Ngày 19/7, tờ Thanh niên Trung Quốc (China Youth) có bài viết làm dậy sóng dư luận: “Hiện tượng tự tử ở người già vùng nông thôn Trung Quốc đã đến mức gây sốc!”. Hiện nay, bài viết này đã bị nhà chức trách Trung Quốc kiểm duyệt gỡ bỏ, không còn trên mạng internet Trung Quốc.

Nguoi Gia Trung Quoc
Người già lao động tại nông thôn Trung Quốc. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa – chụp màn hình video)

Hiện tượng tự tử của người già ở nông thôn Trung Quốc

Bài báo của tờ Thanh niên Trung Quốc dẫn nghiên cứu từ dự án Quỹ Khoa học Xã hội Quốc gia Trung Quốc vào năm 2008 có tựa đề “Nghiên cứu Xã hội học về Tự tử của Người già ở Nông thôn”, chủ quản là nhà nghiên cứu Lưu Yên Vũ (Liu Yanwu), giảng viên Khoa Xã hội học của Đại học Vũ Hán. Ông đã đi thực tế hơn 40 ngôi làng ở 11 tỉnh gồm Hồ Bắc, Sơn Đông, Giang Tô, Sơn Tây, Hà Nam, Quý Châu…

Nhóm nghiên cứu của Lưu Yên Vũ đã tiến hành nghiên cứu thực địa tại huyện Kinh Sơn tỉnh Hồ Bắc. Khi hỏi trong làng có hiện tượng người già chết bất thường không, câu trả lời phổ biến nhất là “ở đây không có người già nào chết bình thường”.

Tại một ngôi làng cách Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc chưa đầy 100 km, ông Lâm Mộc Văn (Lin Muwen, 69 tuổi) ngồi giữa phòng chính vừa đốt tiền giấy cho mình trong cái lò than vừa uống chai thuốc trừ sâu, số tiền giấy đốt còn dang dở nhưng ông đã nằm xuống bất tỉnh. “Ông ấy đã bắt đầu lên kế hoạch tự sát từ lâu rồi”; “Ông ấy sợ rằng sau này khi chết, đến tiền giấy con cái cũng không mua cho”, một người dân trong làng nói với nhà nghiên cứu Lưu Yên Vũ, “chết theo cách này ‘thể diện’ hơn”.

Nghiên cứu cho thấy thảm kịch của cụ Lâm Mộc Văn không phải trường hợp cá biệt. Hiện tượng tự tử ở người già vùng nông thôn Trung Quốc “đã trở nên nghiêm trọng đến mức kinh hoàng”, Lưu Yên Vũ nói với tờ Thanh niên Trung Quốc với giọng điệu nặng nề, “Người già ở nông thôn ngày càng khó thoát khỏi con đường (tự tử) này. Đây có thể là cách riêng của họ để ứng phó nỗi đau của xã hội già hóa hiện đại”.

Đáng nói là đến ngày 24/7, bài viết “Hiện tượng tự tử ở người già ở nông thôn đã đến mức gây sốc” đã bị xóa bỏ trên hệ thống mạng Internet Trung Quốc.

p3518931a551370025
Hai bài viết trên đều báo lỗi “404”. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)

“Nhà tự sát” ở vùng nông thôn tỉnh Hồ Bắc

Một bài viết trên Sohu.com kể rằng ở vùng nông thôn huyện Kinh Sơn tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc có “nhà tự sát”, “động tự sát”, một số lượng đáng kể người già do bệnh tật nhưng không muốn làm gánh nặng cho con cái nên đã đến những ngôi nhà cũ hoặc những sườn dốc, rừng cây, mương sông hoang vắng… để kết liễu cuộc đời. Người dân địa phương đã quen với việc này, một số dân làng cho rằng chỉ cần người già trên 70 tuổi, không thể tự chăm sóc bản thân, kinh tế khó khăn, đời sống con cái khó khăn, mắc bệnh nan y… thì tự sát là một hình thức lựa chọn khôn ngoan.

Có câu chuyện chia sẻ trên mạng xã hội Zhihu Trung Quốc rằng một người con trai làm việc xa nhà xin nghỉ phép 7 ngày để về nhà thăm người cha đang bệnh nặng. Vài ngày trôi qua, anh này thấy bố không có dấu hiệu sắp chết nên hỏi bố: “Bố có chết hay không? Con nghỉ 7 ngày là tính cả thời gian lo tang lễ cho bố”. Sau đó người cha tự sát, người con trai vội vàng làm xong tang lễ trong thời hạn nghỉ một tuần rồi trở về thành phố tiếp tục làm việc.

Nguyên nhân khiến nhiều người già ở nông thôn tự tử phần lớn là do nghèo đói. Theo thống kê từ phương tiện truyền thông Trung Quốc Tuliu.com, số tiền lương hưu hàng tháng cho người già trên 60 tuổi ở vùng nông thôn Trung Quốc khác nhau tùy theo vùng, dữ liệu vào năm 2020 cho thấy tỉnh Hắc Long Giang là 90 nhân dân tệ, tỉnh Quý Châu 93 nhân dân tệ, Cam Túc là 103 nhân dân tệ, Nội Mông cao nhất Trung Quốc là 128 nhân dân tệ.

Người trẻ cũng có không ít trường hợp tự tử do áp lực cuộc sống

Một bài báo có tựa đề “Tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên đang tăng lên qua từng năm” do Sohu.com xuất bản vào tháng 2/2023 cho biết, tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên Trung Quốc trong 10 năm qua vẫn không ngừng gia tăng, một năm qua khoảng 14,2% thanh thiếu niên đã từng có suy nghĩ tự tử, trong [số trường hợp tự tử] có 45% tự tử không thành.

Theo báo cáo của Đài VOA Mỹ hôm 6/7/2023, một hiện tượng tự sát mới đã xuất hiện ở Trung Quốc đó là “tự sát theo lịch hẹn” hay “tự sát tập thể”. Một số thanh niên đời sống ở tầng lớp thấp trong xã hội chọn cách tự tử do áp lực cuộc sống. Họ tìm trên Internet những người vô vọng về cuộc sống giống mình và đồng ý cùng nhau kết thúc cuộc đời.

Tờ Quan sát Dân sinh (msguancha) hôm 29/5 đưa tin, vào tháng 5 xảy ra “làn sóng tự tử” bằng cách nhảy cầu – đã gây chấn động toàn Trung Quốc. Chủ đề “Sự cố nhảy cầu tiếp sức ở Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây” từng lọt vào danh sách tìm kiếm nóng. Làn sóng tự tử này không chỉ giới hạn ở Thái Nguyên mà còn thấy ở nhiều nơi như Trùng Khánh, Ninh Ba ở Chiết Giang, Hán Trung ở Thiểm Tây, Tô Châu ở Giang Tô, Tương Đàn ở Hồ Nam, Nam Ninh ở Quảng Tây, Lạc Dương ở Hà Nam, Lang Trung và Nghi Tân ở Tứ Xuyên… Một số cư dân mạng thẳng thắn cho rằng ĐCSTQ đang đẩy người dân vào tình trạng tuyệt vọng dẫn đến “làn sóng tự sát”.

Bà Vương (Wang) từng là giáo viên tại một trường học ở Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây nói với Đài RFA rằng do môi trường kinh tế khó khăn nên nhiều người không tìm được việc làm, hoặc gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng: “Vài năm qua tình trạng sinh kế người dân nghèo trong xã hội Trung Quốc càng cơ cực hơn, nhiều người trong họ ở độ tuổi còn rất trẻ, một số ở độ tuổi 20, không ít trường hợp do mua nhà và bể nợ… đẩy họ vào đường cùng nên nghĩ đến tự tử…. Mô hình kinh tế bất thường này sẽ khiến nhiều người khốn khổ hơn nữa”.