Bắc Kinh công bố lập trường về vấn đề Ukraine
- Lý Duyên
- •
Sáng ngày 26/2, Bắc Kinh đã đưa ra một tuyên bố lập trường 5 điểm về vấn đề Ukraine. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã rơi vào tình thế ngày càng khó khăn về ngoại giao kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.
Một mặt, ĐCSTQ phải tiếp tục sử dụng cái gọi là nguyên tắc “chính sách ngoại giao không can thiệp” trước đây, để lên án sự xâm lược của Nga đối với quốc gia có chủ quyền của Ukraine. Một mặt khác, ĐCSTQ không thể bỏ mặc tuyên bố “không có giới hạn cho sự hợp tác” trong cuộc gặp cấp cao của lãnh đạo 2 nước Trung – Nga cách đó vài tuần. Đồng thời, trong hành động cân bằng của mình, Bắc Kinh cũng muốn ngăn chặn mối quan hệ của họ với Mỹ và châu Âu chệch hoàn toàn khỏi đường ray.
Mấy ngày gần đây, Bắc Kinh đang đong đưa bất định giữa việc phản đối xâm lược và lo ngại về an ninh của Moscow, đồng thời tiếp tục lên án Mỹ và đồng minh của Mỹ đang đổ thêm dầu vào lửa.
Dưới áp lực, Bắc Kinh công khai 5 điểm chính về lập trường trong vấn đề Ukraine
Vào lúc 2h sáng theo giờ địa phương hôm thứ Bảy (26/2), trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đăng một tuyên bố với 5 điểm chính về lập trường của ĐCSTQ đối với vấn đề Ukraine của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Đây có thể là tuyên bố công khai bằng văn bản rõ ràng nhất cho đến nay.
Ông Vương Nghị nói, “Trung Quốc kiên định chủ trương tôn trọng và bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, điều này cũng áp dụng cho vấn đề Ukraine”, và “các yêu cầu an ninh chính đáng của Nga cần được coi trọng và giải quyết ổn thỏa”, “hoan nghênh Nga và Ukraine tổ chức một cuộc đối thoại đàm phán trực tiếp càng sớm càng tốt.”
Tuyên bố được đưa ra sau khi ông Vương Nghị lần lượt có các cuộc điện đàm riêng vào ngày 25/2 với Ngoại trưởng Anh Liz Truss, Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Josep Borrell, và Cố vấn Tổng thống Pháp Emmanuel Bonne.
Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 25/2. Theo thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Putin nói rằng “phía Nga sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao với phía Ukraine”.
Trước đây, cả Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc và phát ngôn của Bộ Ngoại giao đều nói rằng phía Trung Quốc “luôn tự chiểu theo đúng sai, phải trái của bản thân sự việc để quyết định lập trường và chính sách của mình.”
Ông Vương Hách (Wang He), nhà bình luận về các vấn đề thời sự tại New York, phân tích rằng bề ngoài “đúng sai, phải trái” của ĐCSTQ thực chất là một “thủ pháp lưu manh, phớt lờ thực tế”.
Ông nói rằng ĐCSTQ cho đến nay không công khai thừa nhận việc Nga xâm lược Ukraine, nhưng đồng thời lại công khai nói rằng họ phản đối “các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp của phương Tây” đối với Nga.
New York Times: ĐCSTQ tiết lộ bí mật với Nga, thông báo cho Nga thông tin tình báo mà Mỹ chia sẻ
Tờ New York Times đưa tin hôm 25/2, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, Mỹ đã chia sẻ thông tin tình báo với Bắc Kinh về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, và kết quả là Trung Quốc đã tiết lộ bí mật cho Nga.
Bản tin của New York Times cho biết, các quan chức cấp cao của chính quyền Biden đã tổ chức 6 cuộc họp khẩn cấp với các quan chức cấp cao của Trung Quốc (ĐCSTQ) trong 3 tháng. Tại các cuộc họp này, Mỹ trình bày thông tin tình báo về việc Nga tập kết quân đội xung quanh Ukraine, đồng thời yêu cầu Trung Quốc nói với Nga không được xâm lược. Nhưng tại mỗi cuộc họp, các quan chức Trung Quốc từ chối yêu cầu của Mỹ và nói rằng họ không tin rằng cuộc xâm lược đang được tiến hành.
Bản tin còn nói, “Sau cuộc trao đổi ngoại giao vào tháng 12, các quan chức Mỹ nhận được thông tin tình báo cho thấy Bắc Kinh đã chia sẻ các thông tin này với Moscow.”
Về vấn đề này, nhà bình luận Vương Hách phân tích rằng ngoại giới rất nhạy cảm với việc hiện giờ liệu có phải Trung – Nga đang chuẩn chị chiến lược “dựa lưng vào nhau”. Cũng có thể là “hành vi mạo hiểm điên rồ” đơn phương của ĐCSTQ, muốn sử dụng việc Nga xâm lược Ukraine để tung “hỏa mù” và tiếp tục duy trì áp lực đối với Đài Loan, làm hao mòn ý chí chống cự và tiêu hao vật chất của Đài Loan.
WSJ: Phía Trung Quốc ngầm tự thừa nhận tuyên bố Trung – Nga chỉ là nói không làm
Ông Putin là khách quý duy nhất mà ông Tập mời tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin hôm 25/2, trích dẫn nguồn tin gần gũi với cơ quan chính sách đối ngoại của Bắc Kinh cho biết, ông Putin chia sẻ sự bất mãn với Mỹ trong cuộc gặp với ông Tập trước lễ khai mạc Thế vận hội.
Nguồn tin cho biết, những lời phàn nàn đó với ông Tập đã nhận được sự đồng cảm. Những nguồn tin này tiết lộ, trong cuộc trò chuyện với ông Tập, ông Putin không đề cập đến kế hoạch của mình đối với Ukraine.
Sau đó, trong tuyên bố chung Trung – Nga, ông Tập và ông Putin đã nêu ra một mặt trận thống nhất chống lại các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu, và không đề cập đến Ukraine.
Sau khi ông Putin rời đi, 7 vị thường ủy Bộ Chính trị ĐCSTQ đã họp ở Trung Nam Hải liên tiếp trong nhiều ngày nhằm nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong những ngày gần đây, Bắc Kinh dao động giữa việc phản đối cuộc xâm lược và ủng hộ tinh thần vì những lo ngại về an ninh của Moscow, đồng thời tiếp tục cáo buộc Mỹ và các đồng minh đổ thêm dầu vào lửa.
Trong đó một nhân sĩ thân cận với cơ quan chính sách đối ngoại của Bắc Kinh nói với WSJ rằng: “Hiện tại, chiến lược tuyên bố của Trung – Nga là ‘chỉ nói, không làm’.”
Ngày 24/2, Bắc Kinh đã dỡ bỏ các hạn chế đối với nhập khẩu lúa mì của Nga, những hạn chế này đã được thực thi trong nhiều thập kỷ.
Từ khóa quan hệ Nga - Trung Quốc Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine Nga tấn công Ukraine