3 đoàn văn công lớn được coi là “hậu cung” của quân đội TQ bị giải thể
- Tuyết Mai
- •
Mới đây, Đoàn Văn công Quân đoàn Pháo binh của Quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có lịch sử 52 năm đã công bố video nói lời cáo biệt, xác nhận đoàn văn công này chính thức bị giải tán. Đến nay, 3 đoàn văn công lớn gồm Hải chính, Không chính và Pháo binh liên tiếp bị giải tán. Giới quan sát cho rằng, đoàn văn công bị giải tán là do nhu cầu của quân đội, và chính vì từ lâu các đoàn văn công đã trở thành “hậu cung” của quan chức cấp cao tham nhũng.
Ngày 14/9, trang tin của quân đội Trung Quốc đã đăng video nói lời cáo biệt của đoàn văn công Quân đoàn Pháo binh.
Theo Weixin “Âm nhạc CCTV” của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) giới thiệu, Đoàn văn công thuộc Bộ công tác Chính trị Quân đoàn Pháo binh thành lập ngày 1/7/1966, là đoàn thể văn nghệ chuyên nghiệp duy nhất của Quân đoàn Pháo binh, bao gồm âm nhạc, múa, kịch nói, hí kịch, và sở hữu nhà hát kịch hiện đại “Thiên thái Kịch viện”.
Trước đó, ngày 11/9, Chu Vĩ – Đoàn trưởng Đoàn văn công Bộ Công tác Chính trị Quân đoàn Pháo Binh có chia sẻ với truyền thông rằng: “Ngày 10/9, điều chỉnh cải cách biên chế các quân chủng trong đó có Quân đoàn Pháp binh chính thức được áp dụng, tức là, 3 chữ ‘Đoàn văn công’ của quân đội chính thức rút khỏi các hoạt động. Trước đó, chiều ngày 10/9, Đoàn văn công Hải chính đã giải tán.”
Đoàn văn công Bộ công tác Chính trị Hải quân thành lập tháng 5/1951, thuộc biên chế cấp chính sư.
Trước đó, ngày 9/9, đã có thông tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết, Đoàn văn công Bộ công tác Chính trị Không quân chính thức rút khỏi hàng ngũ quân đội. Theo một văn kiện được đăng trên Weibo cho thấy, căn cứ vào mệnh lệnh biên chế của Quân ủy Trung ương, Đoàn Văn công Bộ Công tác Chính trị Không quân chính thức giải tán. Văn kiện này được phát đi ngày 7/9. Đoàn Văn công Bộ Công tác Chính trị Không quân thành lập ngày 25/3/1950 tại tỉnh Cát Lâm.
Đến nay 3 đoàn văn công lớn của quân đội Trung Quốc là Đoàn Văn công Bộ Công tác Chính trị Hải quân (Hải chính), Đoàn Văn công Bộ Công tác Chính trị Không quân (Không chính) và Đoàn Văn công Bộ Công tác Chính trị Quân đoàn Pháo binh đã giải thể, và rút lui khỏi các chiến dịch của quân đội.
Các tài liệu cho thấy, đoàn văn công là đơn vị biên chế đặc biệt của quân đội ĐCSTQ, các đơn vị trực thuộc được phân làm 3 cấp, trong đó có đoàn ca múa, đoàn ca kịch, đoàn kịch nói thuộc quản lý của Bộ Tổng chính trị; các đoàn văn công thuộc quản lý của các quân chủng gồm Lục quân, Hải Quân, Không quân, Pháo binh, v.v; đoàn văn công thuộc quản lý của các quân khu lớn. Các lính văn nghệ thuộc mấy chục đoàn văn công số lượng ít nhất là 10 ngàn người. Những lính văn nghệ này đều dựa vào múa hát có thể thăng quan làm tướng lĩnh quân đội.
Truyền thông Đại lục từng đưa tin, trong làn sóng thương mại hóa, các minh tinh của các đoàn văn công liên tục ra ngoài làm ăn riêng lẻ, không ít nam nữ minh tinh của đoàn văn công xuất hành được các trợ lý vây kín, ở nhà biệt thự cao cấp, có xe sang đưa đón, dùng các sản phẩm xa xỉ đắt tiền. Điều này trở thành sự tương phản mãnh liệt so với các quan chức cấp trung trở xuống và binh lính có mức lương ít ỏi, khiến cho quan binh cấp cơ sở vô cùng bất mãn. Đoàn văn công bị cho là không những tạo thành lãng phi của cải quân đội mà nghiêm trọng hơn còn làm tổn thương sĩ khí và sức đấu tranh của quân đội.
Nuôi dưỡng đoàn văn công khổng lồ như vậy không chỉ là hao phí mồ hôi nước mắt của người dân, mà các tin đồn về hành vi dâm loạn của đoàn văn công cũng liên tiếp tung ra, đoàn văn công đã trở thành “hậu cung” của các cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tác gia lịch sử quân đội – con trai của Thiếu tướng Thái Trường Nguyên là Thái Tiểu Tâm từng trả lời câu hỏi của truyền thông Đại lục rằng: một số cán bộ trong quân đội Trung Quốc coi các đơn vị văn nghệ của bộ đội như “hậu cung” của mình, đưa vào đó những người ham luyến hư danh và lợi ích cá nhân, thậm chí năng lực nghiệp vụ kém cỏi không thích hợp với yêu cầu công tác văn nghệ quân đội, thậm chí là dựa vào sở thích cá nhân để trực tiếp gây ảnh hưởng đến việc bố trí cán bộ trong đơn vị văn nghệ.
Tống Tổ Anh – Đoàn trưởng Đoàn Văn Công Hải chính được hưởng mức đãi ngộ cấp Chính sư cùng ca sĩ quân đội Thang Xán là 2 nhân vật tiêu biểu cho tham ô dâm loạn của các đoàn văn công của quân đội ĐCSTQ. Bê bối dâm loạn giữa cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và Tống Tổ Anh đã có nhiều người biết đến, Giang Trạch Dân vì chiều lòng Tống Tổ Anh đã tiêu tốn 3,8 tỷ Nhân dân Tệ (khoảng 555,6 triệu Đô la Mỹ) để xây dựng Nhà hát quốc gia cho Tống Tổ Anh. Tống Tổ Anh cũng là diễn viên đầu tiên biểu diễn một mình trong chương trình biểu diễn âm nhạc cá nhân ở nước ngoài, từng có 5 lần ra nước ngoài tổ chức 10 buổi biểu diễn âm nhạc cá nhân, dùng đến lượng lớn kinh phí của quân đội, có tin nói từng bị ông Vương Kỳ Sơn hẹn gặp để điều tra tham nhũng.
Tuy nhiên, sau Đại hội 18 ĐCSTQ, cùng với việc ông Giang Trạch Dân thất thế, tần suất lộ diện của Tống Tổ Anh mấy năm qua cũng thưa dần, và nhiều lần bị báo đảng tấn công, chỉ trích.
Ca sĩ quân đội Thang Xán bị cho là “người tình chung” của nhiều “đại lão hổ” như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, v.v. Sau khi xảy ra vụ án của Từ Tài Hậu, Thang Xán cũng từng có thời gian mất tích bí ẩn. Nhân sĩ chính trị Bắc Kinh hình dung, dã tâm của Thang Xán quá lớn, đời sống hủ lạn. Thang Xán từng hối lộ tình dục các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội trong đó có Cốc Tuấn Sơn, Từ Tài Hậu.
Truyền thông từng tiết lộ cựu Phó Tư lệnh viên Hải quân Vương Thụ Nghiệp nuôi đến 7- 8 người tình trong mấy đoàn văn công lớn, trong đó có Đoàn Văn công Quân khu Nam Kinh, Đoàn Văn công Bộ Tổng Chính trị, Đoàn Văn công Quân khu Bắc Kinh, dường như phân bố khắp trong các đoàn văn công của quân đội ĐCSTQ.
Tháng 9/2015, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố trong lễ duyệt binh rằng sẽ cắt giảm nhân sự và trang bị quân sự, tinh giản nhân viên thuộc cơ cấu phi chiến đấu, dừng toàn bộ các dịch vụ có thù lao của quân đội. Giới quan sát phân tích rằng, các đoàn văn công trong quân đội ĐCSTQ sẽ nằm trong đợt tinh giản này.
Trên thực tế, tình trạng hủ bại tham nhũng trong quân đội ĐCSTQ đã có từ lâu, từ thời Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, tướng lĩnh thăng cấp đều là dựa vào mua quan bán chức. Dương Xuân Trường – cựu Phó Phòng Xây dựng Quân đội thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc từng nói, tiêu chuẩn lựa chọn người, dùng người của Từ Tài Hậu chính là “có bao nhiêu tiền”, một Tư lệnh của quân khu lớn, một người đưa cho ông ta 10 triệu Nhân dân Tệ, nếu có người đưa 20 triệu Nhân dân Tệ thì Từ Tài Hậu sẽ không dùng người đưa 10 triệu Tệ kia.
Thời gian Quách Bá Hùng làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương được phân quản lý Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tổng Trang bị Quân đội, việc thăng cấp tướng lĩnh cũng là thu tiền chiểu theo cấp bậc: Thiếu tướng từ 5 triệu Tệ đến 10 triệu Tệ; Trung tướng là 10 triệu Tệ đến 30 triệu Tệ, ai đưa nhiều thì người đó được thăng quân hàm, cấp bậc.
Sau Đại hội 18 ĐCSTQ, đã có 16 tướng lĩnh cấp phó quân khu trở lên, 55 tướng lĩnh cấp chính quân và cấp phó “ngã ngựa”. Trong số đó có 7 Thượng tướng gồm Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Điền Tu Tư, Vương Kiến Bình, Vương Hỷ Vũ, Trương Dương, Phòng Phong Huy.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa quân đội Trung Quốc Tống Tổ Anh Thang Xán Đoàn văn công