3 làn sóng tự tử là minh chứng cho sự tà ác và máu lạnh của ĐCSTQ
- Viên Bân
- •
Cựu nhân viên truyền thông Trung Quốc Triệu Lan Kiện mới đây đã đăng một video trên nền tảng X tiết lộ: Ngày 19/9, một nhóm người sinh năm 1990 đã nhảy xuống sông tại cầu Thượng Trang ở quận Hải Điến, Bắc Kinh, “tự sát tập thể”.
Đoạn video cho thấy một hàng rào được dựng lên tại hiện trường, có nhiều người dân đứng bên bờ sông và một cảnh sát đứng bên cầu dường như đang quan sát tình hình trục vớt.
Một số cư dân mạng đăng tải đoạn video tương tự cho biết, tối ngày 19/9 có 9 người sinh vào những năm 1990 cùng nhau nhảy xuống sông, hiện đã vớt được 7 người, nhưng đều đã tử vong, còn 2 người chưa được vớt lên, khả năng sống sót rất thấp.
Bước vào năm 2024, không khó để nhận thấy một hiện tượng nổi bật ở Trung Quốc là sự gia tăng đột ngột số lượng người trẻ tuổi tự tử. Một cư dân mạng đã đăng video trên YouTube vào tháng 6 cho biết, “Trong tháng 4, có hơn 4.500 người ở Trung Quốc nhảy xuống sông tự tử”, và một số nơi chính quyền địa phương thậm chí đã cử người canh gác cầu 24 giờ. Để ngăn chặn việc người dân tự tử, nhiều khu vực đã lắp đặt lan can trên các cây cầu, bố trí nhân viên canh gác, thậm chí lắp đặt hệ thống giám sát thông minh để phòng ngừa.
Vào tháng 5, hơn 10 thảm kịch nhảy cầu đã xảy ra ở thành phố Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây. Một cư dân mạng địa phương am hiểu vụ việc tiết lộ rằng từ ngày 10/5 đến ngày 21/5, hầu như ngày nào cũng có người nhảy xuống sông tự tử và trong đó có hơn 10 người anh ta quen biết. Người dân địa phương cho biết, “Mỗi ngày đều có người nhảy xuống sông, sắp trở thành cầu Nại Hà rồi”. Có thông tin cho rằng cảnh sát Thái Nguyên đã dán thông báo bên bờ sông: “Quý trọng sự sống, cấm nhảy xuống sông, vi phạm sẽ bị phạt 1.000 Nhân dân tệ”.
Vào ngày 24/5, một cư dân mạng ở tỉnh Sơn Đông trên nền tảng Douyin (Tiktok) đã nói: “Ở đây, bên bờ sông Hoàng Hà, trong một tháng đã có vài người nhảy xuống, đội cứu hộ không thể trở về nhà!”. Một người dùng mạng ở tỉnh Hồ Nam cho biết: “Trước đây, tôi thấy mỗi ngày đều có người nhảy, giờ đã bị phong tỏa, hành vi này sẽ gây ra phản ứng dây chuyền”. Vào ngày 30/5, có thông tin trên mạng cho biết, “Gần đây ở Hàng Châu, kỷ lục cao nhất là 27 người nhảy cầu trong một ngày”.
Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, đã xảy ra nhiều vụ nhảy sông tại các cây cầu như cầu Ung Giang ở Nam Ninh, cầu Trường Giang ở Trùng Khánh. Chính quyền địa phương đã khẩn cấp tăng chiều cao lan can hai bên cầu, gấp rút lắp đặt lưới chống rơi, và cử rất nhiều nhân viên canh gác, mỗi vài mét lại có một người đứng để ngăn chặn người dân nhảy qua lan can tự sát.
Nhìn lại lịch sử kể từ khi thành lập “Trung Quốc mới”, kiểu tự sát cao trào với tần suất cao và cường độ cao này đã xảy ra ít nhất 3 lần trong một khoảng thời gian ngắn.
Làn sóng tự tử đầu tiên xảy ra vào năm 1952 trong phong trào ‘Ngũ Phản’ do ĐCSTQ phát động nhằm vào giới kinh doanh.
Cái gọi là Ngũ Phản tức là “phản hối lộ, phản trốn thuế, phản trộm cắp tài sản quốc gia, phản gian lận trong sản xuất, phản đánh cắp thông tin kinh tế quốc gia”, đã buộc mọi người trong giới doanh nghiệp phải qua được những cuộc kiểm tra này. Trong đó, cái gọi là “phản trốn thuế” bắt đầu từ thời kỳ Quang Tự, khi Thượng Hải mở cửa, tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp về các khoản thuế phải nộp. Phương pháp tính toán như vậy khiến cho các nhà tư bản dù có trắng tay cũng không thể nộp nổi “thuế”, muốn chết cũng không thể nhảy xuống sông Hoàng Phố, vì sẽ bị nói là đã đi đến Hồng Kông, và gia đình họ vẫn bị ép buộc. Cuối cùng, họ chỉ có thể chọn cách tự tử, để cho ĐCSTQ nhìn thấy xác chết mà buông tha. Được biết, vào thời điểm đó, không ai dám đi bộ hai bên của những tòa nhà cao ở Thượng Hải, vì sợ bị người nhảy từ trên cao xuống đè chết.
Dữ liệu cho thấy, trong phong trào ‘Ngũ Phản’ ở Thượng Hải, số người tự tử, đột quỵ và mắc bệnh tâm thần không dưới 10.000 người. Từ ngày 25/1/1952, khi phong trào bắt đầu, đến ngày 1/4, chỉ trong 65 ngày ngắn ngủi, số người tự tử đã lên tới 876 người, trung bình mỗi ngày hơn 13 người. “Phương thức tự tử chủ yếu là nhảy lầu, nhảy xuống sông, điện giật và treo cổ”. Các loại thuốc độc và thuốc an thần đã bị cấm bán, khiến cho những người muốn an giấc ra đi cũng không còn khả năng thực hiện.
Làn sóng tự tử thứ hai xảy ra trong quá trình “tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước” vào những năm 1990.
Cái gọi là “tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước” là cưỡng chế thực hiện “tái cơ cấu cổ phần” các doanh nghiệp nhà nước, mua đứt thâm niên với giá rẻ, sa thải nhân viên doanh nghiệp nhà nước. Những người này được gọi là “người lao động bị sa thải”. Họ không chỉ bị tước quyền làm việc, quyền sống mà nguồn sinh kế của họ còn bị cắt đứt bởi nhiều vấn đề như bảo hiểm hưu trí và các vấn đề y tế và do đó khiến họ rơi xuống đáy của xã hội.
Có bao nhiêu “công nhân bị sa thải” trong năm đó? Theo bài viết “Sau khi ‘Bát cơm sắt’ bị đập vỡ, những thăng trầm và bối rối của một thế hệ công nhân” của Jiemian News, “Kể từ khi quyết định liên quan đến cải cách được đưa ra vào tháng 5 năm ngoái, chỉ trong vài tháng đã có hàng triệu công nhân nhà nước bị sa thải, mức độ thực hiện lớn hơn dự kiến—từ năm 1998 đến 2000, gần như mỗi năm có từ 7 triệu đến 9 triệu công nhân”. Về thống kê số lượng công nhân của các doanh nghiệp nhà nước, vào năm 1999 là 83,36 triệu người, đến năm 2002, số liệu này đã giảm xuống còn 69,24 triệu người.
Trong hoàn cảnh không có nguồn sống, những “công nhân thất nghiệp” không có nơi để lên tiếng và không có sự lựa chọn, nhiều người đã chọn tự tử để kết thúc nỗi khổ. Theo một đề xuất khẩn cấp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc vào tháng 9 năm 1998 có tiêu đề “Chú ý đến bi kịch gia đình tự tử, gây ra sự bất ổn xã hội”, chỉ riêng trong năm đó đã có 225.200 vụ tự tử, khoảng 156.720 người đã tử vong.
Làn sóng tự tử thứ ba xảy ra trong năm nay.
Nhìn vào ba làn sóng tự tử kể từ khi thành lập “Trung Quốc mới”, chúng ta có thể thấy rằng trong mỗi trường hợp, những chính sách tà ác của ĐCSTQ đã đẩy người dân Trung Quốc vào ngõ cụt.
Trong phong trào Ngũ Phản vào những năm 1950, lý do khiến rất nhiều doanh nhân Thượng Hải nhảy từ các tòa nhà của họ là vì họ không đủ khả năng chi trả các khoản thuế mà chính quyền Trung Quốc yêu cầu, khiến họ rơi vào tuyệt vọng.
Trong quá trình “tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước” những năm 1990, nhiều công nhân bị sa thải đã tự tử vì mất nguồn thu nhập và không thể duy trì cuộc sống.
Tại sao năm nay lại có nhiều người nhảy xuống sông và nhảy cầu tự sát như vậy? Đó là vì nền kinh tế bị chính quyền Trung Quốc phá hủy, nhiều người trẻ phải gánh chịu áp lực cuộc sống vượt quá giới hạn chịu đựng, không nhìn thấy bất kỳ hy vọng nào, chỉ còn cách chọn cái chết để kết thúc mọi thứ.
Đài Á Châu Tự do ngày 24/5 đưa tin, trong hơn 10 ngày qua, đã xảy ra nhiều vụ tự tử bằng cách nhảy xuống sông ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, gây chấn động cộng đồng mạng. Cô Vương, một giáo viên đã nghỉ hưu ở thành phố Thái Nguyên, cho biết, do ảnh hưởng của môi trường kinh tế, nhiều người không tìm được việc làm hoặc gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng cho nhà ở. “Trong những năm qua, người dân ở tầng lớp thấp thực sự rất khổ sở, có người rất trẻ, có người ngoài 20 tuổi, và nhiều người là do áp lực trả nợ nhà, giá trị của những căn nhà này giảm chắc chắn sẽ khiến nhiều người nghĩ đến việc nhảy lầu”.
Bà Lưu Thu Mai ở Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông cũng cho biết với Đài Á Châu Tự Do rằng ở địa phương cũng đã xảy ra không ít vụ nhảy xuống sông, nhưng truyền thông không đưa tin. “Đã có nhiều người nhảy xuống sông, có sinh viên, có người không trả được nợ, bây giờ có không ít người chọn cách nhảy lầu để giải thoát cho bản thân, số người nhảy xuống sông tăng lên nhiều so với thời điểm năm trước. Mặc dù truyền thông nhà nước không đưa tin, nhưng người dân đều biết”.
Từ việc các nhà tư bản bị ‘ép’ nhảy lầu trong phong trào Ngũ Phản, đến việc các công nhân thất nghiệp tự sát trong quá trình “cải cách doanh nghiệp nhà nước” vào thập niên 90, và giờ đây, việc nhiều thanh niên nhảy sông, nhảy cầu do suy thoái kinh tế đã trở nên phổ biến, có thể nói rằng tất cả đều chứng minh một điều: Đó là sự ác độc và lạnh lùng của ĐCSTQ. Chừng nào Nó còn tồn tại, người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ có được cuộc sống tốt đẹp!
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Tự tử Tự sát Tự sát tập thể Thanh niên Trung Quốc Giới trẻ Trung Quốc