Vụ nam sinh lớp 7 bị bạn bạo hành dã man: Mẹ xác định con tâm thần vĩnh viễn
- Bảo Khánh
- •
Mẹ nam sinh lớp 7 (Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị bạn đánh hội đồng dã man trong thời gian dài xác định con mình bị tâm thần vĩnh viễn.
- Vụ nữ sinh bị cô giáo túm cổ áo, kéo lê: Cô giáo sẽ thôi làm tư vấn học đường
- Nữ sinh lớp 10 tự vẫn nghi bạo lực học đường: Trường đang xác minh thông tin
Ngày 23/11, nói với báo Dân Việt, chị Kiều Thị Mai (mẹ em Vũ Văn Tuấn K., học sinh lớp 7, Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội bị bạn bạo hành dẫn đến sang chấn tâm lý) cho biết con trai vẫn chưa lấy lại nhận thức bình thường.
Sáng cùng ngày, gia đình tiếp tục đưa em K. đi điều trị tại Văn phòng Tư vấn và trị liệu tâm lý trẻ em (Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH), do Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em kết nối giới thiệu.
Chị Mai cho hay sau 1 tháng điều trị, đến nay, tình hình của em K. có tiến triển nhưng không đáng kể. Lúc tỉnh táo thì K. nhận ra cha mẹ nhưng sau đó lại chóng quên, rơi vào trạng thái mất ý thức và thường xuyên bảo tất cả mọi người là “côn đồ”.
“Trước đó, có thời điểm con lên cơn nóng giận, không vừa ý gì là ném hết đồ đạc, các bác sĩ quan tâm điều trị, cho uống thêm thuốc an thần nên đỡ quậy phá. Tôi đã xác định con mình bị tâm thần vĩnh viễn. Cháu nhìn thấy ai cũng nghĩ là người xấu. Bác sĩ bảo phải điều trị lâu dài may ra mới có cơ hội hồi phục. Gia đình chỉ mong mỏi con sớm khỏi là điều mừng nhất, nếu không thì khổ quá”, chị Mai nói với báo Dân Việt.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán cháu K. bị sang chấn tâm lý, rối loạn phân ly (một dạng rối loạn tâm thần).
Chị Mai vẫn đưa con đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, đồng thời đưa con đi trị liệu tâm lý 2 buổi/tuần với chuyên gia mà UBND huyện Thạch Thất mời về điều trị cho cháu K.. Khóa điều trị này kéo dài 12-16 buổi. Chị Mai lo lắng sau khi hết 16 buổi nói trên, chị phải chi trả khoản tiền bạc khổng lồ để điều trị cho con.
“Cách đây không lâu, gia đình những đứa trẻ đánh con tôi đến nhà tôi đòi tôi phải đưa hết giấy tờ khám chữa ra, tuyên bố chỉ trả đúng số tiền ghi trên giấy khám. Tôi không hiểu biết, không biết nên làm gì. Con tôi từ một đứa trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát giờ thành khuyết tật. Những người đã làm cho cháu trở nên như thế này thì không phải chịu bất kỳ tội gì. Tôi mong chờ mọi việc do pháp luật phân xử”, chị Mai nói.
Hiệu trưởng cho rằng kỷ luật học sinh đã đủ sức răn đe
Nói với báo Dân Việt ngày 24/11, ông Đỗ Công Dực – Hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng cho hay đến nay em K. vẫn đang phải tạm nghỉ học tại trường để điều trị. Trước đó, em K. có đi học vài hôm theo sở thích nhưng sức khoẻ chưa đảm bảo.
“Hồi ở Bệnh viện Bạch Mai hơn 10 ngày, lúc tỉnh táo em K. có chủ động gọi điện cho tôi. Khi ấy nhanh nhẹn, còn nói sốt ruột về đi học thi giữa kỳ nhưng trong ngày có một số cơn sang chấn tâm lý nên sức khoẻ em chưa thật ổn. Hiện em đang điều trị liệu trình điều trị tâm lý ở trung tâm bảo trợ”, ông Dực cho hay.
Trước ý kiến cho rằng gia đình các em học sinh bạo hành em K. yêu cầu phải đưa hết giấy tờ khám chữa ra, tuyên bố chỉ trả đúng số tiền ghi trên giấy khám, ông Dực cho hay thực tế vẫn đang đồng hành từ cam kết UBND xã đứng ra giải quyết.
“Bước đầu gia đình các em cũng đã đưa hơn 50 triệu để lo điều trị cho em K, tiền thuê xe gia đình các em lo. Về việc yêu cầu đòi cung cấp giấy tờ mới bồi thường diễn ra từ hồi giữa tháng 10. Gia đình các em ấy đến tận nhà nói chuyện về viện phí, họ bảo đưa chứng từ để chi trả. Tôi nghĩ việc này cũng là hợp lý. Chính gia đình em K. cũng nói tiền viện phí không hết là bao, đề nghị các gia đình hỗ trợ nhiều hơn và họ thống nhất phương án”, ông Dực chia sẻ.
Về ý kiến cho rằng nhà trường kỷ luật các học sinh có hành vi đánh bạn chưa đủ sức răn đe, ông Dực phân trần, trong điều lệ trường THCS chỉ có kỷ luật đến mức dừng học ở trường có thời hạn.
“Trong quá trình các em bị kỷ luật, thì hết thầy, ban giám hiệu, giáo viên, tổng phụ trách, công an xã, huyện mời làm việc khiến các em cũng rất hoảng sợ, không được học nhiều ngày. Bản thân các em biết sợ, biết lo lắng nên tôi nghĩ hình thức kỷ luật dừng học 1 tuần tôi nghĩ đủ răn đe”, ông Dực cho hay.
Trước đó, UBND huyện Thạch Thất yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm, ông Dực cho rằng, người đứng đầu nhà trường như mình phải chịu trách nhiệm.
Chuyên gia nói gì?
Tiến sĩ (TS) Phạm Thị Thúy – chuyên gia xã hội học và tâm lý học nhận định: “Các vụ bạo lực học đường đang bị xử lý mang tính hình thức và hành chính hóa nhiều quá, không thực sự đi vào giải quyết nguyên nhân sâu xa của vụ việc. Đây là nguyên do khiến bạo lực học đường tái đi tái lại, vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước”.
Ngoài hai vụ việc tại Hà Nội, TS Phạm Thị Thúy dẫn chứng thêm câu chuyện mới xảy ra tại Nha Trang. Theo đó, em T.M. bị “kết tội” đã ném bóng vào mặt em Q.A. trong giờ thể dục. Cách xử lý của giáo viên không thuyết phục khiến mâu thuẫn giữa hai học sinh không được giải quyết. Em T.M. cảm thấy oan ức đã viết thư tuyệt mệnh và tự tử.
“Chúng ta cần tìm hiểu kĩ vì sao các con có hành vi bạo lực với nhau, phải lắng nghe hai bên. Khi lắng nghe, đối thoại, thấu hiểu thì mới có cách thức hóa giải, có biện pháp triệt để. Không phải cứ cấm trẻ đi học 3 ngày hay 1 tuần là xong. Tôi phản đối việc này.
Trẻ nghỉ học không những không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ mà còn làm cho trẻ chất chứa thêm ấm ức, tổn thương và có thể dẫn đến mức độ nghiêm trọng cao hơn như xảy ra vụ bạo lực mới”, TS Phạm Thị Thúy phân tích.
TS Phạm Thị Thúy cho rằng để làm được việc lắng nghe, đối thoại, thấu hiểu với cả hai phía gồm nạn nhân và thủ phạm bạo lực học đường, rất cần sự hiện diện của chuyên viên tham vấn tâm lý học đường. Các giáo viên không được đào tạo về kỹ năng, kiến thức tham vấn tâm lý sẽ không đảm đương được.
Bên cạnh đó, các trường học cần những buổi tập huấn sâu cho học sinh đang có vấn đề bạo lực về sự tôn trọng và cách quản lý xung đột, cung cấp cho các em kỹ năng, cách thức kiểm soát cảm xúc bất đồng tuổi mới lớn, hóa giải mâu thuẫn.
Dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho học sinh bị đánh và học sinh đánh bạn cũng rất cần thiết. Học sinh phải hiểu rõ hành vi của mình sai ở đâu và chịu trách nhiệm gì về hành vi sai đó. Từ đó, học sinh mới không mắc phải sai lầm tương tự.
TS Phạm Thị Thúy cũng nhấn mạnh bạo lực học đường ngày càng trẻ hóa độ tuổi, hung hăng hơn, nhiều trẻ em gái hơn, hậu quả nặng nề hơn có rất nhiều nguyên nhân từ phía người lớn, gia đình, nhà trường, xã hội.
Ngoài nguyên nhân độ tuổi dậy thì ngày càng sớm, bà Thúy chỉ ra 2 nguyên nhân quan trọng khác gồm:
- Một là các video mang tính bạo lực trên mạng xã hội ngày càng nhiều, trong khi trẻ được bố mẹ cho tiếp cận mạng xã hội sớm.
- Hai là bạo lực trong gia đình giữa cha mẹ với nhau và cha mẹ với con cái chưa giảm. Cha mẹ bận rộn hơn, nhiều áp lực cuộc sống hơn dẫn tới chút cảm xúc tiêu cực và hành vi tiêu cực lên con cái nhiều hơn.
Đứa trẻ bị dồn nén cảm xúc trong gia đình sẽ tìm cách phản ứng, trút giận với những người xung quanh, đặc biệt là bạn bè cùng trang lứa. Do đó, một mâu thuẫn nhỏ cũng có thể gây ra vụ việc bạo lực học đường lớn.
Để giải quyết tận gốc vấn đề bạo lực học đường, TS Phạm Thị Thúy khẳng định người lớn cần phải thay đổi trước.
“Chúng ta, những người lớn, phụ huynh, giáo viên hợp tác với nhau như thế nào để cùng chung tay xây dựng trường học hạnh phúc, một môi trường học tập có yêu thương, tôn trọng, an toàn.
Trong đó, mọi cảm xúc của trẻ được lắng nghe, trẻ được khuyến khích hành vi tích cực, được giáo dục ý thức xã hội, sự tôn trọng lẫn nhau, biết cách hóa giải xung đột mâu thuẫn trong cuộc sống”, TS Phạm Thị Thúy nói.
Trước đó 1 tháng, dư luận vô cùng xôn xao sau sự việc em Vũ Văn Tuấn K. (học sinh lớp 7, Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị bạn bạo hành trong thời gian dài dẫn đến sang chấn tâm lý phải tạm nghỉ học để điều trị. Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất, trong kỳ nghỉ hè năm học 2022 – 2023 đến tháng 9/2023, em K. bị các bạn cùng khối đánh nhiều lần ở trong trường và ngoài trường. Do sợ các bạn nên K. không báo với thầy cô và bố mẹ. Đến ngày 16/9, gia đình và nhà trường mới biết sự việc. Giáo viên chủ nhiệm đã xác định được 6 học sinh đánh K., khiến học sinh này bị sưng ở đầu và có vết bầm tím trên cơ thể. Ngày 20/9, Trường THCS Đại Đồng đã họp hội đồng kỷ luật, xử lý kỷ luật khiển trách với các học sinh đánh bạn. Học sinh và các gia đình của học sinh đánh bạn cũng đã nhận lỗi. |
Bảo Khánh (t/h)
Từ khóa Hà Nội bạo lực học đường bạo hành nam sinh bị bạn bạo hành