BBC tiết lộ “bí mật công khai” của giới y học Trung Quốc
- Trí Đạt
- •
“Vẫn còn sống? Sao lại biết anh ta vẫn còn sống?”
“Bởi vì khi tôi mổ cơ thể anh ta, anh ta đã vùng vẫy, hơn nữa vết cắt còn chảy máu, nếu chúng ta nhìn thấy vết cắt chảy máu, điều đó có nghĩa là tim vẫn còn đập.”
Ngày 8/10, Đài BBC tại Anh đã phát một phóng sự điều tra, trong đó phỏng vấn nhiều vị bác sĩ Trung Quốc đã từng tham gia mổ sống lấy nội tạng hoặc có hiểu biết về nội tình liên quan, cũng như những người tập Pháp Luân Công từng bị bức hại. Ngày 11/10, BBC lại tiếp tục phát sóng chương trình talkshow, trong đó có chiếu một đoạn video cho thấy phóng viên của BBC đã truy vấn cựu Thứ trưởng Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu về các cáo buộc liên quan.
Người trong giới y học Trung Quốc: Mổ sống người lấy nội tạng tại Trung Quốc là “bí mật công khai”
Trong bản tin điều tra hôm 8/10, nhiều nhân sĩ hiểu về tình hình cấy ghép tạng tại Trung Quốc đã nói với phóng viên BBC rằng đây là “bí mật công khai” của giới y học Trung Quốc.
Enver Tohti – Một bác sĩ Ngoại khoa người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương từng mổ sống lấy nội tạng của tử tù ở Trung Quốc vào năm 1995 cho biết, ông đã lấy gan và 2 quả thận từ trên người một tử tù. Điều quan trọng là, khi lấy những cơ quan tạng, người này vẫn còn sống. Phóng viên BBC hỏi, “Vẫn còn sống ư? Sao ông biết anh ta vẫn sống?” Vị bác sĩ này trả lời, “Bởi vì khi tôi mổ cơ thể của anh ta, anh ta vùng vẫy, hơn nữa vết cắt còn chảy máu, nếu chúng ta thấy vất thương chảy máu, điều đó có nghĩa là tim vẫn còn đang đập.” Để đảm bảo nguồn cung nội tạng sẽ không lập tức chết ngay, khi hành quyết bằng súng, người ta sẽ bắn vào bên phải ngực của người ấy.
Mặc dù đã qua nhiều năm, nhưng nhớ lại cảnh tượng khi đó, vị bác sĩ này vẫn còn cảm thấy sợ hãi. Khi được hỏi rằng, liệu anh có thể từ chối chấp hành mệnh lệnh mổ lấy nội tạng này không, ông cho biết là không thể. Bởi vì sống tại Trung Quốc, mỗi bác sĩ đều làm việc cho chính quyền, nên bắt buộc phải tuân phục mệnh lệnh, nếu không anh sẽ bị xã hội cô lập, anh cũng có thể sẽ thành một người tiếp theo bị mổ lấy nội tạng.
Tuy nhiên, đây không phải là một trường hợp cá biệt. Một nhân sĩ khác trong giới y học Trung Quốc tiết lộ với BBC rằng, đây là một “bí mật công khai” của giới y học Trung Quốc, trong giới y học ai cũng biết, từ đồng nghiệp, bạn học, từ miệng của bác sĩ đều nghe được thông tin này. Ông nói, “Chúng tôi thường xuyên nghe được những người chấp hành tử hình, khi bị mổ lấy nội tạng họ vẫn chưa chết thực sự. Bởi vì các bác sĩ muốn có được một cơ quan tạng có chất lượng, do đó họ yêu cầu không được bắn vào đầu của những tử tù, mà bắn vào ngực phải của họ, nên người tử tù khi bị bắn thì tim vẫn còn đập.”
Cô Dương, hiện đang cư trú tại Luân Đôn cho biết, từ lâu cô đã nghe được những câu chuyện tương tự từ một bác sĩ mà cô quen biết. Vị bác sĩ này là hàng xóm của cô, làm việc tại một bệnh viện lớn ở Trung Quốc. Mùa hè năm 1985, khi vị bác sĩ nói chuyện với cô, đã vô ý nhắc đến công việc của mình bao gồm cả việc mổ sống lấy nội tạng. “Một tử tù sau khi bị bắn, sẽ không lập tức tử vong, cần phải đảm bảo để anh ta còn sống và sau khi anh ta bị bắn cần lập tức lấy nội tạng ngay.“
Nhóm người có tín ngưỡng như Pháp Luân Công là nguồn cung nội tạng chính
Từ trước tới nay, chính quyền Trung Quốc vẫn luôn phủ nhận các cáo buộc liên quan đến mổ sống lấy nội tạng. Đến năm 2006, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu thừa nhận, nội tạng của tử tù là nguồn cung chủ yếu cho hoạt động cấy ghép tạng. Năm 2015, Trung Quốc tuyên tố ngừng sử dụng nội tạng của tử tù làm nguồn cung cho hoạt động cấy ghép. Do đó, về lý luận mà nói, từ sau thời điểm đó, công dân tự nguyện hiến tạng sau khi qua đời đã trở thành một kênh cung cấp các cơ quan tạng cho việc cấy ghép tại Trung Quốc Đại lục.
Tuy nhiên, một trong những trọng điểm mà chính quyền Trung Quốc không thể tự bào chữa cho mình, đó chính là những người tình nguyện khi qua đời làm sao có thể khớp với thời điểm mà người cần được phẫu thuật cần.
BBC chỉ ra, thực tế những nhóm người tín ngưỡng như Pháp Luân Công, tù nhân lương tâm mới là nguồn cung tạng chủ yếu cho hoạt động cấy ghép. Sau khi Pháp Luân Công được phổ cập, hiệu quả trị bệnh được thấy rõ, hơn nữa, các hoạt động đều là miễn phí nên mới nhanh chóng được truyền rộng. Trước khi bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp, tại Trung Quốc có đến hơn 100 triệu người tập luyện. Tuy nhiên, đến năm 1999, sau khi Pháp Luân Công bị đàn áp toàn diện tại Trung Quốc, người tập Pháp Luân Công bị đưa đến các trại cải tạo lao động, các nhà tù. Những người tập Pháp Luân Công không hút thuốc, không uống rượu cũng đã trở thành một nguồn cung nội tạng lý tưởng của chính quyền Trung Quốc.
BBC dẫn lời của Luật sư nhân quyền Davis Matas cho biết, từng có điều tra viên dùng thân phận là người nhà của bệnh nhân để gọi điện cho bệnh viện, hỏi xem có thể cung cấp nội tạng của người tập Pháp Luân Công làm phẫu thuật cấy ghép hay không, bởi vì người tập Pháp Luân Công có cơ thể khỏe mạnh, nội tạng khỏe mạnh. Trong 15% các cuộc gọi tư vấn, đều có bác sĩ, y tá cho biết, “Chúng tôi có nguồn cung tạng như vậy, và còn có thể có được nội tạng rất nhanh chóng, điều này có nghĩa là có người bị giết hại vì nội tạng”, ông David Matas nói.
Người bị bức hại: Cứ 3 tháng phải kiểm tra sức khỏe một lần
Cô Dương – người từng bị giam giữ 18 tháng tại Bắc Kinh vì tập Pháp Luân Công cho biết, sau khi cô bị giam giữ, cứ 3 tháng, cảnh sát lại đưa cô đi kiểm tra sức khỏe một lần. Cảnh sát đưa tất cả những người tập Pháp Luân Công đến một bệnh viện do cảnh sát kiểm soát. Bệnh viện này rất gần trại cải tạo lao động, tại bệnh viện, người tập Pháp Luân Công sẽ được tiến hành xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra mắt, thận, gan, chụp X quang, và kiểm tra toàn thân.
“Khi đó, tôi chưa hiểu vì sao họ lại kiểm tra sức khỏe của tôi, đến khi tôi đến nước Anh, tôi mới ý thức được là có lẽ họ cần nội tạng của tôi. Bởi vì người tập Pháp Luân Công chúng tôi không hút thuốc, không uống rượu”, cô Dương nói.
Một người tập Pháp Luân Công khác là ông Lưu, năm ngoái ông vừa mới được tự do, hiện tại đang cư trú tại Toronto, ông cho biết sau khi bị giam giữ 3 tháng, cảnh sát đưa ông đến bệnh viện của nhà tù, cưỡng chế lấy máu của ông. Ông Lưu nói, “tôi không hút thuốc, không uống rượu, sức khỏe của tôi rất tốt, nhưng bị giam trong tù, họ vẫn tiếp tục lấy máu của tôi, do đó tôi lo lắng có thể mình sẽ bị họ giết để lấy nội tạng.“
Ông Lưu còn nói, trong nhà tù, cảnh sát ép họ xem các video phỉ báng Pháp Luân Công, tẩy não ông, cưỡng ép ông từ bỏ tín ngưỡng của mình. Nếu từ chối sẽ có thể bị đánh chết. Khi cảnh sát đánh ông, họ chỉ đánh vào tay, chân, hoặc đầu, còn các chỗ khác họ sẽ không gây tổn thương.
Trong thời gian cô Dương bị giam giữ, cô cũng bị giày vò tương tự. Cảnh sát chỉ thị những người nghiện đang bị giam giữ có thể dùng bất cứ cách nào để hành hạ cô, nhưng phải dùng thủ đoạn làm sao không nhìn thấy được vết thương. Mùa hè năm 2015, trong nhà giam với nhiệt độ lên đến 40 độ C, mỗi ngày cô chỉ có một chai nước nhỏ, không có đủ đồ ăn nước uống. Cô Dương còn từng bị bắt ngồi trên một cái ghế có chiều dài, rộng chỉ 30cm, “phải ngồi trên ghế, chân sát vào nhau, tay đặt trên đầu gối, lưng phải thẳng. Mỗi ngày phải ngồi trên đó hơn 20 tiếng đồng hồ không được động đậy. Nếu động đậy sẽ bị đánh.”
Phóng viên truy hỏi mổ sống lấy nội tạng, Hoàng Khiết Phu né tránh không trả lời
Ngày 11/10, Đài BBC tiếp tục phát chương trình talkshow, tiết lộ nhiều bí ẩn về việc mổ sống lấy nội tạng tại Trung Quốc. Tiết mục của BBC dẫn đoạn phim của truyền thông Hàn Quốc đến Thiên Tân điều tra, chứng thực rằng tại Trung Quốc sẽ rất nhanh có được nội tạng để cấy ghép. Người nhà của một người Hàn Quốc được ghép tạng chia sẻ với phóng viên Hàn Quốc nằm vùng cho biết: “Tại bệnh viện Thiên Tân họ chỉ mất 2 tiếng đồng hồ, có thể đem đến đây một nội tạng còn mới”.
Còn người chịu trách nhiệm chính trong việc mổ sống lấy nội tạng là cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu khi đối mặt với câu hỏi của phóng viên BBC đưa ra, lại tỏ vẻ luống cuống, né tránh không trả lời.
Bản tin BBC cho biết, ông Hoàng Khiết Phu khi đối diện với phỏng vấn của truyền thông quốc tế đã nói, “năm ngoái chúng tôi có 15.000 ca cấy ghép tạng”. Tuy nhiên phóng viên của BBC hỏi, “báo cáo điều tra ước tính mỗi năm có đến 100.000 ca“. Ông Hoàng Khiết Phu trả lời, “những cáo buộc đó là nói xằng, chúng tôi không muốn trả lời về vấn đề này nữa.” Phóng viên BBC tiếp tục truy vấn, “vậy sao khi tôi gọi điện đến bệnh viện tại Trung Quốc, rất nhanh sẽ có cơ hội được ghép gan? Sao lại có thể như vậy?” Nghe xong, ông Hoàng Khiết Phu bối rối và căng thẳng, không trả lời phóng viên, “tôi không muốn nghe, không muốn trả lời vấn đề này, một số người là có mục đích chính trị”.
Nghị viện châu Âu, Quốc hội Mỹ đều đã có những nghị quyết lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc cưỡng chế mổ lấy nội tạng. Ngày 10/10, Ủy ban Điều hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) đã công bố báo cáo thường niên về nhân quyền Trung Quốc, trong đó có nhấn mạnh, tổ chức quốc tế chỉ ra, nội tạng của người tập Pháp Luân Công và những tù nhân khác bị ĐCSTQ dùng cho cấy ghép tạng, giới y học quốc tế cũng biểu thị sự lo lắng đối với nguồn cung nội tạng tại Trung Quốc.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Giới y học Trung Quốc Pháp Luân Công là gì Pháp Luân Công Mổ cướp nội tạng Ghép tạng Hoàng Khiết Phu Mổ sống lấy nội tạng