9 con khỉ chết trong một công viên ở Hồng Kông, nghi do bị ngộ độc
- Theo RFI
- •
Sau khi 8 con khỉ chết không rõ nguyên nhân tại Vườn bách thú và Bách thảo Hồng Kông, một con khỉ mặt trắng Saki khác đã qua đời vào sáng sớm ngày 14/10. Chính quyền Hồng Kông đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp và quyết định đẩy nhanh việc khám nghiệm tử thi và xét nghiệm chất độc với hy vọng xác định nguyên nhân sự cố càng sớm càng tốt.
Vụ khỉ chết hàng loạt ở Vườn Bách thú và Bách thảo Hồng Kông đã gây lo ngại. Đặc biệt, loài khỉ có số lượng tử vong cao nhất là khỉ mặt trắng Saki có khả năng tiêu hóa mạnh và được mệnh danh là “bách độc bất xâm”. Ngoài ra, loài khỉ có số lượng tử vong cao nữa là là khỉ sóc đầu trắng, đây là loài cực kỳ nguy cấp với chỉ còn khoảng 2.000 con trên thế giới. Tổng cộng có 9 con khỉ thuộc 4 loài đã chết trong 2 ngày, điều này cũng làm giảm 10% số lượng động vật có vú trong công viên, chỉ còn 80 con sức khỏe vẫn bình thường.
Chính phủ Hồng Kông cũng rất quan ngại về vụ khỉ chết hàng loạt, Cục trưởng Cục Văn hóa, Thể thao và Du lịch Dương Nhuận Hùng đã tổ chức cuộc họp liên ngành khẩn cấp vào chiều hôm qua để ứng phó. Trưởng đặc khu Lý Gia Siêu cho biết, trước khi tham dự cuộc họp sáng 14/10 rằng Cục trưởng Dương sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo và điều phối vụ việc này. Ông nói tiếp rằng điều quan trọng nhất cần làm bây giờ là thực hiện 3 việc: Đầu tiên là ngăn chặn tình trạng lây lan. Vì vậy, công viên đã khoanh vùng và hoàn thành việc vệ sinh, khử trùng chuồng trại, v.v.; thứ hai là tiến hành kiểm soát thích hợp và tiếp tục giám sát môi trường tại chỗ, đồng thời nhân viên làm việc cũng cần thực hiện công tác phòng ngừa, bao gồm mặc quần áo và thiết bị bảo hộ; thứ ba, phải tìm ra nguyên nhân cái chết của động vật càng sớm càng tốt, bao gồm các xét nghiệm giải phẫu và độc tính để tìm hiểu nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của chúng.
Nguyên nhân khiến khỉ đột ngột chết hàng loạt
Nhiều chuyên gia và bác sĩ thú y phỏng đoán, nhiều khỉ chết có thể liên quan đến yếu tố môi trường, ngộ độc hoặc nhiễm các bệnh truyền nhiễm. Trong số đó, khả năng khỉ bị ngộ độc nhiều hơn, vì nếu bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn, thì bệnh sẽ phát tác và gây chết theo từng đợt, chứ không phải chết cùng một lúc như vậy. Tuy nhiên, hiện tại vẫn khó xác định xem nguyên nhân ngộ độc có phải do con người gây ra hay là do yếu tố môi trường.
Tuy nhiên, bác sĩ thú y đã đăng ký Lâm Bội cho biết trên một chương trình phát thanh sáng 14/10 rằng cái chết đột ngột của động vật có thể liên quan đến nhiều yếu tố, một trong số đó là nhiễm vi rút Leptospira. Bà chỉ ra rằng virus này có thể gây ra cái chết đột ngột ở động vật và có thể tích tụ trong phân của khỉ cũng như mèo và chó, khi các động vật khác ăn thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm bởi các chất thải này, chúng có khả năng bị nhiễm bệnh.
Bà cũng cho rằng động vật cũng có thể bị nhiễm độc và chết do ăn phải thuốc diệt côn trùng hoặc chất độc hại. Ví dụ có vấn đề về nguồn nước hoặc phương pháp bảo quản thực phẩm, hoặc ai đó vô tình hay cố ý cho ăn thực phẩm độc hại. Bà cũng không loại trừ khả năng đàn khỉ bị nhiễm bệnh bởi chuột mang vào chuồng khỉ, bà nhấn mạnh nguyên nhân thực sự còn chờ kết quả xét nghiệm.
Ngoài ra bà Trịnh Mỹ Quyên, giảng viên Trường Khoa học Y sinh thuộc Đại học Trung văn Hồng Kông, cho biết trong một chương trình phát thanh khác rằng sau khi công viên đóng cửa khu vực động vật có vú, khỉ vẫn chết, điều này có thể loại trừ khả năng ngộ độc do khách du lịch gây ra. Bà suy đoán liệu có phải đàn khỉ bị nhiễm virus hay không, và người nuôi chúng không phát hiện ra trong thời gian ủ bệnh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng lần này.
Vào ngày 13/10, người ta phát hiện 8 con khỉ đã chết trong Vườn Bách thú và Bách thảo Hồng Kông, sau đó, khu vực động vật có vú đã bị đóng cửa vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, vào ngày 14/10, lại phát hiện thêm 2 con khỉ có hành động kỳ lạ, một con sau đó đã chết, còn một con khỉ râu trắng còn lại tiếp tục được theo dõi. Tổng cộng có 9 con đã chết trong vụ việc, bao gồm 4 con khỉ mặt trắng Saki, 3 con khỉ sóc đầu trắng, một con khỉ râu trắng và một con khỉ sóc.
Trong số đó, cái chết của khỉ mặt trắng Saki là kỳ lạ nhất, có tới 4 con. Theo thông tin trên mạng, khỉ mặt trắng Saki là “vua chống độc” của tự nhiên vì dạ dày của chúng có thể tiết ra nhiều loại enzyme tiêu hóa để trung hòa các loại độc tố khác nhau, đồng thời thận của chúng có thể chuyển hóa và bài tiết một số chất độc khó tiêu ra ngoài cơ thể, do đó nó được cường điệu hóa thành “bách độc bất xâm”. Theo thông tin từ công viên động vật và thực vật, khỉ mặt trắng Saki sống trong rừng nhiệt đới, nơi nó ăn trái cây, mật ong, hoa và các động vật nhỏ. Nó cực kỳ linh hoạt và có thể nhảy giữa các cành cây cách nhau tới 10m, cho nên nó thường được gọi là “khỉ bay” ở nơi xuất xứ của nó.
Vườn Bách thú và Bách thảo Hồng Kông, được thành lập vào đầu năm 1871 và là công viên lâu đời nhất ở Hồng Kông. Hiện tại, khoảng một nửa diện tích công viên rộng 5,6 ha được phân bổ để chăn nuôi động vật, bao gồm khoảng 158 loài chim, 93 loài thú và 21 loài bò sát.
Theo RFI
Từ khóa Hồng Kông Khỉ chết ở Hồng Kông