Mới đây, giữa nền nhà bếp của một hộ dân thuộc một ngôi làng ở Phúc Tuyền, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, xuất hiện một hố lớn có đường kính 2 mét, sâu 3 mét, từ dưới lòng đất còn vang lên tiếng nổ, hơn nữa trong thôn này còn xảy ra hàng chục vụ sụt lún, trên mặt đất xuất hiện 32 hố lớn.

sup ho
Có 32 vụ sụt lún tại một ngôi làng ở Phúc Tuyền, tỉnh Quý Châu. Một hố có đường kính 2 mét, sâu 3 mét được xuất hiện trong nhà bếp của dân làng. (Ảnh chụp màn hình Douyin)

Jimu News đưa tin, bà Hồ Ngọc Trân (Hu Yuzhen), một cụ già sống một mình ở Tổ Ba Hương Bình, thị trấn Lục Bình, Tp. Phúc Tuyền, tỉnh Quý Châu, có việc đi vắng mấy ngày không về nhà. Vào khoảng 3h chiều ngày 9/12, khi về đến nhà, bà thấy sàn xi măng trong bếp bị lõm xuống và biến dạng, xuất hiện nhiều vết nứt và âm thanh ầm ầm phát ra từ trong lòng đất. Bà vô cùng sợ hãi, lập tức đi tìm nhân viên theo dõi địa chất.

Chẳng bao lâu, tin tức về những “vết nứt” trong nhà bà Hồ Ngọc Trân đã lan truyền khắp làng. Nhân viên theo dõi địa chất dẫn một nhóm người đến nhà bà, họ nhìn thấy một cái hố lớn xuất hiện trong bếp, đường kính khoảng 2 mét, sâu 3 mét ở vị trí giữa bếp, những người chứng kiến vô cùng kinh ngạc.

Trong khi đó, nếu tính cả hố mới xuất hiện trong nhà bà Hồ, thì đây là hố thứ 32 xuất hiện liên tiếp ở Tổ Ba Hương Bình. Từ tháng 8 năm ngoái đến nay, Tổ Ba Hương Bình liên tiếp xảy ra thảm họa sụt lún. Một cánh đồng hoàn toàn bình thường, bỗng nhiên xuất hiện hết hố lớn này đến hố lớn khác. 

Nhân viên giám sát địa chất chủ yếu chỉ theo dõi các hố sụt số 5, 6, 10, 12, 13 và 14 ở Tổ Ba Bình Hương, “Tôi phải quan sát các hố này hàng ngày để xem có thay đổi gì không”. Nhà của nhân viên này chỉ cách nhà bà Hồ Ngọc Trân khoảng 300 mét.

Tổ Ba Bình Hương nằm ở phía đông bắc Tp. Phúc Tuyền, cách thành phố 23 km, được bao quanh bởi núi non. Tổ Ba Hương Bình có gần 80 hộ gia đình với hơn 300 người. Một số dân làng nói với tờ Tin tức Hồng Tinh rằng Tổ Ba Hương Bình có 4 nguồn suối chính và nhiều nguồn suối khác, trước khi thảm họa sụt lún nghiêm trọng xảy ra, những nguồn suối này đã ngừng chảy. Sự cạn kiệt nguồn nước tự nhiên gây ảnh hưởng đến đất canh tác và nông nghiệp.

Theo một số dân làng, “hố” đầu tiên xuất hiện ở Tổ Ba Hương Bình vào ngày 3/8 năm ngoái, tiếp theo là hố thứ hai vào tháng 11. Một số lượng lớn hố xuất hiện vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7 năm nay. Hầu hết các hố này đều xuất hiện trên cánh đồng. Một trong những hố nằm trước cửa nhà một người dân. Trong đó, hố xuất hiện vào ngày 9/12 trong nhà bà Hồ Ngọc trân thực sự đáng lo ngại, khiến bên ngoài Trung Quốc cũng chú ý đến sự cố sụt lún ở Tổ Ba Hương Bình.

sup ho 2
32 vụ sụt lún xảy ra tại một ngôi làng ở Phúc Tuyền, tỉnh Quý Châu. (Ảnh chụp màn hình Douyin)

Cựu trưởng thôn cho biết, trong một ngôi làng đột nhiên xuất hiện nhiều “hố” như vậy, mọi người cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Hiện tại, tất cả các hố này đã được đánh dấu, dựng hàng rào che chắn, và một số khu vực đã đặt biển cảnh báo. Trong làng còn thiết lập 3 tuyến đường sơ tán, với các biển chỉ dẫn để giúp người dân di chuyển theo 3 hướng xung quanh làng trong trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ.

sup ho 3
Hố sụt lún được quây lại và lắp biển cảnh báo. (Ảnh chụp màn hình CCTV)

Hiện tại, cánh đồng của ít nhất 60 nông dân ở Tổ Ba Hương Bình đã bị ảnh hưởng do sụt lún. Vào ngày 16/5 năm nay, Sở Tài nguyên thiên nhiên Tp. Phúc Tuyền đã bổ sung “các vụ sụt lún mặt đất Ba Hương Bình” “điểm nguy hiểm địa chất tiềm ẩn” và thông báo rằng thảm họa này đã đe dọa 85 hộ gia đình với 354 người và tài sản trị giá 15 triệu nhân dân tệ, cấp độ của quy mô thảm họa này là “trung bình”, còn các yếu tố gây ra thiên tai là “tự nhiên + con người”.

Sự cố rò rỉ nước ở mỏ than gần đó là một trong những nguyên nhân. Tờ Tin tức Hồng Tinh cũng nhìn thấy một “biển cảnh báo điểm nguy hiểm tiềm ẩn thảm họa địa chất” trong ngôi làng, cho thấy điểm nguy hiểm tiềm ẩn “sụt lún mặt đất Ba Hương Bình” hiện nay đã đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và an toàn tài sản của 409 người trong 95 hộ gia đình ở Ba Hương Bình, và khu vực hiện đang “trong tình trạng địa chất không ổn định”. Trong trường hợp có mưa lớn hoặc biến đổi khí hậu khắc nghiệt, sụt lún có thể xảy ra bất cứ lúc nào với mức độ nguy hiểm và thiệt hại lớn.

Đáp lại điều này, cư dân mạng Trung Quốc Đại Lục đã để lại bình luận:

“Các mỏ than bị khai thác quá mức, nguồn nước ngầm suy giảm và việc cạn kiệt đã gây ra sự cố sụt lún.”  

“Khai thác dưới lòng đất, lòng đất bị rỗng và sụp đổ là lẽ thường tình. Khai thác dưới lòng đất phải tránh những khu vực tập trung đông người, nếu không tác hại sẽ là vô cùng.”

“Thành phố Phúc Tuyền được bao quanh bởi các mỏ than nên sập là chuyện bình thường.”

Một số người phàn nàn: 

“Mọi thảm họa đều do con người tạo ra! Giết gà để lấy trứng, kiếm tiền bất chấp hậu quả.” 

“Cả ngôi làng nên được di dời đến nơi an toàn. Nếu một ngày nào đó xảy ra vụ sập quy mô lớn, ai sẽ chịu trách nhiệm?”

“Con người rốt cuộc phải phải trả giá cho hành động của mình. Người thì sống dựa vào đất cả đời, đến cuối cùng, đất lại ‘đớp’ con người một miếng.”

Điều đáng nói là sự cố sụt lún xảy ra thường xuyên ở Trung Quốc Đại Lục trong những năm gần đây. Theo một đoạn video được đăng tải trên mạng, vào tháng 7 năm nay, một đoạn đường trên đường Khang Phúc ở Tp. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, bất ngờ bị sụt lún. 

Vào tháng 4/2023, nghi ngờ sụt lún mặt đất ở làng Bình Lạc, quận Hà Sơn, Tp. Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, khiến nhiều tòa nhà bị nghiêng. 

Ngoài ra, trên một con đường ở một nơi không rõ địa điểm, một chiếc ô tô đang chạy bất ngờ rơi xuống một cái hố lớn. Về vấn đề này, một số cư dân mạng cho rằng từ xa xưa, “trời sập đất nứt” đều không phải là điềm báo tốt.

Lý Mộc Tử, Vision Times