Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bị ‘phê bình nghiêm khắc’
- Nguyễn Quân
- •
Cơ quan đứng đầu khối Đảng – Bộ Chính trị vừa “phê bình nghiêm khắc” đối với ông Bùi Thanh Sơn – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trước những vấn đề của bộ này liên quan vụ án “chuyến bay giải cứu”. Ông Sơn bị yêu cầu “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, chỉ đạo khắc phục các vi phạm”.
- Vụ chuyến bay giải cứu: Phó Chủ tịch TP. Hà Nội, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị bắt
- Vụ chuyến bay giải cứu: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bị đề nghị kỷ luật
Ngày 27/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao và một số cá nhân.
Các chức danh bị đưa ra xem xét vi phạm gồm các ông:
- Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương (T.Ư) Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;
- Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản;
- Nguyễn Thanh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên;
- Nguyễn Ngô Quyết, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phú Bình, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên;
- Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp T.Ư, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam/Tổng công ty công nghiệp Tàu thủy.
Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2016-2021 bị kết luận đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo” để Bộ Ngoại giao và nhiều tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước trong đại dịch COVID-19 (thường gọi là các “chuyến bay giải cứu”); một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhận hối lộ.
Những vi phạm này được xác định đã “gây hậu quả nghiêm trọng, bức xúc trong xã hội…, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và ngành ngoại giao”.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – ông Bùi Thanh Sơn cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2016-2021.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản – ông Vũ Hồng Nam bị đánh giá là “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; nhận hối lộ; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương”.
Vi phạm của ông Vũ Hồng Nam bị kết luận “đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành Ngoại giao”.
Các ông Nguyễn Thanh Tuấn và Nguyễn Ngô Quyết bị kết luận gây nguy cơ thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước; ông Nguyễn Ngọc Sự gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và sản xuất, kinh doanh của tổng công ty.
Theo kết luận được công bố, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2016- 2021 bị kỷ luật cảnh cáo; các ông: Vũ Hồng Nam, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Ngô Quyết, Nguyễn Ngọc Sự bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Riêng ông Bùi Thanh Sơn bị “phê bình nghiêm khắc”, yêu cầu “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, kịp thời chỉ đạo khắc phục triệt để các vi phạm đã được chỉ ra”.
Ông Bùi Thanh Sơn (SN 1962), giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 4/2021. Trước đó, ông Sơn từng làm Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế; Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore; Phó Vụ trưởng đến Vụ trưởng Chính sách Đối ngoại; Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Chính sách Đối ngoại, Thứ trưởng Ngoại giao. |
Sáu ngày trước, chiều 21/12, hàng loạt cán bộ, nguyên cán bộ công tác tại Tổng lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật, Nga, Malaysia, Angola, Ấn Độ bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng.
Trong đó, khai trừ ra khỏi Đảng ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản); ông Lý Tiến Hùng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga; bà Nguyễn Lê Ngọc Anh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; ông Vũ Ngọc Minh, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola.
Ông Trần Việt Thái, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2020-2025; Nguyễn Hoàng Linh, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia bị cảnh cáo.
Các ông Phạm Sanh Châu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; Vũ Bình, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản; Phạm Như Ý, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ bị khiển trách.
Với nhân vật đầu tiên bị bắt hồi tháng 1/2022 – Cục trưởng Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan, tính đến hiện tại, gần 30 người của 6 bộ, ngành và các công ty liên quan bị Cơ quan An ninh Bộ Công an bắt giữ trong vụ án “chuyến bay giải cứu” đợt dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán).
Trong đó, các chức danh cao cấp đáng chú ý có ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Ngoại giao; ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý của Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh; ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản); ông Vũ Ngọc Minh và Lý Tiến Hùng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola và Nga…
Từ khóa Dòng sự kiện chuyến bay giải cứu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn