạn) và hàng nghìn tàu cá nên vùng neo không còn chỗ. Do đó, các tàu thuyền đi ngang qua đến trú bão không thể vào bên trong nên dừng ở phao số 0 để trú tạm.
Đây là sự cố nghiêm trọng, thiệt hại nặng nhất từ trước đến nay
Trước đó, ngày 6/11, báo cáo Thủ tướng tại cuộc họp trực tuyến về khắc phục hậu quả bão số 12, ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định xác nhận vụ 8 tàu chìm là sự cố hàng hải lớn nhất từ trước đến nay trên vùng biển Quy Nhơn.
Theo thống kê ban đầu, thiệt hại trong vụ chìm tàu tại Quy Nhơn là 400 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Phúc – Phó Tổng Giám đốc thường trực cảng Quy Nhơn cho hay do sự cố luồng lạch nên hầu như các tàu có trọng tải lớn không thể ra vào cảng để xếp dỡ hàng hóa. Có 4 tàu đã làm hàng nhưng không ra được. Riêng trong ngày 7/11, có 3 tàu hàng trọng tải 50.000 tấn không thể vào cảng để xếp dỡ hàng hóa, phải đến cảng khác. Mỗi ngày các tàu hàng quốc tế nằm chờ để được vào cảng xếp dỡ hàng hóa phải chi phí từ 5.000 – 6.000 USD.
“Nếu không có biện pháp sớm trục vớt các tàu bị chìm để thông luồng lạch sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Không những thế, nếu càng kéo dài tình trạng này, thương hiệu cảng Quy Nhơn sẽ còn bị ảnh hưởng nữa”, ông Phúc lo lắng.
Yêu cầu điều tra làm rõ vụ việc
Tại buổi họp triển khai công tác khắc phục mưa bão và bàn biện pháp ứng phó với lũ tại tỉnh Bình Định vào ngày 5/11, ông Dũng có đặt câu hỏi vì sao đã được thông báo bão nhưng các tàu hàng không vào khu vực cảng Quy Nhơn neo đậu để đảm bảo an toàn mà phải neo ở phao số 0, khiến thiệt hại nặng nề về người và tài sản? Tuy nhiên, các ngành chức năng chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Trước sự việc nghiêm trọng xảy ra, ông Dũng đã phê bình, yêu cầu lãnh đạo Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc không kịp thời báo cáo số lượng tàu bị trôi, đắm tại khu vực cảng biển Quy Nhơn để có biện pháp ứng cứu kịp thời.
Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn phải có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh để trình Thủ tướng cụ thể về nguyên nhân khiến nhiều tàu hàng không vào khu vực cảng Quy Nhơn tránh trú bão số 12, mà đậu ở phao số 0 dẫn đến tình trạng hàng loạt tàu bị chìm trên biển.
Đồng thời, giao Công an tỉnh Bình Định tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ vụ việc trên.
Theo báo cáo của Cảng vụ Quy Nhơn, 8 tàu hàng bị chìm khi neo đậu tại phao số 0 gồm: Sơn Long 08, Việt Thuận 168, Hà Trung 8, Biển Bắc 16, Nam Khánh 26, Hoa Mai 68, An Phú 168, FEI YUE 9. Phao số 0 còn gọi là phao đầu luồng. Đây là phao tiêu đầu tiên từ ngoài khơi vào bờ, báo hiệu điểm đầu luồng tàu do cảng vụ cụ thể quản lý. Trên luồng hàng hải ấy, cứ cách 1-2 hải lý lại có một phao đánh số, đèn xanh hoặc đỏ để đánh dấu hai bên luồng. Càng vào gần bờ thì số thứ tự phao càng lớn. Theo các thuyền viên, bình thường thì thuyền trưởng là người có quyền cao nhất trên tàu. Tuy nhiên, khi đi vào nơi trú bão thì người quản lý cảng vụ là quyết định. Cảng vụ sẽ căn cứ theo công suất, tải trọng của tàu, hàng ít hay nhiều, độ mớm nước ra sao,… mà bố trí vị trí tàu trú bão. Về việc tại các tàu không chủ động vào sâu, gần bờ để tránh bão? Một số thuyền viên cho hay khi vào cảng thuyền trưởng không biết rõ vị trí luồng lạch như người quản lý cảng vụ. Do đó, phải theo sự hướng dẫn cụ thể của cảng vụ. “Giống như đi đường bị tai nạn thì mình phải tin người cứu nạn, chứ sao tranh cãi với họ được. Chúng tôi đi biển cũng vậy, phải tin vào cảng vụ chứ. Nhất là tình huống nguy hiểm như bão thì càng phải tin vào họ…” |
Trần Tâm
Xem thêm:
Từ khóa Quy Nhơn cảng Quy Nhơn thi thể vụ chìm tàu tại Quy Nhơn chìm tàu hàng