Bắc Kinh chỉ đạo “sáu ổn định”, tình hình kinh tế đang nghiêm trọng
- Huệ Anh
- •
Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ ngày càng nóng, kinh tế Trung Quốc tiếp tục nằm dưới đáy suy thoái, chính quyền ông Tập Cận Bình liên tục hai lần mở hội nghị về kinh tế, cho thấy tình hình kinh tế đang rất nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng tình hình thực tế có thể tiếp tục tồi tệ hơn.
Liên tục tổ chức hội nghị để nỗ lực cứu nguy nền kinh tế
Ngày 01/11, ông Tập Cận Bình đã tổ chức Tọa đàm Doanh nghiệp Tư nhân, nhấn mạnh không thay đổi gì trong chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân: “Phải để cho kinh tế tư nhân mạnh lên chứ không được làm suy yếu đi, tất cả các doanh nghiệp tư nhân có thể yên tâm, nỗ lực phát triển”.
Trước đó, ngày 31/10, ông Tập Cận Bình đã triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị, đặc biệt nghiên cứu tình hình kinh tế hiện tại và triển khai công tác giải cứu. Hội nghị nhấn mạnh, “Áp lực kinh tế đối với Trung Quốc hiện nay quá lớn, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn hơn, những nguy hiểm tiềm ẩn tích lũy trong thời gian dài đều lộ ra”. Hội nghị nhấn mạnh “sáu ổn định”: việc làm ổn định, tài chính ổn định, ngoại thương ổn định, vốn nước ngoài ổn định, đầu tư ổn định, kỳ vọng ổn định.
Hội nghị cũng đưa ra phản hồi về vấn đề dư luận xã hội đặc biệt quan tâm là thực trạng “nước tiến dân lùi” (doanh nghiệp nhà nước lớn mạnh, doanh nghiệp tư nhân sụp đổ) và vấn đề thị trường chứng khoán ảm đạm, theo đó nhấn mạnh nghiên cứu giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp tư nhân, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển; bảo vệ lợi ích của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc.
Nhận định từ chuyên gia và giới truyền thông
Theo nguồn tin của Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle), so với hồi tháng Bảy thì nền kinh tế Trung Quốc “phải đối mặt với một số thách thức mới và những vấn đề mới”, vào ngày 31/10 giới lãnh đạo tối cao Bắc Kinh bất ngờ bày tỏ quan điểm bi quan về thực trạng kinh tế Trung Quốc, được cho là lần đầu tiên trong vài năm qua họ có thái độ này.
Tiếng nói nước Đức dẫn chia sẻ của chuyên gia Thẩm Lăng (Shen Ling) Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô Khoa Kinh tế, Đại học Khoa học và Công nghệ Đông Trung Quốc (East China University) tại Thượng Hải, theo đó chuyên gia này cho biết việc lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thay đổi giọng điệu có nguyên nhân vì số liệu kinh tế quý III không tốt như mong đợi.
Số liệu kinh tế nhà cầm quyền Trung Quốc mới công bố cho thấy: tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý thứ ba tăng trưởng chỉ 6,5%, là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009; phản ánh chỉ số quản lý thu mua nhu lĩnh vực sản xuất (PMI ) trong tháng Mười giảm xuống mức 50,2, là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016.
Mao Đài Quý Châu (Kweichow Moutai) từng có giá trị thị trường cổ phiếu A cao nhất, nhưng Quý III bất ngờ “lao dốc” suy thoái, doanh thu chỉ tăng 3,2%, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng chỉ là 2,7%; đồng thời cổ phiếu của gần 10 doanh nghiệp rượu hàng đầu (Maotai, Gujing gongjiu, Wuliangye Yibin, Yanghe, Kouzi Distillery…) sụt giá kỷ lục trong ngày 29/10, màn hình hiển thị mức tiêu thụ lao dốc, giá cổ phiếu giảm mạnh.
Ông Thẩm Lăng nói: “Tình hình kinh tế hiện thực sự rất nghiêm trọng”, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm tới có thể sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 6,5%, cách duy nhất thay đổi cục diện e rằng phải nhờ cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình. “Xu hướng năm tới hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả đàm phán Trung – Mỹ vào cuối năm, những biến động quá lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc chỉ trong thời gian ngắn ngủi là do vấn đề thương mại Mỹ – Trung, nếu Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa hiệp thì xu hướng trong năm tới sẽ tốt hơn một chút, nếu không tình hình rất bi quan”, ông nói.
Chuyên gia này cũng cho biết, do bi quan vì cuộc chiến thương mại, các công ty thường vội vã hoàn tất giao dịch trước thời hạn, làm tình hình xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ hoàn thành sớm hơn dự kiến, cho nên tình hình xuất khẩu trong năm tới chắc chắn sẽ xấu đi.
Về vấn đề nhà chức trách Bắc Kinh lên tiếng đẩy mạnh hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân tại hội nghị ngày 01/11, ông Thẩm Lăng cho rằng “Bên trên cảm thấy mức độ kinh tế khó khăn hiện nay vượt xa tưởng tượng, vì thế có thể dự kiến chính sách trong tương lai sẽ nỗ lực hơn nữa để giúp phục hồi kinh tế tư nhân”.
Tờ Epoch Times tại Mỹ thì có nhận định, cuộc họp Bộ Chính trị đề cập đến “sáu ổn định”, phản ánh thực trạng bất ổn nghiêm trọng của nền kinh tế Trung Quốc, dù nhà cầm quyền đang cố gắng để thúc đẩy niềm tin thị trường, nhưng tình hình chưa khả quan.
Trong cuộc họp Bộ Chính trị họp ngày 31/10, tỷ giá hối đoái Nhân dân tệ (USD-RMB) rơi xuống mức 6,9757, thấp hơn mức “7” mà trước đó giới chức cầm quyền trù tính; chỉ số thị trường chứng khoán dù hồi phục nhẹ lên 2,602.78 điểm, nhưng vẫn là mức thấp nhất kể từ thảm họa thị trường chứng khoán năm 2015, cho thấy lòng tin mong manh đối với thị trường.
Nhiều nhận định cho rằng, thực trạng “nước tiến dân lùi” do nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc gây ra đã khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân lo ngại, khiến đầu tư tư nhân sụt giảm mạnh. “Thảm họa cổ phiếu” thị trường vốn, giới đầu tư bán lẻ nhụt chí, giá cổ phiếu giảm liên tục. Sự leo thang của cuộc chiến thương mại đã khiến các công ty nước ngoài lo ngại, làm làn sóng thoái vốn khỏi Trung Quốc ngày càng tăng. Tín hiệu thị trường suy thoái toàn diện cho thấy mùa đông khắc nghiệt của nền kinh tế Trung Quốc chỉ mới bắt đầu, tình hình khó bình ổn.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại kinh tế Trung quốc chiến tranh thương mại